(ĐN) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, chiều 5-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
(ĐN) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, chiều 5-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn |
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng. Việc sửa đổi luật nhằm tăng cường sự an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng; tạo cơ chế xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
* Tăng cường sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) đề nghị, trong quá trình sửa đổi luật, cần bổ sung quy định đảm bảo minh bạch, công khai về hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng. Bởi, theo đại biểu, cử tri băn khoăn về việc khi thực hiện vay ở các ngân hàng bị nhân viên ngân hàng yêu cầu mua bảo hiểm mới được giải ngân, hỗ trợ.
Đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định phạm vi cung cấp thông tin khách hàng cho các cơ quan kiểm tra, thanh tra để đảm bảo thuận lợi cho quá trình thực hiện, đồng thời đảm bảo nguyên tắc về bảo vệ thông tin cá nhân.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị tiếp tục mở rộng áp dụng đối tượng xử lý nợ xấu và tài sản để thúc đẩy thị trường mua, bán nợ công khai, minh bạch, phát triển hiệu quả, góp phần khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.
Các đại biểu phân tích, Luật Đầu tư năm 2020 không coi hoạt động kinh doanh mua bán nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, hoạt động của các tổ chức, đặc biệt xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cần được đánh giá kỹ tác động, nhất là liên quan đến bảo đảm trật tự an toàn xã hội và tính an toàn của hệ thống.
Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 5. Ảnh: quochoi.vn |
Cho rằng dự thảo luật vẫn chưa đưa ra giải pháp triệt để xóa bỏ “tín dụng đen”, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) nhấn mạnh, cần giải quyết tận gốc vấn đề, người dân trong xã hội có nhu cầu vay nhanh những khoản vay ngắn hạn, giá trị nhỏ (chủ yếu là tín chấp).
Hệ thống các tổ chức tín dụng hiện tại không đáp ứng được nhu cầu này của người dân vì thủ tục phức tạp, chi phí giao dịch cao so với giá trị khoản vay. Do đó, họ phải tìm tới “tín dụng đen” với rất nhiều rủi ro.
Để giải quyết bài toán này, đại biểu đề xuất cần ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số, cho phép xử lý giao dịch với số lượng lớn trong thời gian ngắn, giảm chi phí giao dịch. Việc xử lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu quy mô lớn cũng cho phép đánh giá đúng khả năng trả nợ của người vay, giảm thiểu rủi ro và chi phí thu nợ.
* Cần làm rõ đối tượng là người nước ngoài được mua và đối tượng được thuê nhà ở
Trước đó, sáng 5-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, từ đó thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhà ở. Các đại biểu cũng nêu một số nội dung liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, chính sách phù hợp cho các đối tượng tái định cư, vấn đề sở hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức nước ngoài.
Nêu ý kiến đối với vấn đề nhà ở xã hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong dự thảo luật cần ghi rõ UBND tỉnh giao chủ đầu tư thực hiện, đồng thời UBND tỉnh chịu trách nhiệm quy định giá bán và giá thuê.
Với loại nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư, Bộ trưởng cho biết, chưa có quy định giá bán do ai duyệt. Quy định Nhà nước quyết định giá bán thì mới bán đúng đối tượng, cho thuê đúng đối tượng, nếu không sẽ rơi vào “kênh” nhà ở thương mại.
Bộ trưởng nhấn mạnh lại, dù là dạng nhà ở xã hội do Nhà nước hay doanh nghiệp đầu tư thì đều cần do Nhà nước quyết giá.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất: “Đối với nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư thì bán đúng giá, còn với doanh nghiệp đầu tư thì phải quy định giá tối đa để khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp, nguồn vốn xã hội”.
Về hạ tầng nhà ở xã hội, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, phí bảo trì và quản lý nhà phải giao cho UBND tỉnh ban hành, nếu không mỗi khu chung cư sẽ đặt ra một loại phí.
Bàn về vấn đề sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài, các đại biểu cho rằng, cần rà soát để quy định đảm bảo chặt chẽ. Việc mở cửa cho các cá nhân nước ngoài cần có chọn lọc, tôn trọng cuộc sống của người bản địa.
Cần làm rõ hơn trong dự thảo luật đối tượng được mua và đối tượng được thuê để tránh lợi dụng. Những người vào tạm thời chỉ nên dừng ở việc cho thuê tạm thời.
Đồng thời có đánh giá tác động toàn diện hơn, rà soát để tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản…
Nước là tài sản quý giá cần được bảo vệ, điều tiết, sử dụng, quản lý hài hòa hợp lý, do vậy cần có tư duy và tầm nhìn mới trong quá trình sửa đổi Luật Tài nguyên nước. Đây là một trong những ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại phiên thảo luận ở tổ chiều 5-6. Các ĐBQH phân tích, nhằm hoàn thiện hơn hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên nước, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật. |
Thanh Hải (tổng hợp)