Báo Đồng Nai điện tử
En

Vụ trục lợi tiền bảo hiểm tại nhiều phòng khám: Các đối tượng liên quan khai gì?

05:06, 02/06/2023

(ĐN) - Liên quan đến vụ trục lợi tiền bảo hiểm tại nhiều phòng khám đa khoa (PKĐK) trên địa bàn TP.Biên Hòa, ngày 2-6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa ra quyết định tạm giữ hình sự 18 đối tượng để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

(ĐN) - Liên quan đến vụ trục lợi tiền bảo hiểm tại nhiều phòng khám đa khoa (PKĐK) trên địa bàn TP.Biên Hòa, ngày 2-6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa ra quyết định tạm giữ hình sự 18 đối tượng để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Cán bộ Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP.Biên Hòa làm việc với các đối tượng liên quan
Cán bộ Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP.Biên Hòa làm việc với các đối tượng liên quan

Trong số 18 bị người bị tạm giữ có 3 bác sĩ là trưởng các PKĐK: Long Bình Tân, Tân Long và Hiền Phước; 1 bác sĩ là phó PKĐK Tam Đức và 1 bác sĩ chuyên khoa tại PKĐK Mỹ Đức. Ngoài ra còn có 13 người là dược sĩ, nhân viên y tế và đối tượng chuyên môi giới để làm giả các loại giấy tờ liên quan.

* Làm theo chỉ đạo của các chủ phòng khám

Theo Công an TP.Biên Hòa, hiện cơ quan này đang tiếp tục phối hợp với Viện KSND cùng cấp tập trung lấy lời khai các đối tượng liên quan để phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án.

Làm việc với công an, dược sĩ T.M.H.- một nhân viên tại PKĐK Tam Đức - cho biết, hàng ngày chị có nhiệm vụ tiếp nhận, làm giấy khám sức khỏe cho người thi bằng lái xe và xin việc làm, cả trực tiếp lẫn qua môi giới với “giá” 70 ngàn đồng/giấy.

Theo chị H., những trường hợp này chỉ đăng ký số, ghi tên vào giấy khám bệnh sau đó đưa vào cho bộ phận khác để ghi khống các thông tin trên giấy khám bệnh rồi đóng mộc và giao cho khách hàng. 

Ngoài ra, có những “khách hàng” làm giấy khám sức khỏe với số lượng lớn (lên đến hàng ngàn giấy), các phòng khám này chỉ thu 20-30 ngàn đồng/giấy, người môi giới hưởng chênh lệch 10 ngàn đồng/giấy.

Qua công tác điều tra, cơ quan công an xác định, nguồn thu lợi bất chính của các phòng khám chủ yếu từ việc bán các loại giấy khám sức khỏe để xin việc làm, thi bằng lái xe.

Chị B.N.Q. (nhân viên PKĐK Tam Đức) thì cho biết, để làm một giấy nghỉ bệnh hưởng bảo hiểm, hàng ngày thì quy trình sẽ là nhân viên phòng khám tiếp nhận thông tin, lập hồ sơ, chuyển bác sĩ nhập toa thuốc rồi ký, đóng dấu mộc.

 Mỗi ngày, PKĐK Tam Đức lập và bán ra khoảng 20 giấy nghỉ bệnh để hưởng BHXH. Số tiền được đơn vị này quy định, mỗi ngày nghỉ bệnh hưởng bảo hiểm (ghi trên giấy) thu 25 ngàn đồng. Người nào xin nghỉ bao nhiêu ngày thì nhân số tiền đó lên để thu.

Còn chị T.T.H.N. (nhân viên kế toán PKĐK Tam Đức) cho biết, nếu tính cả việc bán giấy khám sức khỏe và giấy nghỉ hưởng BHXH, phòng khám này thu về khoảng 2 triệu đồng/ngày.

Đặc biệt, trong quá trình điều tra chuyên án này, cơ quan công an xác định, 2 đối tượng là L.T.H. (43 tuổi, ngụ KP.4, P.Trảng Dài) và H.T.Đ. (39 tuổi, ngụ KP.2, P.Trảng Dài) đã cấu kết với một số đối tượng tại các phòng khám trên địa bàn TP.Biên Hòa làm giả các loại giấy tờ khám sức khỏe bán cho nhiều người.

Các đối tượng này đã móc nối với nhân viên y tế tại các phòng khám, làm giả hồ sơ, giả chữ ký của người khám bệnh, khám sức khỏe.

Đối tượng H.T.Đ. khai, thời gian đầu, giá bán mỗi tờ giấy khám sức khỏe từ 80-90 ngàn đồng/giấy, sau đó “giảm giá” khoảng 40 ngàn đồng/giấy, riêng hoa hồng môi giới vẫn 10 ngàn đồng/giấy.

Đối tượng L.T.H. thì khai, thường nhận mối làm giấy tờ cho một số công ty như Công ty B.C (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) và một số công ty ở Khu công nghiệp Amata. Tất cả các giấy khám sức khỏe, đối tượng đều hưởng tiền chênh lệch 10 ngàn đồng/giấy.

* Các phòng khám hưởng lợi từ nhiều nguồn

Thượng tá Ninh Văn Đẳng, Phó trưởng Công an TP.Biên Hòa cho biết, điều tra ban đầu xác định các đối tượng đã móc nối với nhau để làm giả các loại giấy: xác nhận nghỉ việc, nghỉ bệnh để hưởng BHXH, bảo hiểm y tế; giấy khám sức khỏe… để bán cho nhiều người (đa số là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn TP.Biên Hòa và một số khu vực lân cận).

Đáng chú ý, một số phòng khám còn lập khống các hồ sơ bệnh nhân giả để trục lợi bảo hiểm y tế. Việc làm này đã gây thất thoát ngân sách nhà nước, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Trong vụ án này, cơ quan công an xác định, chủ các phòng khám còn lập khống hồ sơ nhiều bệnh nhân gồm: chi phí khám, điều trị và tiền thuốc để quyết toán hưởng tiền bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, các cơ sở này cũng lập hồ sơ quyết toán khống các chi phí của bệnh nhân để hưởng BHXH.

Để làm các hồ sơ, thủ tục này, các phòng khám đã lấy thông tin từ những bệnh nhân đã từng đến khám hoặc thông tin từ những hồ sơ khám sức khỏe tại các cơ sở này.

Trần Danh

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích