(ĐN) - Ngày 16-6, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
(ĐN) - Ngày 16-6, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại buổi hội thảo |
Tham dự và chủ trì hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng; Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo; Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Cao Văn Quang.
Cùng tham dự hội thảo còn có Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn; Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường, các Phó chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các bộ, ngành, các địa phương trong Vùng Đông Nam bộ cùng các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp…
* Đồng Nai phải là “thủ phủ” công nghiệp công nghệ cao
Tại buổi hội thảo, khi đánh giá về các trụ cột phát triển của Đồng Nai trong giai đoạn tới, GS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường đại học Mở TP.HCM cho rằng, lâu nay, khi nói đến Đồng Nai là nói đến “thủ phủ” phát triển công nghiệp. Do đó, việc định hướng phát triển công nghiệp trở thành một trong bốn trụ cột của nền kinh tế là đúng đắn. Tuy nhiên, để rõ hướng phát triển, ông Hà cho rằng, tỉnh cần phải định hướng cụ thể, Đồng Nai phải là “thủ phủ” công nghiệp công nghệ cao. “Đồng Nai là trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm logistics quốc tế với lợi thế từ hạ tầng giao thông. Cần định hướng rõ như vậy”- GS.TS Nguyễn Minh Hà nêu quan điểm.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, đồ án quy hoạch tỉnh cần phải tiếp thu nhiều hơn, so sánh, tính toán kết quả các lợi thế, ưu điểm mà Đồng Nai đang có, những nhược điểm mà Đồng Nai phải khắc phục. Cộng với tư duy chiến lược dài hạn để phát huy tất cả các lợi thế của Đồng Nai trong giai đoạn tới. |
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và thành viên Tổ tư vấn Chính phủ cho rằng, lâu nay Đồng Nai dù phát triển mạnh về công nghiệp, tuy nhiên quá trình công nghiệp hoá lại chưa đi đôi với hiện đại hóa. Cấu trúc công nghiệp của tỉnh còn thấp. “Đồng Nai có khu công nghiệp (KCN) đầu tiên của Việt Nam nhưng Bình Dương lại có KCN đời mới đầu tiên của Việt Nam”- PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết.
Từ đó, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, trong phát triển công nghiệp thời gian tới, Đồng Nai nên có cách tiếp cận mới, ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, tỉnh cũng cần tạo dư địa phát triển các lĩnh vực khác. “Ưu tiên của Đồng Nai trong giai đoạn tới là đô thị sân bay, dịch vụ logistics. Đồng Nai phải là trung tâm hội nhập quốc tế”- PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo |
* Cần những quyết định mang tính đột phá
Theo KTS.Ngô Viết Nam Sơn, Đồng Nai có tiềm năng rất lớn để phát triển và tỉnh đang đứng trước một “khúc cua” mà những quyết định trong quy hoạch sắp tới sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của Đồng Nai trong hàng trăm năm tới.
Do đó, trong quy hoạch tỉnh cần những quyết định mang tính đột phá. “Đột phá phải là những ý tưởng chưa hề có từ trước đến nay cho Đồng Nai nhưng nó mang tính thuyết phục về khoa học và có tính đến những cơ hội mới để phát triển. Những đột phá này không chỉ nhìn trong ranh giới của Đồng Nai mà phải nhìn ở tầm nhìn vùng”- KTS.Ngô Viết Nam Sơn đánh giá.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì buổi hội thảo |
Nhìn nhận về vai trò của liên kết vùng trong phát triển, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn cho rằng, liên kết vùng giữa Đồng Nai với các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên hiện nay chủ yếu mới chỉ thể hiện ở khía cạnh giao thông là chính. Do đó, quy hoạch tỉnh lần này là cơ hội để Đồng Nai đề xuất các dự án có tiềm năng liên kết vùng.
* Bước ngoặt lịch sử
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, Đồng Nai nhận thức rất sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. “Đây là một bước ngoặt lịch sử cho sự phát triển của Đồng Nai, giúp cho Đồng Nai cất cánh không chỉ trong 10 năm tới mà là tầm nhìn xa hơn”- Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết.
KTS.Ngô Viết Nam Sơn trình bày tham luận tại hội thảo. |
Nhấn manh tầm quan trọng của quy hoạch tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, quy hoạch là chìa khóa quyết định của sự phát triển, quy hoạch là câu chuyện quan trọng của sự phát triển bền vững.
Do đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng đặt ra 5 câu hỏi cho đơn vị tư vấn để hoàn thiện quy hoạch gồm: quy hoạch đã đánh thức hết tiềm năng và lợi thế của Đồng Nai hay chưa? Quy hoạch đã “thuận thiên”, phù hợp với những lợi thế thiên nhiên “ban tặng” và thích ứng với biến đổi khí hậu hay chưa? Đột phá nào cho Đồng Nai phát triển mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới? Quy hoạch có khả thi, sát với thực tế chưa? Quy hoạch đã tiếp thu những tư duy tiến bộ, tích cực, đổi mới nhất của thế giới về quy hoạch chưa?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng nhấn mạnh, hiện nay tiến độ quy hoạch của tỉnh đã chậm nhưng phải lấy chất lượng làm trọng. “Không vì thời gian mà làm cẩu thả, làm tắc trách, không lắng nghe, làm cho có làm là không được. Phải bình tĩnh làm, đảm bảo có 1 đồ án quy hoạch chất lượng cho Đồng Nai. Quan trọng là phải xây dựng nền móng vững chắc để tỉnh phát triển, trước hết là đồ án quy hoạch phải thật tốt, thật chất lượng”- Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Đồng Nai đã đến thời điểm quyết chiến lược. Đây là một thời điểm cực kỳ đặc biệt đối với lựa chọn một tương lai phát triển cho Đồng Nai. Do đó, nếu chọn nhầm thì hậu quả là rất lớn cho phát triển không chỉ của riêng tỉnh Đồng Nai mà còn của cả đất nước. Bởi chỉ riêng một việc đặt Cảng hàng không quốc tế Long Thành trên địa bàn tỉnh thôi cũng đã là một cú hích mang tính thời đại đối với Việt Nam. “Chỉ riêng khía cạnh này thôi là cách tiếp cận quy hoạch nó phải rất nghiêm túc”- PGS.TS Trần Đình Thiên lưu ý. |
Phạm Tùng