Là giống sâm quý của Việt Nam nên từ thời xưa người dân đã tôn vinh sâm bố chính và dùng để tiến cho vua chúa, quan lại triều Nguyễn. Ngày nay, đây là cây dược liệu quý được trồng ở nhiều nơi vì mang lại giá trị kinh tế cao.
Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại - sản xuất Đông Nam Dược Kim Nguyên Huỳnh Thị Phước Minh giới thiệu cây sâm bố chính trồng thí điểm tại xã Phú An, H.Tân Phú. Ảnh: B.Nguyên |
Lần đầu tiên, Công ty CP Thương mại - sản xuất Đông Nam Dược Kim Nguyên (TP.HCM) đã trồng thử nghiệm thành công sâm bố chính theo hướng hữu cơ tại xã Phú An (H.Tân Phú). Doanh nghiệp (DN) đã nghiên cứu ra nhiều sản phẩm chế biến từ sâm bố chính và đang triển khai kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu quy mô cả trăm ha trồng sâm bố chính tại H.Tân Phú và các địa phương lân cận.
* Trồng sâm bố chính hữu cơ
Sâm bố chính có những hoạt chất quý giá trong việc bồi bổ và chăm sóc sức khỏe. Một số nghiên cứu cho thấy, sâm bố chính còn có những hoạt chất vượt trội, có khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư ở người…
Ngày 1-6-2023, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Quyết định số 611/QĐ-TTg, quyết định phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Chương trình nêu rõ quan điểm triển khai đồng bộ từ vùng nguyên liệu đến chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng vùng, từng địa phương. Mục tiêu phát triển sâm Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, đưa sâm Việt Nam thành sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược, chăm sóc sức khỏe, đa dạng hóa sản phẩm, từng bước đưa sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường…
Tính đến thời điểm hiện tại, trong số các giống sâm quý tại Việt Nam, sâm bố chính cũng nằm trong chương trình phát triển trên.
Tích cực tham gia chương trình phát triển cây sâm của Thủ tướng Chính phủ, Công ty CP Thương mại - sản xuất Đông Nam Dược Kim Nguyên đã đầu tư trồng cây sâm bố chính tại một số địa phương. Từ đầu năm 2023, DN đã đầu tư trồng 5ha sâm bố chính theo hướng hữu cơ tại xã Phú An.
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT TRẦN LÂM SINH, qua tham quan mô hình trồng thí điểm sâm bố chính tại xã Phú An, nhìn chung đặc tính sinh học cây sâm này phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tự nhiên để có thể triển khai trồng trên địa bàn các huyện: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu theo mô hình nông - lâm kết hợp dưới tán rừng để tăng giá trị sản xuất. DN nên tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị chủ rừng để khảo sát, đánh giá điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng nhằm lựa chọn vị trí phù hợp để nhân rộng mô hình trên.
Anh Nguyễn Phong Phú Thịnh, cán bộ phụ trách kỹ thuật trồng sâm bố chính của Công ty CP Thương mại - sản xuất Đông Nam Dược Kim Nguyên cho biết, toàn bộ diện tích 5ha sâm bố chính trồng thử nghiệm tại xã Phú An áp dụng phương pháp gieo trồng trên luống (lên luống cao 30-40cm, mặt luống rộng 120cm, rãnh rộng 30cm, kết hợp dùng màng phủ nông nghiệp) để đảm bảo mật độ gieo trồng và khả năng thoát nước tốt khi trời mưa. Kết quả trồng thử nghiệm cây tăng trưởng tốt và đạt hiệu quả về năng suất, cho chất lượng cao. Cây bắt đầu ra hoa tập trung từ tháng thứ 4 sau khi gieo trồng và suốt quá trình này người trồng sẽ thu hoạch hoa. Cây trồng khoảng 12 tháng là có thể thu hoạch được củ.
* Hình thành vùng nguyên liệu theo chuỗi liên kết
Nói về kế hoạch phát triển cây sâm bố chính trên đất Tân Phú và các địa bàn khác của Đồng Nai, Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại - sản xuất Đông Nam Dược Kim Nguyên Huỳnh Thị Phước Minh cho hay, 5ha sâm bố chính trồng tại xã Phú An đều được trồng theo hướng hữu cơ và các tiêu chuẩn của mô hình nông nghiệp xanh, ứng dụng đồng bộ công nghệ cao trong toàn bộ quá trình sản xuất. Nhờ đó, DN sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải và tác động của hóa chất độc hại nhằm tiết kiệm tối đa chi phí đầu vào, đảm bảo chất lượng tuyệt đối của sản phẩm đầu ra, qua đó nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Mô hình trồng sâm của Kim Nguyên còn hướng đến giảm ô nhiễm môi trường nông thôn bằng cách phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phế thải, phụ phẩm từ quá trình trồng.
Công nhân thu hoạch hoa sâm bố chính tại cánh đồng trồng sâm bố chính ở xã Phú An, H.Tân Phú |
Cũng theo bà Huỳnh Thị Phước Minh, DN đã có kinh nghiệm trên 10 năm hoạt động trong lĩnh vực đông nam dược, được thành lập và phát triển bởi những chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Sâm bố chính có giá trị dược liệu phục vụ cho ngành công nghiệp dược, công nghiệp thực phẩm và chăm sóc sức khỏe. Thời gian qua, DN đã tiến hành nghiên cứu, nhân giống, trồng thí nghiệm giống cây sâm bố chính cũng như nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chứa sâm bố chính như: sâm cắt lát sấy khô, sâm ngâm mật ong, sâm ngâm rượu, bột sâm, trà hoa sâm, nước sâm, cao sâm… Ngoài ra, củ sâm bố chính tươi, người tiêu dùng có thể hầm với các nguyên liệu khác, tạo thành các món ăn bổ dưỡng như: gà hầm sâm, bồ câu hầm sâm…
Bà Huỳnh Thị Phước Minh chia sẻ thêm, có thể sử dụng được tất cả các bộ phận của cây sâm bố chính. Mỗi bộ phận sẽ có một tác dụng riêng. Vì vậy, sâm bố chính đem lại giá trị kinh tế cao cho chính người trồng, Quá trình nghiên cứu, đánh giá và trồng thí nghiệm đã cho thấy các điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, lao động tại các huyện: Tân Phú, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Định Quán rất phù hợp cho cây sâm bố chính phát triển tốt.
“DN có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu sâm bố chính với quy mô từ 150-200ha tại các địa phương trên. DN rất mong hợp tác với nông dân để nhân rộng diện tích trồng sâm bố chính. DN sẽ đồng hành cùng nông dân từ cung cấp hạt giống, hỗ trợ kỹ thuật canh tác đến bao tiêu sản phẩm” - bà Huỳnh Thị Phước Minh khẳng định.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin