Báo Đồng Nai điện tử
En

Ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Minh Anh - Văn Gia
08:21, 02/08/2024

Trong những năm qua, thành phố Long Khánh đã nỗ lực quan tâm đầu tư để nâng cao cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều công trình hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa cộng đồng đã được triển khai xây dựng.

Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Liên Khanh - công ty đang tạo việc làm cho nhiều lao động đồng bào Chơro. Ảnh: V.Gia
Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Liên Khanh - công ty đang tạo việc làm cho nhiều lao động đồng bào Chơro. Ảnh: V.Gia

Bên cạnh đó, địa phương cũng quan tâm các chính sách hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế; trợ giúp hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn qua các chương trình an sinh xã hội...

Đầu tư cơ sở vật chất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo UBND thành phố Long Khánh, từ năm 2019 đến nay, thành phố đã thực hiện đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và sửa chữa 135km đường giao thông nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí đầu tư trên 125 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã xây dựng, sửa chữa, nạo vét 14 công trình thủy lợi; đầu tư xây dựng trên 20km lưới điện phục vụ nhu cầu của người dân. Ngoài ra, đã đầu tư hệ thống điện chiếu sáng rải đều tại khu vực trung tâm hành chính các xã, các tuyến đường ở nông thôn và các ngõ hẻm trong xóm ấp.

Đến nay, ở địa phương đã có 100% xã có đường nhựa, đường bê tông đến các ấp và các ngõ hẻm liên xóm ấp. Hệ thống thủy lợi đảm bảo nước tưới cho diện tích lúa đông xuân, hè thu, cây hoa màu và cây công nghiệp. 100% trường, lớp học được xây dựng kiên cố. 99,9% số hộ cư trú tại phường, xã có điện sử dụng; 84% số hộ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn; đã xóa nhà tạm cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

Cùng với đầu tư cho cơ sở hạ tầng để phát triển bộ mặt kinh tế thì việc chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào cũng được chú trọng. Các loại hình văn hóa như: lễ hội, nhạc cụ dân gian của các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số đã duy trì và tổ chức được 12 lễ hội (của dân tộc Chơro, Hoa, Khmer…).

Đơn cử như tháng 4-2024, thành phố đã tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng Nhà văn hóa dân tộc Chơro tại phường Bảo Vinh. Công trình có tổng diện tích xây dựng gần 2,6 hécta, trong đó nhà văn hóa quy mô một tầng với gần 600m2, được bố trí các khu chức năng gồm: phòng truyền thống, phòng làm việc, phòng hội họp, nhà kho... với tổng kinh phí đầu tư gần 73 tỷ đồng. Ngoài ra, công viên cây xanh, đường và điện chiếu sáng cũng được đầu tư đồng bộ.

Ông Mai Văn Lượng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro ở phường Bảo Vinh, cho hay đời sống của bà con đã khá hơn nhiều so với trước đây. Điều này có được là do thành phố cũng như phường quan tâm hỗ trợ cho đồng bào, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân trong khu vực.

Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất được quan tâm, động viên vào mỗi dịp Tết. Từ năm 2019 đến nay, có 140 lượt học sinh, sinh viên đã nhận được kinh phí hỗ trợ Tết với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng.

Hỗ trợ phát triển kinh tế và an sinh xã hội

Trưởng phòng Dân tộc thành phố Long Khánh Đặng Thanh Hiếu cho biết, trên địa bàn có 12 thành phần dân tộc thiểu số với hơn 3,3 ngàn hộ và gần 16,2 ngàn nhân khẩu, chiếm 9,44% dân số toàn thành phố. Long Khánh luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào bằng những chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Một trong những chương trình để người dân tộc thiểu số nắm bắt cơ hội vươn lên là triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi. 5 năm qua, đã xét cho 884 hộ đồng bào vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách với tổng số tiền gần 28,9 tỷ đồng để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, đầu tư cho việc học hành của con em...

Thành phố đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ chương trình an sinh xã hội trên 28,7 tỷ đồng. Đồng thời, xây mới và sửa chữa 131 căn nhà tình thương, hỗ trợ vốn sản xuất cho hơn 7 ngàn hộ nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn.

Từ các chính sách đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ của cộng đồng, đồng bào đã nỗ lực vươn lên để thoát nghèo, nâng cao chất lượng đời sống. Như anh Điểu Lê, người dân tộc Chơro tại xã Bảo Quang, đã phát triển mô hình Trồng dưa lưới trong nhà màng đem lại hiệu quả cao. Anh đã nỗ lực học tập kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Với 2 nhà màng có diện tích hơn 2 ngàn m2, mỗi năm, anh xoay vòng nhiều vụ thu hoạch, giúp gia đình có cuộc sống ổn định, góp phần xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Cùng với Nhà nước và sự vươn lên của người dân, một số doanh nghiệp trên địa bàn cũng quan tâm tạo việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Công ty TNHH MTV Liên Khanh là DN chuyên sản xuất chế biến phôi gỗ đứng chân ở xã Bàu Trâm.

Ông Nguyễn Công Thụy, Giám đốc công ty, chia sẻ công ty đang giải quyết việc làm cho hàng chục lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người có nhu cầu việc làm. Do vậy, Nhà nước, chính quyền địa phương cần tạo thêm điều kiện để Công ty TNHH MTV Liên Khanh cũng như các DN trên địa bàn ngày càng phát triển, thu hút thêm đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.

   Minh Anh - Văn Gia

Tin xem nhiều