Báo Đồng Nai điện tử
En

Vùng trồng hoa Tết vào mùa

Văn Gia
08:00, 15/11/2024

Những ngày này, đến vùng trồng hoa tại xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) dễ dàng nhìn thấy những vườn hoa đang được người trồng hoa tất bật chăm sóc để mong có vụ hoa Tết 2025 khấm khá hơn.

Nông dân ấp Phúc Nhạc, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất chăm sóc vườn hoa, rau để kịp phục vụ dịp Tết. Ảnh: V.Gia
Nông dân ấp Phúc Nhạc, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất chăm sóc vườn hoa, rau để kịp phục vụ dịp Tết. Ảnh: V.Gia

Theo bà con trồng hoa, năm nay diễn biến thời tiết không thuận lợi nên việc chăm sóc hoa khó khăn hơn. Dù kỳ vọng vào thị trường song dư âm của vụ hoa Tết 2024 bấp bênh khiến nhiều người lo ngại cho vụ hoa Tết sắp tới.

Lo thị trường bấp bênh

Tại vườn hoa ở ấp Gia Yên, chị Nguyễn Thị Kim Thoa đang tưới nước cho khoảng 5 ngàn chậu cúc pha lê. Theo chị Thoa, từ khoảng tháng 9, người dân vùng trồng hoa bắt đầu chuẩn bị các công đoạn để xuống giống. Đến thời điểm hiện tại, hoa phát triển khá ổn định, nhưng so với mọi năm thì khí hậu và thời tiết năm nay có nhiều biến động nên việc chăm sóc hoa cũng vất vả hơn.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trồng hoa, ông Đoàn Kim Thành (ngụ ấp Phúc Nhạc) cho hay, sau khi thu hoạch xong vụ rau, ông đã mua chậu, giống hoa từ Đà Lạt về gieo trồng để phục vụ nhu cầu chơi hoa Tết của người dân. Muốn có hoa nở đẹp thì ngoài giống và cách chăm sóc, việc lựa chọn chất đất để trồng cũng rất quan trọng. Đất trồng hoa phải sạch, được trộn ủ kỹ từ đầu năm với các loại thuốc phòng trừ nấm và phân chuồng để tạo dinh dưỡng, sau đó mới đem trồng. Năm ngoái, tình hình kinh doanh hoa không thuận lợi, ông lo lắng thị trường năm nay bấp bênh nên chỉ trồng khoảng 1,5 ngàn chậu.

Thời tiết không thuận lợi nên việc mua các loại giống hoa và thuốc, phân bón để chăm sóc hoa từ Đà Lạt cũng khó khăn hơn trước.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Tân 3 Đinh Công Thoàn cho hay, hoa Tết được tập trung trồng tại các ấp Gia Yên và Phúc Nhạc. Qua khảo sát trên địa bàn cho thấy, diện tích trồng hoa năm nay có giảm so với năm ngoái. Một số hộ mới bắt đầu trồng hoa của năm trước do khó khăn của thị trường nên năm nay không tiếp tục trồng, điều đó cũng làm cho diện tích trồng hoa của xã giảm.

Theo các nhà vườn trồng hoa, năm nay thời tiết thay đổi, mưa nắng thất thường hơn nên nguy cơ hoa bị sâu bệnh cao hơn. Để đảm bảo cho vườn hoa của gia đình phát triển tốt, người nông dân phải thường xuyên kiểm tra, phun thuốc đáp ứng thời gian của cây.

Cần hỗ trợ và đa dạng hóa dịch vụ để phát triển

Mặc dù là địa phương có diện tích trồng hoa Tết lớn và truyền thống lâu năm nhưng bà con nông dân trên địa bàn huyện Thống Nhất chỉ sản xuất vào dịp Tết, thời gian còn lại tập trung trồng rau, hoa màu. Theo tính toán của người dân, mỗi hécta hoa Tết nếu bán được giá tốt sẽ cho thu nhập cao. Tuy nhiên, khi thị trường bấp bênh và chi phí tăng cao thì lợi nhuận của người trồng hoa chẳng còn là bao.

Ông Trần Đình Phước (ngụ ấp Phúc Nhạc) chia sẻ, ông theo nghề trồng hoa từ thời còn trồng trong chậu tre. Người dân trong vùng hàng năm chia làm 2 việc là trồng rau ăn lá và trồng hoa Tết. Do phần lớn diện tích trồng rau, hoa là đất vườn nhà nên quy mô từng hộ dân trồng hoa không quá lớn. Nghề trồng hoa mang lại thu nhập cho người dân, tạo việc làm cho lao động địa phương, đó là điều nhà vườn cảm thấy hạnh phúc. Nhưng đã làm nhiều năm, kinh tế cũng không mấy dư dả vì nghề này tuy có thu nhập, song không cao. Theo ông Phước, giá thành mỗi cặp hoa cúc lớn khi đến tay khách hàng có lúc gần 2 triệu đồng nhưng giá xuất ra ở nhà vườn cho thương lái chỉ khoảng một nửa. Trong khi đó, nhà vườn trồng hoa phải chịu nhiều chi phí từ đất, phân bón, giống, nhân công chăm sóc... nên phần còn lại không đáng là bao, thậm chí có khi còn lỗ. Nhưng là nghề lâu đời nên người dân trong vùng vẫn gìn giữ và tìm cách phát triển.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Tân 3 Đinh Công Thoàn cho biết thêm, để hỗ trợ nhà vườn trồng hoa, xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp của huyện về phòng trừ sâu bệnh để bà con nông dân yên tâm hơn. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã cũng phối hợp với ngân hàng để hỗ trợ nông dân vay vốn đầu tư, tránh việc phải đi vay vốn bên ngoài lãi suất cao nên sau thu hoạch lợi nhuận không còn nhiều.

Là vùng trồng hoa lớn của Đồng Nai song thực tế, làng hoa Phúc Nhạc chưa “có mặt đặt tên” trên bản đồ các làng hoa. Một phần là bởi nơi đây không chuyên canh trồng hoa như các vùng ở Đà Lạt hay miền Tây Nam Bộ. Tuy vậy, người nông dân cũng mong muốn Nhà nước có giải pháp hỗ trợ nhằm xây dựng thương hiệu làng hoa.

Theo ông Trần Đình Phước, dù vườn hoa nằm ngay cạnh quốc lộ 20 nhưng trên đường vẫn chưa có bảng chỉ dẫn vào làng hoa.  Ông cũng mong muốn tỉnh, huyện quan tâm tạo ra các chương trình du lịch sinh thái, du lịch thực tế có điểm dừng chân tại vùng trồng hoa nơi đây để có thể mở thêm hướng phát triển kinh tế thay vì chỉ đơn thuần trồng rau, hoa và phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường.

Văn Gia

Tin xem nhiều