Đó là ấp Phú Thạch, xã Phú Trung. Cả ấp có 290 hộ dân, phần lớn sinh sống nhờ vào ruộng và rẫy, kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng từ năm 2004 đến nay luôn được công nhận là ấp văn hóa...
Đó là ấp Phú Thạch, xã Phú Trung. Cả ấp có 290 hộ dân, phần lớn sinh sống nhờ vào ruộng và rẫy, kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng từ năm 2004 đến nay luôn được công nhận là ấp văn hóa...
Hiện nay, toàn ấp có trên 95% số hộ đạt các tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”, trong đó có nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu.
Đường giao thông ấp Phú Thạch.
Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân nhờ biết chuyển đổi cây trồng từ 2 vụ lúa bấp bênh, sang 1 vụ lúa, 1 vụ bắp và trồng rau sạch..., đời sống kinh tế trở nên khấm khá hơn trước. Đặc biệt trong 2 năm qua, khi giá cà phê, điều, tiêu và các loại nông sản khác luôn ở mức cao, nên thu nhập của người dân trong ấp tăng đáng kể, số hộ nghèo trong ấp giảm dần. Phong trào làm đường giao thông nông thôn được nhân dân hưởng ứng tích cực. Trong đó, riêng nhân dân trong ấp đã đóng góp được khoảng 1,5 tỷ đồng, cùng với sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước, xây dựng được gần 3,5km đường bê tông xi măng. Hiện nay, toàn ấp có khoảng 97% số hộ có điện sử dụng, phục vụ sản xuất và sinh hoạt; 100% số hộ có nước hợp vệ sinh sử dụng.
Tuy nhiên, ấp Phú Thạch hiện vẫn còn một số hộ nằm trong diện nghèo, một số đoạn đường đất liên ấp chưa được cải tạo, nâng cấp và việc sản xuất nông nghiệp của một bộ phận nông dân trong ấp chủ yếu vẫn còn phụ thuộc vào nguồn nước trời. Ông Lê Ngọc Ánh, Trưởng ấp Phú Thạch cho biết, để khắc phục những hạn chế nói trên, ngoài việc phát động phong trào nhân dân đóng góp, Phú Thạch đang rất cần sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nhất là việc xây dựng hệ thống thủy lợi kiên cố, để đưa nguồn nước từ hồ Đa Tôn về phục vụ sản xuất. Có làm được như vậy, cuộc sống của đại bộ phận nông dân sống bằng nghề nông mới khá lên được.
Thùy Trang