Người mà chúng tôi nói đến là bà Phạm Thị Thạnh, nữ Cựu chiến binh (CCB) ngụ tại ấp Trung Tín, xã Xuân Trường. Tuy đã bước sang tuổi 60, đau ốm thường xuyên, nhưng ngày nào bà cũng phải ra sức lao động để nuôi hai người con bị bệnh tật...
Người mà chúng tôi nói đến là bà Phạm Thị Thạnh, nữ Cựu chiến binh (CCB) ngụ tại ấp Trung Tín, xã Xuân Trường. Tuy đã bước sang tuổi 60, đau ốm thường xuyên, nhưng ngày nào bà cũng phải ra sức lao động để nuôi hai người con bị bệnh tật...
Bà Thanh chăm sóc vườn mì.
Tham gia kháng chiến từ năm 1965 và sau nhiều năm hoạt động cách mạng, bà đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng III. Sau ngày đất nước được thống nhất, bà lập gia đình và sinh con như bao phụ nữ bình thường khác. Tuy nhiên, khi đứa con đầu lòng chào đời, cũng là lúc bà phát hiện mình bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin do kẻ thù rải xuống chiến trường Việt Nam và chính nó đã hủy hoại, cướp đi mạng sống bé nhỏ của con bà. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 1976, vợ chồng bà vào Nam lập nghiệp. Đến năm 1986, bà sinh đứa con thứ hai tên Nguyễn Thị Hồng Nụ, rồi năm 1988 sinh thêm Nguyễn Văn Cường, nhưng đến nay cả hai đều bị bệnh vì ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin. Trong khi Nụ phải ngồi xe lăn trong suốt 24 năm qua vì chân co quắp, thì Cường dù 22 tuổi nhưng mắt bị mù và tay cũng không thể làm được việc nặng. Năm 2000, vì quá đau buồn nên chồng bà lâm bệnh nặng qua đời. Những năm tháng sau đó, một mình bà đã phải tiếp tục sống bươn chải, làm đủ mọi công việc để kiếm tiền nuôi cả gia đình và chữa bệnh cho các con.
Thấu hiểu hoàn cảnh của bà, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã phối hợp Công ty cổ phần dinh dưỡng nông sản quốc tế An Cô hỗ trợ cho bà 4 con heo trọng lượng mỗi con 20kg và toàn bộ thực phẩm trong quá trình chăn nuôi. Với đức tính cần cù, chịu khó chăm sóc đàn heo, sau 3 tháng bà xuất chuồng 3 con được 8 triệu đồng. Còn lại một con bà tiếp tục nuôi nái, gầy dựng đàn heo được 10 con, sau đó bán được thêm gần 40 triệu đồng. Hiện nay, bà Thạnh tiếp tục duy trì được bầy heo 7 con. Nhờ có thu nhập từ việc bán heo, bà có tiền mua thuốc chữa bệnh cho cả 3 người trong gia đình.
Với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, bà Thạnh đã vượt qua khó khăn, quyết không đầu hàng số phận. Những nỗ lực của bà thật đáng được trân trọng.
LÊ TÙNG