Báo Đồng Nai điện tử
En

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Định Quán: Những chuyển biến bước đầu

07:11, 21/11/2011

Hai năm gần đây, Định Quán là một trong những huyện được tỉnh chọn làm điểm thực hiện đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), nhằm giúp người lao động có cơ hội tìm kiếm được việc làm ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ổn định thu nhập và thoát nghèo bền vững...

Hai năm gần đây, Định Quán là một trong những huyện được tỉnh chọn làm điểm thực hiện đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), nhằm giúp người lao động có cơ hội tìm kiếm được việc làm ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ổn định thu nhập và thoát nghèo bền vững...

* Tập trung triển khai thực hiện đề án

Để thực hiện có hiệu quả đề án trên, ngay từ khi được Huyện ủy, UBND huyện giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện, Trung tâm dạy nghề huyện đã phối hợp với Phòng Lao động - thương binh và xã hội (LĐTB-XH) huyện, Đảng ủy, UBND, đoàn thể chính trị - xã hội các xã, thị trấn đến từng khu dân cư tuyên truyền về chế độ, chính sách để người dân nhận thức rõ hơn về lợi ích của việc học nghề, giúp họ chọn học cho được một nghề phù hợp. Qua đó, Trung tâm dạy nghề huyện và các địa phương cũng đã khảo sát được số lượng lao động cần được đào tạo nghề và tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho họ. Đối với số lao động trẻ thì hướng nghiệp cho họ học những nghề nhằm phục vụ chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, giúp họ có thể vào làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài địa bàn huyện, như: kỹ thuật hàn, xây dựng, sửa chữa ô tô, xe gắn máy, gò thúc đồng… Đối với những lao động lớn tuổi thì hướng nghiệp cho họ học những nghề phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như: chăn nuôi, trồng trọt, đan lát…, phù hợp với trình độ và sức khỏe, góp phần nâng cao năng suất và tăng thu nhập cho gia đình.

Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán ngày càng được trang bị những thiết bị dạy học tiên tiến.
Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán ngày càng được trang bị những thiết bị dạy học tiên tiến.

Riêng Trung tâm dạy nghề huyện cũng đã được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu dạy và học. Hiện trung tâm có 11 phòng học đạt chuẩn, cùng với hơn 1.090 m2 nhà xưởng thực hành. Năm 2010-2011, trung tâm đã được tỉnh cấp 3 tỷ đồng để trang bị mới và bổ sung 1 xưởng sửa chữa ô tô, nhà sơn, cầu nâng; 1 phòng thực hành điện; 1 xưởng hàn 3G- 6G, 1 trại thực nghiệm sản xuất nấm, phòng thí nghiệm sản xuất meo nấm. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã được Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tài trợ cho 1 xưởng tiện phay bào, có cả máy tiện công nghệ cao trị giá 1,9 tỷ đồng.

Đội ngũ giáo viên trực tiếp làm công tác giảng dạy tại trung tâm cũng được tổ chức bồi dưỡng về cách thức xây dựng chương trình, biên soạn giáo án thích hợp; được tham dự các buổi hội thảo rút kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả dạy nghề; tham quan học tập kinh nghiệm thực tế ở doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các mô hình sản xuất có hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Trên cơ sở đó, các giáo viên xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình mới, hoặc điều chỉnh và bổ sung giáo trình đang giảng dạy cho phù hợp với học viên theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, đồng thời tôn trọng và phát huy các sáng kiến, kinh nghiệm của họ... 

 * Những kết quả bước đầu

Trong gần 2 năm thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT, huyện Định Quán được phân bổ 5,25 tỷ đồng, trong đó có 3,25 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của tỉnh và 2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Tổng cục Dạy nghề. Qua đó, toàn huyện đã triển khai tổ chức được 71 lớp dạy nghề cho 2.260 lao động tại các địa phương với các ngành nghề: chăn nuôi gà thả vườn, nuôi heo, trồng trọt, kỹ thuật hàn, xây dựng, sửa chữa xe gắn máy, gò thúc đồng, may công nghiệp và dân dụng, đan lát, sửa chữa ô tô, sửa chữa máy vi tính... và kết quả đến nay đã có 1.616 học viên tốt nghiệp. Đặc biệt, theo số liệu tổng hợp từ các phiếu khảo sát sơ bộ của trung tâm, hiện đã có 1.152 học viên ổn định được việc làm (chiếm 71,3 % số học viên tốt nghiệp), đạt mục tiêu so với đề án đề ra. Trong đó, các nghề: may, đan lát, trồng trọt, chăn nuôi gà, hàn công nghệ cao và gò thúc đồng có tỷ lệ ổn định việc làm khá cao. Một số lao động được đào tạo các nghề: chăn nuôi, trồng trọt, đan lát, may... dù không đi làm ở các công ty, xí nghiệp, nhưng vẫn có thể tham gia sản xuất ngay tại gia đình với mức thu nhập từ 1-2 triệu đồng/tháng trở lên.

Đối với người học, căn cứ vào quy định của đề án 1956 và hướng dẫn của thông tư số 60 của liên Sở LĐTB-XH và Sở Tài chính về việc hướng dẫn thanh quyết toán kinh phí đào tạo nghề cho LĐNT, Trung tâm đã phân loại các học viên để có chế độ hỗ trợ phù hợp. Theo đó, số bà con đồng bào dân tộc ít người và các hộ nghèo thuộc đối tượng 1 được hưởng 15 ngàn đồng/người/ngày dựa trên số ngày thực học.

Ông Ngô Phan Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện cho biết: “Việc huyện Định Quán được chọn làm điểm thực hiện đề án 1956 là một điều hết sức thuận lợi, giúp địa phương chuyển dịch được cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đặc biệt là góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao tỷ lệ lao động có tay nghề ở nông thôn. Tuy nhiên, vì là huyện điểm, nên trong quá trình thực hiện, Trung tâm cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất là sự chưa vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị - xã hội; việc giải quyết việc làm, trung tâm vẫn còn đơn lập. Thứ hai là trình độ và đặc điểm tâm lý của người lao động nông thôn còn những hạn chế, đòi hỏi phải có những nội dung, phương pháp, cách thức thực hiện đề án phù hợp. Thứ ba là chưa giữ được đội ngũ giáo viên dạy nghề, vì hiện nay chưa có cơ chế, biên chế cho giáo viên dạy nghề ở Trung tâm dạy nghề. Thứ tư là hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán của các lớp dạy nghề nông thôn hết sức nhiêu khê và phức tạp, làm cho các Trung tâm ngán ngại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.”

Ông Trần Quang Tú, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết, để thực hiện tốt hợn đề án đào tạo nghề cho LĐNT, UBND huyện cũng đã có những định hướng chỉ đạo cụ thể về vấn đề này. “Thứ nhất, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến các xã, thị trấn để người dân nhận thức được việc học nghề mang lại cho họ cuộc sống ổn định và phát triển sản xuất. Thứ hai là huyện sẽ đề nghị tỉnh bổ sung thêm một số trang thiết bị, đồng thời đang làm đề án nâng cấp Trung tâm dạy nghề thành trường Trung cấp nghề của huyện. Thứ ba là trong quá trình đào tạo cần phải có một số mô hình áp dụng, nhất là đối với một số nghề như: chăn nuôi, trồng trọt..., để học viên áp dụng ngay vào thực tiễn mới đảm bảo chất lượng dạy và học” - Phó chủ tịch UBND huyện nói.

Hải Hậu

 


 

 

 

Tin xem nhiều
Cách tìm tìm việc chất lượng tại VietnamWorks