Theo kế hoạch, vụ sản xuất đông-xuân năm 2011-2012, huyện Long Thành dự kiến sẽ xuống giống khoảng trên 2.000 hécta cây lương thực, thực phẩm, trong đó có 1.682 hécta lúa. Hiện nay, toàn huyện đang tập trung chuẩn bị các biện pháp để phấn đấu thực hiện thắng lợi vụ sản xuất đông-xuân với tổng sản lượng lúa dự tính sẽ đạt trên 9.000 tấn...
Theo kế hoạch, vụ sản xuất đông-xuân năm 2011-2012, huyện Long Thành dự kiến sẽ xuống giống khoảng trên 2.000 hécta cây lương thực, thực phẩm, trong đó có 1.682 hécta lúa. Hiện nay, toàn huyện đang tập trung chuẩn bị các biện pháp để phấn đấu thực hiện thắng lợi vụ sản xuất đông-xuân với tổng sản lượng lúa dự tính sẽ đạt trên 9.000 tấn...
Được biết, toàn huyện Long Thành hiện có 9 xã gieo trồng lúa vụ đông-xuân, trong đó riêng xã Tam An chiếm tới 780 hécta, kế đến là xã An Phước và Long phước (mỗi xã 250 hécta), Long An (160 hécta), các xã khác mỗi xã vài chục hécta... Ngoài ra, một số xã trong huyện còn trồng bắp, mì, lang và rau đậu các loại.
* Chủ động nguồn nước tưới...
Vụ đông - xuân 2010-2011, huyện Long Thành thực hiện gieo trồng được 1.702 hécta cây lúa, đạt 103,6% kế hoạch, nhưng năng suất bình quân chỉ đạt 51,8 tạ/hécta. Nguyên nhân làm cho năng suất lúa đạt thấp là do một số nông dân ở các xã có công trình thủy lợi không thực hiện gieo trồng theo khung thời vụ hướng dẫn, mà gieo sạ quá muộn, đến khi lúa đang ngậm sữa, vào chắc, thì gặp những cơn mưa đầu mùa làm cho đổ ngã. Bên cạnh đó, có nơi như xã Long phước do chưa làm tốt khâu thủy lợi, việc cung cấp nước đầu vụ không kịp thời, nên năng suất lúa cũng bị ảnh hưởng. Riêng một số diện tích lúa ở các xã dọc sông Đồng Nai khi lúa trổ thì gặp nước mặn xâm nhập, gây lép lững, thiệt hại hơn 100 hécta.
Giống lúa OM 6976 là một trong các giống có ưu thế được nông dân Long Thành chọn gieo trồng vụ đông-xuân 2011-2012. Ảnh: V.Quỳnh
Rút kinh nghiệm trong lần sản xuất trước, vụ đông-xuân năm nay, huyện Long Thành đã chỉ đạo các xã, thị trấn chuẩn bị tốt các công trình thủy lợi phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, sẽ hoàn thành xây dựng hệ thống cấp nước tập trung ở xã Bình An với công suất từ 960-1.150m3 và triển khai dự án đập dâng nước Bàu Tre trên địa bàn của xã. Bên cạnh đó, tại các công trình thủy lợi, huyện tổ chức nạo vét 494m3 đất, tu bổ kênh mương 36m2 và dọn vệ sinh các kênh mương được 10.320m2. Hiện nay, trạm khai thác công trình thủy lợi đã chuẩn bị đủ nước tưới cho các xã hợp đồng tưới, như xã Long phước, Long an. Huyện cũng chỉ đạo các xã dọc ven sông Đồng Nai, như: Tam An, An Phước, cùng một số vùng của thị trấn Long Thành đắp bờ bao ngăn mặn và khẩn trương làm đất, chuẩn bị xuống giống vụ đông-xuân sớm hơn với khoảng thời gian từ 20-10 âm lịch để tránh nước thủy triều lên, gây ảnh hưởng đến cây lúa vào cuối vụ. Riêng các xã sản xuất nông nghiệp nhờ nguồn nước thủy lợi, như: Long An, Long Phước, Bình An... hiện đang tập trung thu hoạch lúa vụ mùa và phải tới đầu tháng 11 âm lịch mới gieo trồng lúa vụ đông-xuân.
* Bảo vệ tốt cây trồng
Mô hình Công nghệ sinh thái Trạm BVTV Long Thành - Nhơn Trạch vừa tổ chức cho 12 cộng tác viên và cán bộ kỹ thuật của trạm tham quan mô hình Công nghệ sinh thái trên ruộng lúa ở huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) và tham dự hội thảo về mô hình này tại Trung tâm BVTV phía Nam. Đây là mô hình nhằm thiết kế lại hệ thống ruộng lúa theo hướng đa dạng hóa về động-thực vật, làm cho các loài trong hệ sinh thái ruộng lúa được phong phú, từ đó tạo được sự cân bằng về tự nhiên, các thiên địch sẽ tấn công các loài sâu hại và giữ mật số của dịch hại ở mức thấp nhất, không gây ra sự mất mát năng suất, nông dân không cần phải xử lý bằng thuốc trừ sâu, góp phần đảm bảo sức khỏe cho nông dân và bảo vệ môi trường. Trạm BVTV Long Thành - Nhơn Trạch dự kiến sẽ đưa mô hình này áp dụng tại Long Thành trong thời gian sớm nhất. Hoàng Hùng
Về giống lúa, trước đây do bà con nông dân trên địa bàn huyện đã quen sử dụng giống OMCS21, ngon cơm, có thời gian sinh trưởng từ 85-90 ngày, nhưng do cây yếu, dễ đổ ngã nên hiện nay ít được sử dụng. Bà Võ Thị Mai, Trưởng trạm khuyến nông huyện Long Thành cho biết: “Để phòng tránh nước mặn xâm nhập, làm ảnh hưởng diện tích lúa vụ đông-xuân 2011 - 2012 ở các xã ven sông Đồng Nai và để tránh tình trạng lúa bị đổ ngã, Trạm khuyến nông đã khuyến cáo nông dân sử dụng các loại giống cứng cây, có thời gian sinh trưởng ngắn, từ 95-100 ngày, như: OM 6976, OM 2514, OM 2395, OM 4900, OM 6162… Đây là các giống lúa ít bị nhiễm rầy nâu, lại có phẩm chất gạo tốt, năng suất cao. Trạm cũng đề nghị bà con nông dân gieo sạ với mật độ vừa phải, khoảng 100kg giống/hécta và bón cân đối phân đạm + lân + kali. Sắp tới, từ ngày 11-11, trạm sẽ tổ chức một số lớp tập huấn hướng dẫn nông dân các xã có diện tích sản xuất lúa đông-xuân nhiều như: Tam An, Long Phước về kỹ thuật sản xuất lúa vụ đông - xuân, cách chọn giống, bón phân và phòng trừ sâu bệnh để đảm bảo cây lúa có đủ điều kiện phát triển, cho năng suất cao”.
Đối với các xã gieo trồng vụ đông-xuân sớm, Trạm bảo vệ thực vật (BVTV) Long Thành - Nhơn Trạch cũng lưu ý nông dân phòng tránh bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, do rầy nâu di trú theo gió mùa đông bắc sẽ mang nguồn bệnh này sang trà lúa đông-xuân sớm (khi gieo sạ không theo thời vụ né rầy). Trạm còn lưu ý nông dân thực hiện tốt khâu vệ sinh đồng ruộng, những diện tích không làm vụ mùa thì dọn vệ sinh, cày lật đất sớm để có đủ thời gian cho các chất hữu cơ phân hủy. Những diện tích gieo trồng vụ mùa tiếp tục gieo sạ lúa đông-xuân, thì sau khi thu hoạch phải cày lật đất ngay rồi ngâm nước hoặc phơi ải tối thiểu 30 ngày sau mới cày trục và xuống giống. Trước khi xuống giống, nông dân cũng phải san phẳng mặt ruộng, vét mương xung quanh để thoát phèn và để ốc bươu vàng rút xuống mương, thuận lợi cho việc phòng trừ. Ngoài ra, về trạm BVTV cũng khuyến cáo, tình hình sâu bệnh có khả năng sẽ gây hại trong vụ đông-xuân tới, đồng thời tổ chức hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ đối với các loại sâu phao, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn, rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa; diệt chuột đầu vụ và diệt bọ xít đen, bệnh đốm vằn giữa và cuối vụ...
Vân Quỳnh