Đó là trường hợp của gia đình ông Nguyễn Tấn Lầm, 53 tuổi, ngụ tại ấp Tân Triều, xã Tân Bình. Hơn 10 năm trước, vườn bưởi rộng hơn 5 ngàn m2 của ông vốn là cánh đồng ruộng gò, trũng nước, được ông cải tạo đất và trồng bưởi đường lá cam.
Đó là trường hợp của gia đình ông Nguyễn Tấn Lầm, 53 tuổi, ngụ tại ấp Tân Triều, xã Tân Bình. Hơn 10 năm trước, vườn bưởi rộng hơn 5 ngàn m2 của ông vốn là cánh đồng ruộng gò, trũng nước, được ông cải tạo đất và trồng bưởi đường lá cam. Đến nay, vườn bưởi của gia đình ông đã có trên 50 cây cho trái hơn 10 năm, còn khoảng 100 cây cho trái từ 7 đến 8 năm.
Ông Lầm trong vườn bưởi của mình.
Nhìn các cây bưởi đang cho trái trĩu cành và sẽ bán đúng vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, ông Lầm phấn khởi nói: “Do đất ruộng trũng nên tôi phải đi mua đất thịt ở ấp Ông Hường, xã Thiện Tân mang về đổ bồi lên. Sau đó, tôi trồng giống bưởi đường lá cam, mỗi cây cách khoảng 5m trở lên, ở giữa thì tôi trồng cây chuối, để lấy ngắn nuôi dài. Sau 1 năm cây chuối cho thu hoạch, tôi lấy tiền đó để mua phân bón cho cây bưởi. Năm đầu, mỗi cây cho khoảng từ 50 đến 60 trái; năm thứ 2, mỗi cây cho từ 100 đến 120 trái. Đến nay là năm thứ 8, mỗi cây cho từ 150 đến trên 200 trái”.
Từ cuối năm 2006, khi “Bưởi Biên Hòa - đặc sản Tân Triều” là thương hiệu trái cây đầu tiên của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận, huyện Vĩnh Cửu đã vận động nông dân mở rộng, phát triển thêm diện tích trồng bưởi. Kết quả sau 5 năm, từ 200 hécta đến nay toàn huyện đã phát triển được trên 800 hécta, tập trung chủ yếu tại các các xã ven sông Đồng Nai như: Tân Bình, Bình Lợi, Bình Hòa, Thiện Tân và Tân An...
Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên vườn bưởi đường lá cam của ông Lầm luôn cho trái đẹp, năng suất cao. Năm ngoái, vườn bưởi này đã cho ông nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng. Còn năm nay, ông ước tính với khoảng 5 ngàn trái bưởi bán Tết, nếu giá bưởi tăng cao, ông có thể thu nhập lên tới trên dưới 300 triệu đồng.
Hiện nay, ở xã Tân Bình, không chỉ riêng gia đình ông Lầm, mà còn có rất nhiều hộ làm vườn khác cũng đã thực hiện việc chuyển đổi sang trồng chuyên canh cây bưởi. Cũng như 16 hộ trồng bưởi đầu tiên ở đây đã được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP và VietGAP, ông Lầm và một số hộ làm vườn khác cũng đang tích cực tham gia vào mô hình sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn này, nhằm góp phần mở rộng diện tích sản xuất bưởi theo hướng hàng hóa, chất lượng cao và an toàn thực phẩm.
Thy Diệu