Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Vĩnh Cửu: Tiêm phòng tốt, thoát dịch heo tai xanh

10:07, 30/07/2012

Nhờ thực hiện đầy đủ tiêm phòng và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên nhiều đàn heo ở huyện Vĩnh Cửu không bị ảnh hưởng bởi dịch heo tai xanh đã bùng phát ngay tại địa phương này gần 2 tháng.

 

Nhờ thực hiện đầy đủ tiêm phòng và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên nhiều đàn heo ở huyện Vĩnh Cửu không bị ảnh hưởng bởi dịch heo tai xanh đã bùng phát ngay tại địa phương này gần 2 tháng.

Anh Nguyễn Khoa Hồ đang làm vệ sinh chuồng heo.
Anh Nguyễn Khoa Hồ đang làm vệ sinh chuồng heo.

Trại heo của anh Nguyễn Khoa Hồ ở tổ 14, KP6, thị trấn Vĩnh An tuy nằm biệt lập giữa rừng cây nhưng không cách xa địa bàn ổ dịch thuộc KP3, KP4 của thị trấn Vĩnh An. Khi những tuần qua, liên tiếp các đàn heo trong vùng phát sinh dịch heo tai xanh và buộc phải tiêu hủy, thì đàn heo khoảng 300 con của anh vẫn phát triển bình thường.

Không chỉ an toàn trong đợt dịch tai xanh năm nay mà trước đó, đợt dịch năm 2010, đàn heo do anh nuôi cũng không bị ảnh hưởng. Anh Hồ chia sẻ: “Kinh nghiệm chống dịch heo tai xanh từ năm 2010 của tôi là đã tiêm vaccine đầy đủ, tăng cường sức đề kháng cho heo bằng cách bổ sung đầy đủ các vitamin cần thiết, đặc biệt là Glucal B. Năm nay, ngoài biện pháp trên, tôi còn tập trung xịt thuốc sát trùng, rắc vôi sát trùng đường đi quanh trại. Kế tiếp, tôi còn ngăn người vào trại, các nhân công làm việc cho trại hạn chế tiếp xúc bên ngoài”.

Trại heo của chị Ngô Thị Chinh ở tổ 8, KP3, thị trấn Vĩnh An cũng không bị ảnh hưởng trong thời điểm dịch heo tai xanh hoành hành ở đây. Trong chuồng heo của chị lúc nào cũng duy trì khoảng 30 con heo nái và số heo con được sinh ra từ đàn heo nái này được chị tiếp tục chuyển sang nuôi lấy thịt và trại không lúc nào dưới 200 con.

Trong đợt dịch năm 2010, do chưa chú ý đến công tác tiêm phòng nên số heo dưới 30 kg/con bị nhiễm bệnh và bị tiêu hủy. Từ đó, chị rút kinh nghiệm và đặc biệt chú trọng đến công tác tiêm ngừa bệnh cho đàn heo của mình. Trong đó, chị tiêm đầy đủ các loại vaccine, như: dịch tả, lở mồm long móng, tai xanh. Kết quả đem lại khá rõ: tuy các hộ chăn nuôi xung quanh heo bị nhiễm bệnh nhưng đàn heo gia đình chị không bị ảnh hưởng. Chị bày tỏ: “Gia đình tôi rút kinh nghiệm là phải chích ngừa theo quy trình của ngành thú y đề ra, như: Trong thời gian không xảy ra dịch thì mỗi lần xuất chuồng, những chuồng heo thịt đó tôi xịt thuốc, quét vôi, để khoảng cách 2 tuần mới thả tiếp heo. Tôi còn thực hiện việc mỗi tuần xịt thuốc một lần kể cả trên heo, trong chuồng và xung quanh trại. Khi xung quanh phát dịch thì nhà tôi xịt chuồng một tuần 2-3 lần”.

Chị Chinh cho biết, chi phí dành cho việc tiêm ngừa nếu tính ra chỉ chiếm một phần so với việc phải điều trị khi heo mắc bệnh. Thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn sinh học cho chuồng trại sẽ góp phần hạn chế và ảnh hưởng dịch bệnh cho đàn gia súc, giảm thiệt hại về kinh tế khi dịch bệnh xảy ra.   

      Lê Minh

 

 

 

 

Tin xem nhiều