Xã Phước Khánh là một trong những địa phương có diện tích trồng mía nhiều nhất huyện Nhơn Trạch, với gần 850 hécta. Tuy nhiên, để nông dân trồng mía có thu nhập ổn định, an tâm sản xuất lại đang là vấn đề nan giải đối với chính quyền địa phương và nông dân nơi đây.
Xã Phước Khánh là một trong những địa phương có diện tích trồng mía nhiều nhất huyện Nhơn Trạch, với gần 850 hécta. Tuy nhiên, để nông dân trồng mía có thu nhập ổn định, an tâm sản xuất lại đang là vấn đề nan giải đối với chính quyền địa phương và nông dân nơi đây.
Mía là cây trồng thích hợp trên đất xã Phước Khánh. Ảnh: P.THẮNG |
Ông Nguyễn Thành Vương, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Mặc dù chính quyền từ huyện đến xã đã tổ chức nhiều cuộc họp, nhiều cuộc hội thảo để tìm giải pháp cho cây mía, nhưng nghề trồng mía ở Phước Khánh trong những năm qua vẫn bấp bênh, nông dân không thể an tâm trong sản xuất”.
Hiện nay, giá mía ở đầu mùa vụ là 1.050.000 đồng/tấn, ở cuối vụ là 1.190.000 đồng/tấn đối với mía 10 chữ đường, tạp chất phải dưới 3%. Giá do các nhà máy đường đưa ra tương đương với giá thị trường. Nhưng qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thực chất mía của nông dân sau khi thu hoạch rất ít hộ đạt tiêu chuẩn về chữ đường và tạp chất, mặc dù nông dân đã áp dụng đúng các tiến độ khoa học kỹ thuật trong sản xuất về quy trình, tiến trình bón phân cũng như cách chăm sóc cây mía từ lúc mới xuống giống đến khi thu hoạch. Trung bình mía sau khi thu hoạch chữ đường chỉ đạt từ 8 đến 9 và tạp chất dao động từ 8-12% - cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn mà các nhà máy đường đã đưa ra.
Có một điều làm nông dân băn khoăn là việc đánh giá chữ đường phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhà máy, nông dân cũng như chính quyền địa phương không có cách nào để xác định là mía có đạt được chữ đường hay không và tạp chất là bao nhiêu. Nhiều trường hợp mía đường trồng trên cùng một diện tích, nhưng lại có chữ đường và tạp chất khác nhau.
Một trong những khó khăn của nông dân trồng mía nữa là hệ thống kênh mương nội đồng trên địa bàn xã vẫn chưa được nạo vét; dự án đường dài trên 4km vẫn chưa được thi công. Chính điều này đã gây khó khăn cho nông dân trong việc vận chuyển mía đến địa điểm tập kết. Ngoài ra, các yếu tố về giá cả phân bón, công đốn gia tăng đã dẫn đến chi phí sản xuất rất cao.
Để sản xuất một hécta mía, nông dân phải đầu tư từ 40 đến 45 triệu đồng. Nếu tính theo những năm gần đây, năng suất đạt 70 tấn/hécta, với giá bán ra là 750 ngàn đồng/tấn thì trung bình mỗi hécta mía nông dân chỉ thu lãi trên dưới 10 triệu đồng. Đó là đối với những hộ trồng đạt năng suất cao, còn những hộ trồng năng suất thấp thì sẽ không có lãi và có khi thua lỗ.
Vấn đề chính mà nông dân đặt ra ở đây là các nhà máy đường đánh giá chất lượng tiêu chuẩn về chữ đường và tạp chất có đúng hay không. Từ đó, nông dân không mấy mặn mà đến việc trồng mía trên vùng đất vốn chỉ thích hợp với cây mía.
Phước Thắng