Báo Đồng Nai điện tử
En

Vào rừng nuôi… ba ba

04:11, 28/11/2019

Những năm gần đây, cuộc sống của nhiều nông dân tại ấp 4, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) được cải thiện so với trước, thu nhập ổn định hơn từ nghề nuôi ba ba. Từ một vài hộ "khởi xướng" ban đầu, đến nay ấp 4 đã trở thành điểm nuôi ba ba có tiếng trong vùng.

[links()]Những năm gần đây, cuộc sống của nhiều nông dân tại ấp 4, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) được cải thiện so với trước, thu nhập ổn định hơn từ nghề nuôi ba ba. Từ một vài hộ “khởi xướng” ban đầu, đến nay ấp 4 đã trở thành điểm nuôi ba ba có tiếng trong vùng.

Kiểm tra ba ba tại bể của ông Huỳnh Văn Toàn (ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu). Ảnh:N.Liên
Kiểm tra ba ba tại bể của ông Huỳnh Văn Toàn (ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu). Ảnh:N.Liên

Cách thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) hơn 30km, nằm lọt thỏm giữa những tán rừng già của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, khu dân cư ấp 4 có khoảng 500 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ, đánh bắt và nuôi cá bè trên hồ Trị An.

* Phát triển vùng nuôi ba ba

Ấp 4, xã Mã Đà hiện có khoảng 40 hộ nuôi ba ba. Trong đó, khu Suối Tượng là nơi tập trung nhiều gia đình nuôi ba ba nhất vì nơi đây khá gần với hồ Trị An và khu làng cá bè, người dân có thể tìm nguồn thức ăn từ cá con cho ba ba khá dễ dàng.

Để tạo môi trường sống phù hợp cho ba ba, các hộ dân xây bể nuôi theo từng ô, mỗi ô rộng khoảng 50m2, vách tường của bể nuôi ba ba thường cao trên 1m và phải có bè thả nổi trên bể để ba ba có thể lên phơi nắng. Toàn bộ nước và thức ăn cho ba ba chủ yếu lấy từ hồ Trị An nên môi trường sống của ba ba gần như không khác môi trường tự nhiên.

Ông Huỳnh Văn Toàn, Phó trưởng ấp 4 (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) cho biết, ba ba tuy là loài có sức đề kháng tốt nhưng vẫn cần được chăm sóc chu đáo. Những công việc như thay nước, cho ăn phải thực hiện thường xuyên. Ba ba thỉnh thoảng có tình trạng bị nổi đốm trắng trên lưng nếu không kịp thời xử lý sẽ bị lây lan ra cả bể, ba ba bị nặng hơn sẽ chết. Theo ông Toàn, ba ba từ khi bắt đầu nuôi đến khi bán được sẽ bị hao hụt khoảng 20% số lượng thả ban đầu, dù dễ nuôi nhưng đã có người thất bại vì không biết cách nuôi và chăm sóc chu đáo.

Là một trong những người đầu tiên đưa ba ba về khu Suối Tượng nuôi vào năm 2010, ông Nguyễn Văn Phiên hiện đang nuôi khoảng 10 ngàn con ba ba.  Ông Phiên cho biết, mỗi năm ông có 2 đợt bán ba ba, mỗi đợt bán khoảng 3 ngàn con. Sau khi trừ các chi phí, ông lãi khoảng 400 triệu đồng mỗi năm. Vốn là một ngư dân từng gắn bó với nghề đánh bắt thủy sản và sau đó là nuôi cá bè, nhưng do cả hai nghề đều khá bấp bênh về giá cả sản phẩm nên sau vụ nuôi ba ba đầu tiên, ông Phiên nhận thấy thu nhập từ nuôi ba ba cao hơn nên đã quyết định tập trung phát triển nghề nuôi ba ba.

Ông Huỳnh Văn Thanh (cùng ngụ ấp 4) chia sẻ, mỗi năm gia đình ông xuất ra thị trường khoảng 4 ngàn con ba ba. Ba ba đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường thường có cân nặng từ 700g đến 1kg, giá trung bình từ 80-300 ngàn đồng/kg. Đối với ba ba lớn hơn thì giá sẽ cao hơn, lên đến 500 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, vùng này chỉ có 1-2 hộ nuôi ba ba có giá trị cao, phần lớn vẫn là ba ba thịt có giá rẻ hơn. “Từ khi nuôi ba ba đến nay, thu nhập của gia đình tôi ổn định hơn rất nhiều, trung bình 1 ngàn con ba ba sẽ có lời khoảng từ 60-90 triệu đồng. Với ba ba chỉ cần chăm thay nước mỗi ngày và không để bị chấn động mạnh thì chúng sẽ lớn nhanh, chất lượng thịt cũng tốt hơn” - ông Thanh nói.

* Tăng dần sản lượng

Theo những hộ nông dân nuôi ba ba, trung bình 200m2 bể có thể nuôi được 1 ngàn con ba ba. Thời gian bắt đầu nuôi cho đến khi bán là 13-14 tháng. Do có sức đề kháng mạnh nên con ba ba khá dễ nuôi. Bên cạnh đó, lợi thế gần hồ Trị An đã giúp người nuôi ba ba bớt được phần nào gánh nặng chi phí đầu tư, bởi họ có thể tự làm thức ăn cho ba ba từ cá bắt trên hồ hoặc mua lại từ người dân đánh bắt cá với giá rẻ.

Ông Huỳnh Văn Toàn, Phó trưởng ấp 4, cũng là một trong những hộ nuôi ba ba đầu tiên ở ấp chia sẻ, nghề này do cha ông truyền lại cho. Trong ấp còn nhiều hộ muốn chuyển sang nuôi ba ba nhưng hiện vẫn còn khó khăn về vốn đầu tư ban đầu. Ông Toàn chia sẻ: “Ba ba hiện nay không đủ để cung cấp cho thị trường, sau mấy năm tiếp quản các hồ nuôi ba ba từ cha, tôi chưa từng thấy ba ba rớt giá hay “dội” hàng. Nếu tăng thêm hộ nuôi thì tôi nghĩ cũng không ảnh hưởng gì đến đầu ra và giá cả. Hy vọng sẽ ngày càng có nhiều hộ nuôi ba ba để cải thiện kinh tế gia đình vì trong ấp vẫn còn nhiều hộ khó khăn, đất sản xuất không nhiều”.

Chia sẻ về nghề nuôi ba ba tại ấp 4 những năm gần đây, ông Nguyễn Trung Năng, Phó chủ tịch UBND xã Mã Đà cho biết, qua khảo sát thực tế, số ba ba trên địa bàn ấp 4 và một số hộ của ấp 3 khoảng trên 64 ngàn con, 157 bể nuôi. Do điều kiện nuôi thuận lợi và giá bán ổn định nên khoảng 2 năm nay, nghề nuôi ba ba phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, hiện nay ba ba vẫn được bán tự do cho các thương lái, chưa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nên không đủ điều kiện để hỗ trợ bà con nuôi theo mô hình VietGAP. “Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục cùng bà con phát triển mô hình nuôi ba ba theo hướng VietGAP” - ông Năng cho hay.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều