Từ lâu, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) đã nổi tiếng là vùng quê có nhiều món ngon dân dã. Qua thời gian, những món ăn ấy dần trở thành đặc sản mà bất cứ ai ghé thăm miền quê này cũng muốn thưởng thức một lần.
Từ lâu, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) đã nổi tiếng là vùng quê có nhiều món ngon dân dã. Qua thời gian, những món ăn ấy dần trở thành đặc sản mà bất cứ ai ghé thăm miền quê này cũng muốn thưởng thức một lần.
Bà Đặng Thị Điệp (ấp Phú Mỹ 2) đang thực hiện một công đoạn trong quy trình làm món cơm rượu. Ảnh: H.Lộc |
* Ngọt thơm cơm rượu
Một trong những món ngon nổi tiếng ở xã Phú Hội là cơm rượu. Cơm rượu là món ăn truyền thống dễ làm, dễ ăn và thời gian bảo quản lâu nên được nhiều người ưa chuộng, thường xuyên thưởng thức. Ngày nay, người ta còn làm cơm rượu đưa đi tiêu thụ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.
Khác với món cơm rượu miền Bắc khá khô và rời, khi ăn có vị ngọt và cay nồng, cơm rượu miền Trung được vo thành từng miếng gói trong lá chuối tươi, cơm rượu ở xã Phú Hội được ép chặt và cắt thành hình vuông nhỏ cho bắt mắt và dễ ăn. Khi thưởng thức, cơm rượu có vị ngọt của gạo lên men xen lẫn vị cay cay của rượu
Bà Đặng Thị Điệp (ấp Phú Mỹ 2) là một trong số ít người còn giữ được nghề làm cơm rượu. Theo lời bà Điệp, khi còn là học sinh tiểu học, bà đã giúp cha mẹ cuốn các viên cơm rượu vào bao ny-lông để định hình cho cơm không bị rã. Khi hơn 20 tuổi, bà đã tự mình làm tất cả công đoạn, bao gồm cả chế biến men ủ bằng thảo dược và một số vị thuốc bắc.
Trước đây, mỗi năm nhà bà Điệp chỉ làm cơm rượu khoảng 3-4 lần và mỗi lần chỉ làm đủ dùng cho gia đình. Năm 2003, bà quyết định làm cơm rượu để bán và từ đó, bà có thêm “nghề tay trái” này. Hiện tại, mỗi ngày bà đều làm 5kg gạo, dịp lễ, Tết có thể tăng lên gấp 7-10 lần và phải huy động cả gia đình gần 10 người phụ giúp nhưng cũng không đủ bán. Thu nhập trung bình từ nghề làm cơm rượu khoảng 10 triệu đồng/tháng, lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng.
Bà Điệp cho rằng, nghề làm cơm rượu không vất vả nhưng trải qua nhiều công đoạn, mất thời gian trong khi lợi nhuận lại không cao nên ít người làm. Riêng bà, làm nghề vì có sở thích ăn cơm rượu, vì muốn tăng thu nhập và một phần vì muốn gìn giữ nghề truyền thống ở địa phương đã gắn bó với bà từ khi còn thơ bé.
Từ kinh nghiệm của mình, bà Điệp cho rằng chọn gạo và nấu xôi là hai công đoạn quan trọng quyết định chất lượng cơm rượu. Gạo phải là gạo nếp sáp hoặc nếp Bắc đã thu hoạch từ 8 tháng trở lên. Để hạt cơm mềm dai, quá trình nấu phải qua 2 lần nước lạnh, trước khi nấu phải ngâm gạo, khi cơm vừa sôi đổ gạo ra vo qua nước lạnh, sau đó đun lại từ đầu cho đến chín. Quá trình ủ lên men mỗi người có một bí quyết riêng, với bà Điệp để cơm rượu có vị ngọt đằm, không bị cay khi để lâu cần cho thêm nước đun sôi có pha ít muối hạt và đường vào trong cơm rượu. Cơm rượu khi chín nên bỏ trong tủ lạnh khi ăn hạt cơm sẽ dai ngon hơn.
Ngoài các dịp như đám giỗ, Tết Đoan ngọ, Tết Nguyên đán, người dân ở huyện Nhơn Trạch còn dùng cơm rượu để cúng miếu, cúng đình hoặc dùng trong các bữa tiệc chung của ấp. Trước đây vào dịp như vậy, các gia đình tự phân công nhau làm cơm rượu, nhưng nay, do bận bịu công việc, phần vì nhiều người không biết làm nên số hộ còn duy trì nghề làm cơm rượu rất ít, lễ, Tết cơm rượu làm ra không đủ bán. Hiện cả xã Phú Hội có khoảng 5 hộ làm nghề ủ cơm rượu bán quanh năm.
“Tôi đã gắn bó với nghề này 15 năm nên sẽ không bỏ nghề cho tới khi không thể làm được. Tôi vừa hoàn thành đăng ký nhãn hiệu cơm rượu Tám Điệp Phú Hội để có thể giới thiệu món ăn này cho nhiều thực khách trong và ngoài tỉnh được thưởng thức” - bà Điệp nói.
* Đậm đà hương trà Xóm Hố
Ngoài những món ăn ngon như cơm rượu, bánh bèo, bánh huyết, xã Phú Hội còn có một loại thức uống làm nức lòng người ưa thưởng thức là trà. Trà Phú Hội có hương vị khác biệt so với trà được trồng ở các vùng, miền khác. Nguồn nước và kỹ thuật chế biến, ướp trà của người dân địa phương đã góp phần tạo nên thương hiệu trà Phú Hội ngày nay.
Bà Đặng Thị Điệp giới thiệu sản phẩm cơm rượu Phú Hội. Ảnh: H.Lộc |
Theo người dân địa phương, trước đây, xã Phú Hội có hàng trăm hécta trà được trồng xen trong các vườn cây ăn trái, trên đồi, trồng thay thế cho bờ tường rào ngăn cách đất nhà này với nhà khác. Sau một thời gian gần như bị mai một do phát triển công nghiệp, hiện tại nghề trồng trà đang dần hồi sinh trở lại.
Là một trong những hộ trồng trà lâu năm và quy mô lớn nhất hiện nay, bà Nguyễn Thị Lít (ấp Xóm Hố) cho biết, trà Phú Hội thơm ngon là nhờ thổ nhưỡng. Đất đỏ pha sỏi cộng với nguồn nước mạch quanh năm nên lá trà xanh, dày. Trà khô hãm nước sôi có màu đỏ sậm, thơm nức, khi uống xong ngụm trà có vị ngòn ngọt đọng lại trong cổ.
Ngoài thổ nhưỡng, quy trình chế biến là một trong những yếu tố tạo nên hương vị đặc trưng cho trà Phú Hội. Theo đó, những búp trà non được ngắt từ sáng sớm, khi sương còn chưa tan hết. Búp sau đó đem phơi chừng 1-2 giờ, khi lá vừa teo thì vò lại để búp trà xoăn, búp càng xoăn trà càng giữ được lâu. Vò xong đem trà phơi nắng đến khi khô hẳn. Để tăng mùi thơm cho trà, người ta dùng một ít lá sen khô hoặc lá thơm để ướp, sau đó mới đem rang.
Hiện tại, trà Phú Hội được tiêu thụ thuận lợi trong tỉnh, TP.Hồ Chí Minh và một số du khách mua làm quà biếu, 1kg trà khô có giá từ 300-700 ngàn đồng. Giá cả và “đầu ra” thuận lợi nên chính quyền xã Phú Hội đang khuyến khích nông dân ươm giống và mở rộng diện tích trồng trà theo cả hình thức xen canh lẫn chuyên canh. Theo đó, các hộ nông dân trồng và kinh doanh trà Phú Hội sẽ được hỗ trợ vốn mua giống, kéo điện, khoan giếng lấy nước tưới; được cán bộ Trạm khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc trà theo hướng hữu cơ, hướng dẫn kinh nghiệm ướp và bảo quản trà khô; liên kết với các tiểu thương kinh doanh đảm bảo “đầu ra” cho sản phẩm.
Xã Phú Hội hiện có 7 hécta trà. Mới đây, trà Phú Hội được chọn để thực hiện đề án Mỗi xã một sản phẩm. Hiện đề án đã hoàn thành các bước về thủ tục hồ sơ và đang chờ công bố sản phẩm.
Theo chính quyền địa phương, thời gian gần đây, nhiều du khách tìm về vùng đất Phú Hội để tham quan và thưởng thức trà. Tương lai phát triển cây trà gắn với với du lịch ẩm thực có thể sẽ là hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.
Hoàng Lộc