Báo Đồng Nai điện tử
En

'Làm nông, cần sự nhạy bén với thị trường'

04:12, 04/12/2019

Đó là suy nghĩ của ông Võ Hữu Thời (ấp Thanh Bình, xã Lộc An, huyện Long Thành). Nhờ tư duy nhạy bén, ông Thời đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý và nhiều lần tránh được rủi ro về giá cả, dịch bệnh và làm giàu chân chính bằng nghề nông.

Đó là suy nghĩ của ông Võ Hữu Thời (ấp Thanh Bình, xã Lộc An, huyện Long Thành). Nhờ tư duy nhạy bén, ông Thời đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý và nhiều lần tránh được rủi ro về giá cả, dịch bệnh và làm giàu chân chính bằng nghề nông.

Nông dân xuất sắc tiêu biểu Võ Hữu Thời đang chăm sóc đàn heo chuẩn bị bán Tết. Ảnh:H.Lộc
Nông dân xuất sắc tiêu biểu Võ Hữu Thời đang chăm sóc đàn heo chuẩn bị bán Tết. Ảnh:H.Lộc

Năm 2012, ông Thời được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen Nông dân điển hình sản xuất kinh doanh giỏi. Từ đó đến nay, ông nhận được nhiều bằng khen của tỉnh, Trung ương Hội Nông dân, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn. Mới đây, ông là nông dân duy nhất của tỉnh tham dự Hội nghị Tuyên dương nông dân xuất sắc tiêu biểu toàn quốc năm 2019.

* Tay trắng lập nghiệp

Bên khu đất 15 hécta đang trong quá trình xây dựng khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, ông Thời cho biết, công trình đã khởi động được hơn 1 năm. Dự kiến năm 2022 sẽ hoàn thiện mảng du lịch sinh thái và năm 2025 sẽ đưa vào hoạt động khu nghỉ dưỡng cao cấp, cùng thời điểm giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động.

“Sau này, người dân về Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn cách chỗ này hơn 1km sinh sống, thêm vào đó một lượng lớn chuyên gia, kỹ sư, nhân viên phục vụ sân bay về đây sống và làm việc thì nhu cầu dịch vụ, đặc biệt là giải trí, nghỉ dưỡng tại chỗ sẽ phát sinh. Tôi đầu tư ngay từ bây giờ, đến khi đó khai thác là vừa”- ông Thời cũng tiết lộ khoản đầu tư cho dự án này vào khoảng 45-50 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa là vốn tự có.

 Ông Thời kể, ông xuất ngũ trở về quê với 2 bàn tay trắng. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, năm 1985 ông khai hoang được gần 7 sào đất trồng cao su. Quá trình trồng cao su, ông nuôi cá, nuôi heo theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”. May mắn là thời điểm đó, vườn cao su cho thu hoạch giá mủ ở mức cao, khoảng 70 triệu đồng/tấn (gấp đôi hiện tại). Ông lấy tiền lời mua đất trồng thêm cao su. Đến năm 2006, ông đã có trong tay 15 hécta cao su cho thu hoạch, trung bình mỗi năm ông lời từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Năm 2014, giá mủ cao su bước qua giai đoạn đỉnh điểm, ông Thời mạnh dạn cưa bỏ 10 hécta cao su đang cho thu hoạch trồng mì, bắp, đồng thời đầu tư trang trại nuôi heo, bò và thả cá với quy mô lớn. Đó là một quyết định táo bạo, tuy nhiên, ông Thời không nuối tiếc bởi chỉ hơn 1 năm sau, ông Thời đã thu lợi khoảng 3 tỷ đồng tiền lãi từ nuôi heo.

Ông Thời chia sẻ, làm nông nghiệp thì “vụ này thắng, vụ kia bại” là chuyện bình thường, tuy nhiên, người trong cuộc phải dự báo được tình hình để làm những gì thị trường cần chứ không “chăm chăm” làm những gì mình có. Ông Thời cho rằng, nhờ dự báo được thị trường mủ cao su mà ông tránh được tình trạng “ngâm đất” nhiều năm không có lợi nhuận.

Cũng nhờ nhạy bén với thời cuộc, mới đây, khi được tin bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở miền Bắc, ông đã quyết định bán toàn bộ hơn 2 ngàn con heo thịt và heo nái đang nuôi cho thương lái, nhờ đó mà tránh được rủi ro lớn. Thời điểm hiện tại, nhiều trại heo còn loay hoay tiêu hủy và xử lý chuồng trại, ông Thời đã an tâm tái đàn hơn 500 con heo thịt chuẩn bị cho thị trường Tết năm nay.

“Giá heo hơi đang lên từng ngày và sẽ còn tăng trong dịp cuối năm, nhưng theo tôi, người nuôi không nên nóng vội tái đàn. Vì như vậy sẽ không kiểm soát hết dịch bệnh, chưa kể tái đàn ồ ạt sẽ ảnh hưởng đến giá cả sau này. Cần xử lý chuồng trại cho thật tốt, chia ra thành từng đợt để tái đàn chứ không nên tái đàn đồng loạt” - ông Thời chia sẻ.

* Tích cực đóng góp cho địa phương

Vài năm trở lại đây, ông Thời thường xuyên tham quan các mô làm du lịch sinh thái ở các tỉnh miền Tây, Đài Loan (Trung Quốc). Ông nhận thấy huyện Long Thành cũng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái vườn, kết hợp ẩm thực và nghỉ dưỡng nên quyết định chuyển hướng đầu tư.

Năm 2016, ông bắt tay cải tạo ao nuôi cá thịt làm nơi câu cá giải trí. Cùng với đó, ông đầu tư các công trình như chòi nghỉ và mở cửa đón khách vào trang trại. Ông quyết định cải tạo toàn bộ trang trại làm khu du lịch sinh thái với điểm nhấn là câu cá giải trí, thưởng thức ẩm thực Long Thành và sau này là dịch vụ nghỉ dưỡng.

“Hiện tại tôi đang tập trung làm các tuyến đường giao thông kết nối, xây dựng các chòi nghỉ, trồng cây cảnh, trong đó ưu tiên các loại cây vừa cho bóng mát vừa cho quả. Thời gian này tôi vẫn duy trì khoảng 500 con heo thịt, 20-30 tấn cá và nuôi thêm chim yến để có thu nhập thêm” - ông Thời nói.

Ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Thành cho biết, nông dân Võ Hữu Thời rất quyết đoán, ông luôn nhanh nhạy nắm bắt và dự đoán nhu cầu thị trường, từ đó chuyển hướng đầu tư phù hợp và đem lại hiệu quả cao. Trong chăn nuôi, nhờ đầu tư chuồng trại sạch sẽ, áp dụng khoa học - kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, trại heo hàng ngàn con của ông năm nào cũng khỏe mạnh, chóng lớn, thu lợi nhiều.

Không chỉ là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ông Thời còn là nhà hảo tâm, thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Trung bình mỗi năm ông hỗ trợ 100 triệu đồng cho các hoạt động xã hội và khuyến học. Năm 2017, ông hiến gần 5 ngàn m2 đất cao su để làm đường giao thông và nhà ở cho 2 hộ nghèo, đóng góp hơn 500 triệu đồng làm đường điện cho hơn 20 hộ dân nằm sâu trong ấp. Mới đây, ông cho Hội Nông dân huyện Long Thành vay 200 triệu đồng để hỗ trợ vốn không lãi suất cho các hộ nông dân còn khó khăn vươn lên...

Ông Thời chia sẻ thêm, có được kinh tế ổn định như ngày hôm nay, ông và gia đình đã không ngừng lao động, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt từ những người đi trước và biết tích lũy để mở rộng thêm ngành nghề... Vì vậy, ông sẵn sàng chia sẻ những gì tích lũy được cho các hộ cùng vươn lên.

Bằng sức lao động và tinh thần tự lực vươn lên, ông Võ Hữu Thời xứng đáng là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện Long Thành và câu chuyện vượt khó của ông là động lực để các hộ nông dân vượt khó vươn lên, xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn.  

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều