Báo Đồng Nai điện tử
En

Nức tiếng làng bánh bao 69

04:12, 11/12/2019

Xã Phước Thái, huyện Long Thành từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh bao phục vụ nhu cầu của người địa phương và du khách qua đây, dần dần trở nên nổi tiếng gần xa.

Xã Phước Thái, huyện Long Thành từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh bao phục vụ nhu cầu của người địa phương và du khách qua đây, dần dần trở nên nổi tiếng gần xa.

Một cơ sở bán bánh bao tại trạm dừng chân của du khách ở xã Phước Thái (huyện Long Thành)
Một cơ sở bán bánh bao tại trạm dừng chân của du khách ở xã Phước Thái (huyện Long Thành). Ảnh:B.Mai

Theo người dân địa phương, sở dĩ có thương hiệu bánh bao 69 là vì khu vực người dân làm và bán bánh bao nằm ở km số 69 trên quốc lộ 51 (tính từ TP.Hồ Chí Minh - Vũng Tàu) nên đa phần các cơ sở kinh doanh đều sử dụng tên chung bánh bao 69.

Từ tên chung của làng nghề, các cơ sở gắn tên riêng mình vào chẳng hạn như: bánh bao 69 Thanh Long, bánh bao 69 Quỳnh Như, bánh bao 69 Thanh Hải... để thực khách dễ dàng phân biệt và tìm chọn cho mình những sản phẩm vừa miệng.

* Thơm ngon bánh bao Long Thành

Dọc quốc lộ 51 đoạn qua xã Phước Thái, xã Long Phước (huyện Long Thành) có hàng chục điểm bán bánh bao lớn nhỏ. Chỉ cần thấy khách chạy xe chậm lại, những người bán hàng sẽ chào mời rôm rả.

Những người làm nghề lâu năm cho biết, làng bánh bao ở km69 đã có mấy chục năm trước. Ban đầu chỉ vài hộ gia đình làm bánh bao với số lượng ít để bán cho khách đi đường. Nhưng nhờ chất lượng thơm ngon, lại nằm ở vị trí thuận tiện cho du khách dừng chân nghỉ ngơi nên số lượng bánh bán ra mỗi ngày càng nhiều. Để đáp ứng nhu cầu của thực khách, các hộ làm bánh phải thuê thêm người phụ, và thế là bí quyết làm bánh bao được lan truyền rộng rãi. Có thời điểm, ở xã Phước Thái có hàng trăm nhà làm bánh bao cung ứng cho thị trường.

Nghề làm bánh bao ở xã Phước Thái (huyện Long Thành) có từ vài chục năm trước. Thời kỳ cao điểm, ở xã này có gần 100 cơ sở làm bánh và cung ứng ra thị trường hàng chục ngàn chiếc mỗi ngày. Hiện tại, số lượng cơ sở làm bánh giảm, tuy nhiên điểm bán bánh và số lượng bánh bán ra thị trường tăng do nhiều lò bánh đã đầu tư máy móc, lò hấp làm bánh với số lượng nhiều, bỏ sỉ cho các điểm bán.

Tuy nhiên, với những cơ sở làm bánh bao có tên tuổi lại chọn cách đầu tư mở rộng chi nhánh, điểm bán của riêng mình thay vì bỏ mối cho các điểm bán. Cùng với bò sữa, bánh bao là đặc sản nổi tiếng thu hút du khách dừng chân thưởng thức và mua về làm quà khi đi qua huyện Long Thành.

Để làm ra chiếc bánh bao thường có khoảng 20 nguyên liệu khác nhau, trong đó bột mì, trứng (vịt muối, cút), thịt heo là những nguyên liệu chủ yếu và không thể thiếu. Bánh bao 69 có đặc trưng là mềm, dai vừa phải. Khi ăn, vỏ bánh có vị ngọt thanh, thơm mùi lá dứa, nhân bánh có mùi thơm ngậy đặc trưng của mỡ heo. “Bánh bao 69 mềm và thơm hơn bánh bao ở các nơi khác. Chỉ cần đến gần nồi bánh, ngửi mùi thơm tỏa ra là muốn ăn ngay. Bánh bao ăn ngon nhất khi còn nóng hổi” - chủ một tiệm bán bánh cho hay.

Để có được những chiếc bánh thơm ngon phục vụ du khách, thông thường, từ 3 giờ sáng, các lò bánh đã rục rịch chuẩn bị nguyên liệu. Trước đây, các khâu như băm nhân, cán bột, hấp bánh đều phải làm thủ công nên mất khá nhiều thời gian. Phần bột cho mỗi chiếc bánh phải vừa vặn, tán bột phải đều tay sao cho chiếc bánh tròn, kích thước vừa đủ.

Công đoạn bỏ nhân và cuộn bánh đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa người bỏ nhân và người cuộn bánh. Bởi lúc này bánh bột còn dính tay, dễ bị méo mó, mất thẩm mỹ. Bánh sau khi hoàn thiện được đưa đi hấp cách thủy trong khoảng 15-20 phút, tùy vào nhiệt độ của lò hấp. Điều khá đặc biệt là các lò bánh ở đây chỉ làm để bán trong ngày, không dùng chất bảo quản và các phụ gia công nghiệp độc hại.

Theo thống kê của xã Phước Thái, hiện làng bánh bao 69 có khoảng hơn 20 cơ sở làm bánh và khoảng 50 điểm bán cung ứng ra thị trường mỗi ngày từ 10-15 ngàn chiếc. Vào những ngày cuối tuần, dịp lễ, tết, khách du lịch qua địa bàn xã tăng số lượng bánh bán ra có thể tăng gấp 2-3 lần. Giá mỗi chiếc bánh dao động từ 10-20 ngàn đồng.

* Xây dựng thương hiệu cho bánh bao

Những người làm bánh bao ở xã Phước Thái cho rằng người có công phát triển nghề làm bánh bao và xây dựng nên thương hiệu bánh bao 69 là bà Năm Đoàn, chủ hệ thống Trạm dừng chân bánh bao 69 Thanh Long.

Hơn 30 năm trước, bà Năm Đoàn làm bánh bao bán cho người dân địa phương và khách bộ hành qua đường. “Cánh” tài xế xe tải, xe khách nhiều lần ghé mua khen bánh bao bà làm ngon và góp ý bà nên đặt xe bánh ở chỗ nào cho dễ nhìn thấy, tiện chỗ đậu xe. Bà Năm Đoàn nghĩ đến việc đặt tên cho tiệm bánh bao. Ban đầu bà đặt tên bánh bao 69, về sau có vài cơ sở cũng đặt tên này nên bà đổi tên bánh bao 69 Thanh Long. Chủ nhân của cơ sở cũng mở thêm những khoảng không gian để khách vừa nghỉ ngơi vừa thưởng thức bánh bao nóng.

Theo thời gian, nhận thấy việc khách nán lại khá nhiều, bà cho phát triển thành trạm dừng chân và hệ thống các trạm dừng chân. Hiện tại, trung bình mỗi ngày cơ sở bánh bao của bà Năm Đoàn sản xuất khoảng 6-8 ngàn chiếc bánh (bằng 50% sản lượng bánh bao ở xã cung ứng ra thị trường) nhưng bà không bỏ mối cho các cơ sở mua đi bán lại mà bán tại hệ thống trạm dừng chân của mình. Bà Năm Đoàn cho rằng, bánh bao Thanh Long 69 là tâm huyết hơn 30 năm trong nghề, lòng trung thực và cái “tâm” của người làm nghề được bà đặt vào từng mẻ bánh. Bánh của bà luôn đảm bảo tiêu chí ngon như mới ra lò.

Quá trình phát triển, nhiều người làm công cho bà Năm Đoàn đã học “lỏm” được nghề làm bánh bao và ra phát triển cơ sở riêng. Một điều khá thú vị là các cơ sở làm bánh bao ở đây hoạt động riêng lẻ, có bí quyết và cách bán hàng khác nhau, tuy nhiên họ đều lấy tên bánh bao 69, có ý thức giữ gìn và phát triển thương hiệu sản phẩm làng nghề.

Ngày nay, để đáp ứng tiêu chí nhanh, nhiều, đẹp và an toàn vệ sinh thực phẩm, các lò bánh đã đầu tư máy móc thay thế cho nhiều công đoạn thủ công trước đây như: nhào bột, cán bột, xay thịt và băm nhân. Các lò làm bánh số lượng lớn còn đầu tư lò vi sóng để hấp bánh. Các cơ sở làm bánh cũng không phải đi tìm mua từng loại nguyên liệu như trước nữa mà tất cả đều được bỏ mối tận nhà, với cam kết về chất lượng, do đó người làm nghề cũng yên tâm và tiết kiệm khá nhiều thời gian, chi phí.

Ngoài công nghiệp hóa các khâu làm bánh, việc mở rộng thị trường, mở rộng quy mô sản xuất cũng được các cơ sở quan tâm. Một số cơ sở lớn đứng ra làm bánh cung cấp cho các điểm bán lẻ hoặc bỏ mối cho người đi bán rong, một số lò bánh xây dựng trạm dừng chân mini liên kết với các doanh nghiệp vận tải, công ty lữ hành để du khách có điều kiện nghỉ ngơi, thưởng thức và mua đặc sản này về làm quà cho người thân. Một số hộ gia đình làm bánh bao cung cấp cho các công ty làm bữa ăn sáng hoặc ăn đêm cho công nhân.

Ban Mai

Tin xem nhiều