Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng hoa dưới chân núi

04:12, 02/12/2019

Nhờ mạnh dạn tăng vụ, thay đổi cây trồng, ấp Trung Sơn (xã Xuân Trường) trở thành "làng" chuyên canh hoa bán Tết lớn nhất huyện Xuân Lộc. Hoa ấp Trung Sơn chủ yếu là hoa lay-ơn và được thương lái thu mua đưa ra thị trường các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.

Nhờ mạnh dạn tăng vụ, thay đổi cây trồng, ấp Trung Sơn (xã Xuân Trường) trở thành “làng” chuyên canh hoa bán Tết lớn nhất huyện Xuân Lộc. Hoa ấp Trung Sơn chủ yếu là hoa lay-ơn và được thương lái thu mua đưa ra thị trường các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.

Một hộ nông dân đang chăm sóc hoa lay-ơn làm giống. Ảnh: H.Lộc
Một hộ nông dân đang chăm sóc hoa lay-ơn làm giống. Ảnh: H.Lộc

Hoa đã từng bước cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc Chơro ở Khu tái định canh - định cư Trung Sơn. Nhờ trồng hoa, nhiều gia đình đã xây được nhà lớn, mua sắm các vật dụng giá trị.

* Trông chờ mùa hoa Tết

Thời điểm này, các nhà vườn ở làng hoa Trung Sơn đang tất bật chăm sóc hoa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Năm nay, thời tiết thuận lợi, hoa lay-ơn phát triển xanh tốt, người làng hoa đang trông chờ một vụ mùa bội thu.

Dù chưa biết giá cả hoa năm nay ra sao, tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Thái (ấp Trung Sơn) vẫn tỏ ra khá yên tâm bởi mới đây, một thương lái quen ở Hà Nội đã gọi điện cho anh đặt 50 ngàn cây hoa lay-ơn. Bên cạnh đó, thời tiết thuận lợi, cây lay-ơn sinh trưởng khá tốt cũng mang đến cho anh nhiều hy vọng.

“Tôi có 3 sào hoa, năm ngoái thu được 140 triệu đồng, trừ chi phí còn lời khoảng 50 triệu đồng, bằng cả năm trồng bắp và đậu phộng. Hy vọng năm nay, giá hoa bằng hoặc cao hơn năm trước để bà con đón Tết đủ đầy và đầm ấm” - anh Thái nói.

Ngoài sản phẩm du lịch nổi tiếng như chuối sấy khô, việc xuất hiện làng hoa dưới chân núi Chứa Chan mỗi dịp Xuân về đã góp phần tô điểm thêm cho vẻ đẹp hoang sơ của vùng đất này; làm giàu thêm đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Khu tái định canh - định cư Trung Sơn. Làng hoa lay-ơn cũng là “điểm nhấn” thu hút các bạn trẻ địa phương, khách du lịch bốn phương đến núi Chứa Chan ghé qua tham quan, chụp hình lưu niệm và tìm hiểu đời sống văn hóa của người dân.

Theo anh Thái, trồng hoa lay-ơn vất vả nhất là công đoạn “vào đất”. Khi cây phát triển lá thứ 2, nhà vườn phải “vào đất” để khi tưới nước hoặc có gió không làm cây bị gãy đổ, hoa xấu. Cũng theo anh Thái, lay-ơn là loại hoa tươi lâu, bền màu nên được nhiều người chọn trưng Tết. Tuy nhiên, nếu dáng hoa không thẳng hoặc nở không đúng thời điểm thì chỉ dùng làm... thức ăn cho bò.

Trồng hoa lay-ơn được hơn 10 năm, anh Thái đã học được cách để “kìm” không cho hoa nở sớm. Đó là sử dụng đá lạnh để ướp hoa trong phòng kín. Theo đó, nếu như thời tiết nắng nhiều, nhà vườn đã hạn chế tưới nước nhưng hoa vẫn nở sớm thì phải nhổ hoa đưa vào phòng kín, dùng đá cây đặt xung quanh nhằm hạ nhiệt độ giúp hoa chậm nở được từ 3-7 ngày, giảm rủi ro.

Theo những người trồng hoa ở ấp Trung Sơn, nghề trồng hoa bán Tết ở đây đã có từ hơn 20 năm trước, khi đồng bào dân tộc Chơro về Khu tái định canh - định cư Trung Sơn, kết thúc hành trình du canh, du cư. Thời gian đầu, được sự vận động, hướng dẫn của chính quyền, người dân trồng hoa nhưng không nhiều và chuyên một loại hoa như hiện tại.

Anh Trần Văn Chương (ấp Trung Sơn) cho rằng, so với các loại cây trồng khác như rau, đậu, bắp, hoa lay-ơn cho thu nhập khá hơn nếu đầu ra thuận lợi, giá cả ổn định. Anh Chương dẫn chứng, 1 sào (1 ngàn m2) xuống giống khoảng 7 ngàn củ thì thu hoạch được khoảng 5,5 ngàn cây. Với giá bán trung bình
30-60 ngàn đồng/bó (10 cành), nhà vườn lãi trên dưới 40 triệu đồng trong 3 tháng canh tác. Anh Chương chuyên trồng lay-ơn đỏ vì cho rằng màu hoa này được người tiêu dùng chuộng vào dịp Tết và giá bán cũng cao hơn các màu khác.

“Mỗi hộ chỉ có vài sào đất vườn, giá cả các loại hoa màu lại không “ăn thua”, do đó người dân chỉ trông chờ vào vụ hoa Tết. May mắn hoa được mùa, được giá thì bà con phấn khởi, ăn Tết lớn” - anh Chương cho hay.

* Liên kết sản xuất và tiêu thụ

Vài năm trở lại đây, để tiết giảm chi phí và chủ động giống hoa, nhiều nhà vườn trồng hoa ở ấp Trung Sơn đã tự nhân giống hoa lay-ơn thay vì phải nhập từ tỉnh Lâm Đồng. “Chất lượng chưa bằng hàng hoa ở Lâm Đồng nhưng chúng tôi sẽ nghiên cứu để làm tốt hơn. Động lực là giống mình tự làm sẽ tiết kiệm được khoảng 1/3 chi phí” - một hộ chuyên trồng hoa giống chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Mạnh, Trưởng ấp Trung Sơn cho rằng, nghề trồng hoa bán Tết ở đây đang có nhiều tiềm năng phát triển trên diện tích đất lúa, tuy nhiên, đầu ra của hoa vẫn là vấn đề. Năm nào thương lái Hà Nội đưa xe đông lạnh vào gom hàng thì bà con phấn khởi, còn bán lẻ cho thương lái địa phương vừa bị ép giá vừa bị loại ra nhiều, lãi ít.

Ông Mạnh chia sẻ thêm, làng trồng hoa đã thành lập được tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ hoa. Tuy chưa tìm được đầu ra như mong muốn nhưng hiện tại, một số hộ đã đứng ra làm giống và bán lại cho bà con. Một số hộ có mối bán hàng lớn thì nhận bao tiêu đầu ra cho hộ khác. Ở làng hoa Trung Sơn cũng có một số nhà đầu tư kho lạnh. “Hy vọng là tổ hợp tác sẽ thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách chăm sóc, cách thu hoạch và tìm mối thu mua hoa cho bà con” - Trưởng ấp Trung Sơn nói.

Những năm gần đây, nhận thấy trồng hoa mang lại lợi nhuận cao, nhiều nông dân ở xã Xuân Trường đã mạnh dạn cải tạo đất lúa, tăng vụ trồng lay-ơn phục vụ thị trường Tết. Các hộ trồng hoa trước đây thay vì trồng với quy mô nhỏ, bán cho người dân địa phương, lợi nhuận kinh tế không cao, nay đã mở rộng vườn hoa, biết liên kết các hộ làm giống và đa dạng hóa các màu hoa, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hoa, làm kho lạnh để hạn chế hoa nở sớm nên diện tích hoa tăng đáng kể. Theo thống kê, ở ấp Trung Sơn hiện có khoảng 60 hộ trồng hoa lay-ơn với diện tích trên 60 hécta.

Với đồng bào dân tộc Chơro ở Khu tái định canh - định cư Trung Sơn, Tết là mùa được trông đợi nhất năm. Thời tiết mưa thuận gió hòa, hoa lay-ơn có giá, có đầu ra, người dân sẽ được đón Tết sung túc và yên tâm gắn bó với nghề.    

Lê An

Tin xem nhiều