Xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) trước kia là một trong những xã kinh tế khó khăn nhất tỉnh. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, tại địa phương đã xuất hiện nhiều tỷ phú nông nghiệp, lâm nghiệp.
Xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) trước kia là một trong những xã kinh tế khó khăn nhất tỉnh. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, tại địa phương đã xuất hiện nhiều tỷ phú nông nghiệp, lâm nghiệp.
Một triệu phú nông dân ở ấp 7, xã Thanh Sơn đang thu hoạch cam tại vườn cam 20 hécta. Ảnh: L.An |
Không chỉ làm giàu cho gia đình, những tỷ phú này còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và truyền cảm hứng lập nghiệp, làm giàu ở vùng sâu, vùng xa.
* Đất không bao giờ “thừa” với nông dân
Nổi tiếng trong giới làm nông ở xã Thanh Sơn hiện tại phải kể đến anh em ông Võ Văn Tùng và Võ Văn Tấn (ấp 7). Từ miền Tây sông nước lên vùng sâu, vùng xa của Đồng Nai lập nghiệp, hai anh em ông đã tạo dựng cơ nghiệp với giá trị hàng chục tỷ đồng.
Ông Võ Văn Tấn cho biết, đầu những năm 1990, hai anh em rời quê Long An lên huyện Định Quán. Ông chọn xã Thanh Sơn vì nơi đây đất còn rộng và rẻ hơn so với các vùng khác. Lúc đầu cả hai chỉ mua được 1,2 hécta đất để trồng tràm. Được vài năm, thấy trồng tràm không “ăn thua”, ông chuyển sang trồng mãng cầu dai, song lợi nhuận cũng không cao nên chuyển sang trồng quýt đường.
“Tôi thích có nhiều đất trồng cây này, cây kia. Thế nhưng, khi đất nhiều, sản phẩm làm ra số lượng lớn lại bị thương lái ép giá. Thấy vậy anh em chúng tôi bàn nhau liên kết với các hộ nông dân khác thành lập hợp tác xã. Bước đầu chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm làm nông nghiệp hiệu quả và hình thành vùng trồng cây ăn quả quy mô, thuận tiện cho tìm đầu ra ổn định. Tuy nhiên, hướng đi sắp tới của hợp tác xã là tìm đối tác để xuất bán trực tiếp và chế biến nông sản vì khi bán “non”, lợi nhuận rơi vào tay thương lái hết” - ông Tấn chia sẻ.
Hiện tại, ông Tấn và ông Tùng đều có trong tay hơn 40 hécta đất, doanh thu trung bình mỗi năm từng người khoảng 4 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chiếm 50%.
Với hơn 20 hécta cam quýt, 20 hécta chuối và gần 20 hécta tràm, ông Lê Quốc Việt (ấp 7) được coi là “đại gia” đất rẫy ở xã Thanh Sơn. Với ông Việt, đất đai không bao giờ là thừa với người nông dân. Nếu biết chọn hướng đi phù hợp, đất cằn cũng sẽ “nở hoa”.
Hơn 30 năm trước, ông Việt theo một người bà con đến xã Thanh Sơn. Khoảng 5 năm đầu ông làm công cho người ta. “Tôi khởi đầu bằng việc đi vay 1 cây vàng mua đất trồng 300 gốc quýt. Sau nhiều năm, vườn quýt cho “quả ngọt” và đem về doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm. Tôi không trả nợ ngay mà dùng tiền lời mở rộng diện tích, có thời điểm, tôi trồng hơn 30 hécta cam, quýt và trở thành hộ trồng cam, quýt lớn nhất xã” - ông Việt kể.
Để hạn chế rủi ro liên quan đến yếu tố mùa vụ và cũng để cải tạo đất, gần đây ông Việt chuyển sang trồng thêm chuối, mít, sầu riêng. Ngoài ra, ông Việt còn mở cửa hàng vật tư nông nghiệp, mở cửa hàng xăng dầu, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động. Doanh thu hằng năm của ông Việt khoảng 4 tỷ đồng.
* Sức sống mới cho xã nghèo
Xã nghèo Thanh Sơn ở thượng nguồn sông Đồng Nai hôm nay đang dần “thay da, đổi thịt”. Những tuyến đường nắng bụi mưa lầy được nâng cấp, sửa chữa khang trang, sạch đẹp; điện sinh hoạt cơ bản phủ khắp, những ngôi nhà cao tầng bề thế xuất hiện ngày càng nhiều.
Ông Lê Minh Tạo (ấp 1), một tỷ phú đã đóng góp không ít cho sự phát triển của xã Thanh Sơn chia sẻ, năm 1983, ông từ Tiền Giang đến đây lập nghiệp nhưng được 2 tháng là nản chí và có ý định về quê. Được anh em cùng hoàn cảnh động viên, giúp đỡ, ông quyết định bám trụ mảnh đất hoang sơ này, trồng cây và chăn nuôi. Sau nhiều năm lam lũ, đến nay, ông đã mua được nhà ở trung tâm thị trấn; sở hữu hơn 40 hécta đất để trồng tràm, mì, xoài, tiêu; nuôi hơn 200 còn bò, dê. Ngoài ra, ông còn nhận khoán trồng rừng, bảo vệ và phòng chống cháy rừng với diện tích khoảng 260 hécta.
“Hiện tôi đang tạo việc làm thường xuyên cho 50 người tại địa phương. Một số trường hợp quá nghèo được tôi tặng bò nay đã có cuộc sống tốt hơn. Năm 2018, tôi hỗ trợ 80 triệu đồng cùng chính quyền địa phương xây dựng căn nhà tình thương, đóng góp 70 triệu đồng làm đường giao thông và tặng quà tết cho hộ nghèo” - ông Tạo tâm sự.
Ông Nguyễn Thành Trung, Bí thư Ðảng ủy xã Thanh Sơn cho biết, Thanh Sơn là xã “đất rộng, người thưa” nhưng lại khá nghèo vì đường sá không thuận lợi; phần lớn là dân từ nơi khác đến lập nghiệp, không có vốn và không có “gan” làm giàu. Sau này, nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt hỗ trợ về hạ tầng giao thông, xã Thanh Sơn ngày một đổi khác. Nhiều hộ nông dân trên địa bàn mạnh dạn vay vốn thay đổi cây trồng, vật nuôi; huyện đưa cán bộ kỹ thuật nông nghiệp về tận xã hỗ trợ bà con. Cùng với đó, một số người làm nông nghiệp lâu năm ở các địa phương khác đến thuê, mua đất làm nông nghiệp đã chuyển giao kỹ thuật canh tác lại cho người dân địa phương. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp ở xã ngày càng phát triển, những triệu phú, tỷ phú nông nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, các triệu phú, tỷ phú trên địa bàn còn tích cực tham gia đóng góp xây dựng địa phương, giảm nghèo, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động. “Những triệu phú, tỷ phú nông nghiệp đã và đang góp phần tạo nên sức sống mới cho xã Thanh Sơn” - ông Trung chia sẻ.
Thanh Sơn là xã vùng sâu, vùng xa, nằm biệt lập giữa một bên là dòng sông Ðồng Nai và một bên giáp với Vườn quốc gia Cát Tiên. Trước đây, do điều kiện đi lại khó khăn, xã Thanh Sơn ít có cơ hội phát triển kinh tế - xã hội. Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, sự chung tay của chính quyền và nhân dân địa phương, cầu Thanh Sơn và nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn xã được xây dựng. Nhờ hạ tầng và chính sách phát triển đúng đắn của địa phương, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, số hộ có thu nhập khá tăng lên, hộ nghèo giảm bớt. Thống kê trên địa bàn xã hiện còn khoảng 250 hộ nghèo, giảm 3 lần so với 2 năm trước; hơn 30 hộ làm ăn hiệu quả, có lợi nhuận 500 triệu đồng/năm trở lên, trong đó khoảng 50% là tỷ phú với thu nhập 3-5 tỷ đồng. |
Lê An