Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiên phong xây dựng đô thị thông minh

04:12, 05/12/2019

Thời gian qua, TP.Biên Hòa đã sử dụng một số tiện ích từ các phần mềm trong quản lý như: ứng dụng quản lý đô thị trên điện thoại, thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại một số phường… Đây là bước khởi đầu cho quá trình hoàn thành hệ thống quản lý thông minh toàn thành phố trong thời gian tới.

Thời gian qua, TP.Biên Hòa đã sử dụng một số tiện ích từ các phần mềm trong quản lý như: ứng dụng quản lý đô thị trên điện thoại, thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại một số phường… Đây là bước khởi đầu cho quá trình hoàn thành hệ thống quản lý thông minh toàn thành phố trong thời gian tới.

Mô hình Trung tâm điều hành TP.Biên Hòa (Đồ họa: Hải Quân)
Mô hình Trung tâm điều hành TP.Biên Hòa (Đồ họa: Hải Quân)

Để tiến độ xây dựng thành phố thông minh được triển khai sớm và có sự vận hành tốt nhất, UBND TP.Biên Hòa vừa có văn bản kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận cho thành phố được triển khai đề án trên.

* Xây dựng chính quyền điện tử

Theo đánh giá của UBND TP.Biên Hòa, hiện thành phố đang ứng dụng công nghệ để theo dõi, trực tiếp quản lý, điều hành khá tốt. Hầu hết các tuyến đường nội bộ trong các khu dân cư của TP.Biên Hòa đều được triển khai lắp đặt camera giám sát nhằm theo dõi tình hình an ninh trật tự tại các địa bàn. Nhiều vụ án trộm cắp tài sản, truy tìm đối tượng phạm tội được khám phá nhanh một phần có sự hỗ trợ của hệ thống camera giám sát tại chỗ.

Đối với công tác cải cách hành chính, TP.Biên Hòa đã triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại để công khai và giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trực tuyến, giảm bớt thời gian, chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 hiện đang thí điểm khá tốt tại 5 phường nội ô của TP.Biên Hòa.

Từ những bước triển khai ban đầu này, có thể thấy được phần nào sự tiên phong trong xây dựng đô thị thông minh của TP.Biên Hòa, góp phần cải tạo, nâng cao chất lượng hoạt động và phục vụ của chính quyền địa phương các cấp.

Ông Nguyễn Văn Kỷ, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC (Công ty AIC), đơn vị đang tư vấn cho TP.Biên Hòa về xây dựng mô hình trung tâm điều hành của TP.Biên Hòa cho biết, Công ty AIC đưa ra các giải pháp đồng bộ cho thành phố về xây dựng khung kiến trúc đô thị thông minh, trung tâm điều hành để kết nối với tất cả các phòng, ban, các phường, xã trên nhiều lĩnh vực như: giao thông, du lịch, môi trường, chiếu sáng đô thị, giáo dục, quản lý đô thị...

Do đó, để triển khai đô thị thông minh, trước tiên TP.Biên Hòa phải xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng cơ sở dữ liệu, hệ thống số hóa, làm sạch và khai phá nội dung số, trang thiết bị. Sau khi các hạ tầng công nghệ hoàn thiện, TP.Biên Hòa sẽ kết nối từng phần các hệ thống nhỏ như camera giám sát ở các địa phương hoặc hệ thống chiếu sáng thông minh, giải quyết thủ tục hành chính, môi trường...

* Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành

Lợi ích của việc xây dựng thành phố thông minh được cho là rất lớn. Bởi nhờ đó có thể theo dõi, quan sát, dự báo tình hình vụ việc để có thể đưa ra những điều hành cụ thể. Với mô hình này, lãnh đạo thành phố cũng như các phòng, ban chuyên môn có thể theo dõi, kiểm soát tất cả các lĩnh vực để kịp thời đưa ra các chỉ đạo phù hợp...

Bên cạnh hỗ trợ lãnh đạo UBND thành phố cũng như các ngành chức năng trong công tác giám sát, điều hành, các ứng dụng đô thị thông minh còn là công cụ phát huy được sức mạnh toàn dân. Với những phần mềm kết nối trên điện thoại thông minh như: phần mềm phản ánh nhanh các vụ việc liên quan đến trật tự đô thị, môi trường, an toàn giao thông…, người dân cũng sẽ trở thành cánh tay đắc lực cho các cơ quan quản lý trong việc giám sát, điểm báo kịp thời tình hình an ninh trật tự địa phương.

Ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, hiện thành phố đang đề nghị phía Công ty AIC sớm xây dựng kế hoạch, báo cáo về đầu tư xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh và xác định rõ lộ trình thực hiện đề án. Trên cơ sở đó, UBND thành phố sẽ xin ý kiến của UBND tỉnh và HĐND thành phố về chủ trương cũng như kinh phí để thực hiện đề án.

Bên cạnh đó, hiện nay các phòng, ban chuyên môn của UBND TP.Biên Hòa như: Phòng Văn hóa - thông tin, Ban quản lý dự án TP.Biên Hòa và các phường, xã phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện mô hình đô thị thông minh không chỉ giúp thành phố giảm áp lực về một số vấn đề như: giám sát tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông... tại địa phương mà còn là sự thích ứng kịp thời với sự phát triển của thời đại công nghệ 4.0.

Ông Phạm Anh Dũng cho biết thêm, sau khi có chủ trương chấp thuận của tỉnh, thành phố sẽ triển khai thực hiện đô thị thông minh từng bước theo lộ trình đến năm 2020. Trước mắt, thành phố sẽ triển khai các phần mềm phục vụ cho công tác điều hành của thành phố như: phần mềm xử lý văn bản, camera giám sát... Dự kiến, hệ thống điều hành thành phố thông minh sẽ được tích hợp, hoàn thiện sau khi hoàn thành Trung tâm hành chính công TP.Biên Hòa.

Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ đã nêu rõ mục tiêu phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam nhằm hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên con người, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chính phủ cũng yêu cầu trong giai đoạn 2018-2025, các bộ, ngành, tỉnh, thành phải ưu tiên quy hoạch đô thị thông minh; xây dựng và quản lý đô thị thông minh; cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với cơ sở nền tảng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích