Là một trong 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao của huyện Thống Nhất, ít ai biết rằng, Xuân Thiện vốn là xã đặc biệt khó khăn, thuộc chương trình 135 của Chính phủ (chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa), vị trí giao thông không thuận lợi.
Là một trong 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao của huyện Thống Nhất, ít ai biết rằng, Xuân Thiện vốn là xã đặc biệt khó khăn, thuộc chương trình 135 của Chính phủ (chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa), vị trí giao thông không thuận lợi.
100% tuyến đường nông thôn tại xã Xuân Thiện được nâng cấp, sửa chữa sạch - đẹp. Ảnh: M.Quân |
Tuy nhiên, những năm qua Xuân Thiện đã về đích NTM trước kế hoạch 5 năm, thay đổi hoàn toàn diện mạo địa phương, xuất hiện nhiều nông dân sản xuất giỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng cao.
* Đổi thay Xuân Thiện
Cách quốc lộ 20 khoảng 10km, xã Xuân Thiện lọt thỏm giữa bốn bề rừng cao su, diện tích đất cao su ở Xuân Thiện chiếm 60% tổng diện tích tự nhiên của xã (1,8 ngàn/3,2 ngàn ha). Xuân Thiện cũng là xã có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm gần 20% tổng dân số của xã (447/2,7 ngàn hộ). Đời sống của bà con nông dân chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi.
Xã Xuân Thiện hiện có khoảng 1 ngàn ha diện tích trồng cây lâu năm. Trong đó, một số loại cây trồng chủ lực của xã là chôm chôm (390 ha), sầu riêng (34 ha) và một số loại cây khác như: bưởi, mít… Về chăn nuôi, Xuân Thiện hiện có 2 THT chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian qua, xã cũng đã có kế hoạch triển khai quy hoạch sản xuất nông nghiệp với các vùng sản xuất tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, tăng năng suất giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương. |
Ông Trịnh Đình Tâm, Chủ tịch UBND xã Xuân Thiện cho biết, trước khi xây dựng NTM, Xuân Thiện còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục. Để đi đến các xã khác hoặc ra trung tâm huyện phải mất khá nhiều thời gian vì đường giao thông rất xấu, nắng bụi mưa lầy. Những khó khăn này khiến bà con nông dân bị ảnh hưởng khá nhiều về kinh tế trong vấn đề vận chuyển, giá bán các mặt hàng nông sản không cao. “Thời điểm đó hầu hết nông sản bà con làm ra đều được thương lái vào tận nơi thu mua, vận chuyển. Tuy nhiên, do đường sá khó khăn nên giá nông sản của bà con luôn phải bán thấp hơn thị trường chung khá nhiều và thương lái hoàn toàn quyết định chuyện này. Nay giao thông thuận tiện, bà con được tự do quyết định sản phẩm của mình, thu nhập cao hơn, bộ mặt nông thôn nay đã hoàn toàn khác” - ông Tâm chia sẻ.
Với những nỗ lực xây dựng và phát triển địa phương, năm 2015 Xuân Thiện đạt chuẩn NTM và đến năm 2019 vừa qua xã cũng hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao. Theo đó, các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại - dịch vụ…phát triển đồng bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, trình độ dân trí, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên.
* Nông dân làm kinh tế hiệu quả
Cùng với sự phát triển chung về cơ sở hạ tầng nông thôn, nông dân xã Xuân Thiện những năm gần đây cũng có những bước tiến dài trong việc chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả. Theo đó, nhiều nông dân sản xuất giỏi của địa phương được bà con trong vùng biết đến và học hỏi kinh nghiệm.
Việc thắp đèn, treo giấy màu bắt côn trùng được ông Đoàn Ngọc Thạnh áp dụng tại vườn bưởi sạch. Ảnh: M.Quân |
Ông Đoàn Ngọc Thạnh (ấp Tín Nghĩa, xã Xuân Thiện), nông dân trồng bưởi sạch nổi tiếng tại địa phương hơn 20 năm nay, cũng là một trong những người áp dụng thành công khoa học kỹ thuật vào sản xuất, được nhiều bà con trong vùng học hỏi kinh nghiệm. Ông Thạnh chia sẻ, những lớp tập huấn cho bà con nông dân về kiến thức trong sản xuất từ các nhà khoa học, kỹ sư nông nghiệp được chính quyền địa phương tổ chức đã góp phần không nhỏ thay đổi nhận thức của nông dân trong quá trình sản xuất. Bản thân ông Thạnh cũng đã thành công với phương pháp diệt côn trùng, sâu rầy bằng đèn và treo bảng màu trong vườn. Với phương thức này, ông Thạnh không phải dùng thuốc, hóa chất để xử lý vừa tốn kém lại ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân. Với tiếng vang trong sản xuất sạch nên vào vụ thu hoạch, bưởi trong vườn của ông Thạnh luôn bán hết trước những vườn bưởi khác trong vùng.
Hoặc như điển hình người dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp là ông Thổ Khuyển (ấp Tín Nghĩa), đã chuyển đổi hơn 1 ha cây chôm chôm năng suất thấp sang trồng ca cao. Để tiêu thụ sản phẩm của mình, ông Khuyển đã hợp tác với một doanh nghiệp sản xuất ca cao bao tiêu cung cấp giống và mua sản phẩm của mình. Với sự liên kết này, thu nhập hằng tháng của gia đình ông ổn định, không phải lo tìm đầu ra cho nông sản.
Ngoài ra, Xuân Thiện hiện có 2 HTX và 5 tổ hợp tác (THT) hoạt động hiệu quả. Trong đó, HTX nông nghiệp Vườn Xanh đã liên kết với các hộ dân, ký kết bao tiêu nông sản cho nông dân. Tổng sản lượng nông sản mà HTX tiêu thụ cho nông dân khoảng 3 ngàn tấn, trong đó chủ yếu là chôm chôm và sầu riêng, đạt 50% tổng sản lượng cây chủ lực của toàn xã.
Ông Trịnh Đình Tâm, Chủ tịch UBND xã Xuân Thiện cho biết, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục giữ vững những tiêu chí về NTM nâng cao vừa đạt được, đồng thời tăng cường áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia kinh tế tập thể để tăng chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã, nhằm nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Minh Quân