Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ khó cho các cụm công nghiệp

10:02, 14/02/2020

Huyện Vĩnh Cửu là địa phương có nhiều cụm công nghiệp (CCN) nhất trên địa bàn tỉnh (6 CCN) và 1 cụm nghề nhưng nhiều năm nay, việc thúc đẩy phát triển các CCN còn gặp khó khăn do vướng các vấn đề về nhà đầu tư hạ tầng, các thủ tục cũng như công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng...

Huyện Vĩnh Cửu là địa phương có nhiều cụm công nghiệp (CCN) nhất trên địa bàn tỉnh (6 CCN) và 1 cụm nghề nhưng nhiều năm nay, việc thúc đẩy phát triển các CCN còn gặp khó khăn do vướng các vấn đề về nhà đầu tư hạ tầng, các thủ tục cũng như công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng...

Cụm CN ngành gỗ tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu đang được xây dựng hạ tầng. Ảnh:N.Liên
Cụm CN ngành gỗ tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu đang được xây dựng hạ tầng. Ảnh:N.Liên

Để gỡ khó cho các CCN, huyện Vĩnh Cửu đang tập trung đề xuất các giải pháp cũng như kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng có năng lực tham gia xây dựng, phát triển CCN; đồng thời cùng các cơ quan chức năng tháo gỡ một số vướng mắc về thủ tục hành chính đối với các CCN.

* Nhiều dự án “nằm chờ”

Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Vĩnh Cửu cho biết, 6 CCN trên địa bàn huyện đều được UBND tỉnh phê duyệt trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có CCN nào đi vào hoạt động, bảo đảm các tiêu chí của CCN theo quy định.

6 CCN và 1 cụm nghề trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu bao gồm: CCN Thạnh Phú - Thiện Tân (diện tích 96,65 hécta), CCN Thiện Tân (48,82 hécta), CCN vật liệu xây dựng Tân An (50,1 hécta), CCN Trị An (48,7 hécta), CCN Vĩnh Tân (gần 50 hécta), CCN Tân An và Cụm nghề đúc gang tại xã Tân An (4,82 hécta).

Sự chậm trễ này ảnh hưởng không ít đến việc quản lý đất đai của địa phương, nhất là những hộ dân có đất nằm trong vùng quy hoạch CCN luôn thấp thỏm, không dám mạnh dạn đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, cũng có CCN hình thành sau khi các doanh nghiệp sản xuất đã đầu tư xây dựng nhà máy từ nhiều năm trước dẫn đến khó khăn trong thu hút nhà đầu tư hạ tầng, đó cũng là một trong những khó khăn không nhỏ cho xây dựng CCN.

Điển hình như CCN Thạnh Phú - Thiện Tân được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch từ năm 2013 với diện tích trên 96 hécta. CCN này hiện đã có 42 doanh nghiệp đăng ký đầu tư sản xuất kinh doanh với diện tích khoảng 73 hécta, cơ bản lấp đầy phần diện tích đất dành cho công nghiệp. Do đó, việc mời gọi nhà đầu tư hạ tầng gặp nhiều khó khăn do các chủ đầu tư hạ tầng tính toán không có lợi nhuận khi đầu tư. Mặc dù được UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án huyện làm chủ đầu tư hạ tầng CCN Thạnh Phú - Thiện Tân, nhưng do đây là đơn vị sự nghiệp công lập, không có nguồn vốn, nên phải thực hiện việc đầu tư hạ tầng bằng hình thức xã hội hóa, tuy nhiên tổng mức đầu tư hạ tầng của CCN này rất lớn (khoảng 180 tỷ đồng), trong khi các doanh nghiệp cũng đang cần nguồn vốn để đầu tư sản xuất, nên việc đóng góp gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, CCN Trị An (có diện tích 48,7 hécta) cũng được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng từ năm 2008. Đến năm 2016, UBND tỉnh giao cho một doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay thời hiệu thỏa thuận địa điểm đã hết nhưng chủ đầu tư không triển khai được bất cứ hạng mục nào, làm chậm tiến độ, ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư trên địa bàn, đồng thời gây khó khăn trong sản xuất cho người dân có đất quy hoạch trong CCN.

* Hỗ trợ CCN phát triển

Các dự án CCN “nằm chờ” nhiều năm nay gây khó khăn không ít cho người dân và chính quyền địa phương, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá đất thị trường liên tục tăng, chính quyền địa phương gặp khó khăn trong công tác quản lý đất đai.

Ông Phạm Văn Nam, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân cho biết, xã Vĩnh Tân có CCN Vĩnh Tân được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ” do liên quan đến công tác bồi thường, cấp chủ trương đầu tư. Do dự án kéo dài nhiều năm nên công tác quản lý đất đai tại địa phương gặp áp lực. Ông Nam chia sẻ, chính quyền địa phương cũng như bà con có đất nằm trong quy hoạch mong dự án CCN sớm được triển khai để tạo việc làm cho người dân, những hộ có đất trong dự án sớm được ổn định cuộc sống mới.

Ông Lê Quang Hiển, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Vĩnh Cửu cho biết, các CCN khác cũng đang được huyện phối hợp với ngành chức năng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện. Trong đó, huyện đang mời gọi một số doanh nghiệp khảo sát và có văn bản đề nghị đầu tư. Tuy nhiên, để tránh gặp phải nhà đầu tư không đủ năng lực, UBND huyện đang xem xét, lựa chọn, trong thời gian tới sẽ có văn bản đề xuất Tổng công ty Tín Nghĩa (một trong những doanh nghiệp được mời gọi) làm chủ đầu tư do đây là doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm và đủ năng lực để thực hiện dự án.

Để giải bài toán cho CCN Thạnh Phú - Thiện Tân sớm đi vào hoạt động theo đúng quy hoạch, UBND huyện đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án huyện thực hiện đầu tư hạ tầng theo từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư con đường trục chính trong CCN, đồng thời  kiến nghị các sở, ngành đề xuất UBND tỉnh xem xét cho chủ đầu tư ứng trước kinh phí hỗ trợ đầu tư hạ tầng hoặc cho vay từ quỹ đầu tư, phát triển của tỉnh để thực hiện dự án (sẽ thu lại từ các doanh nghiệp để hoàn trả dần). Đa số các doanh nghiệp thống nhất phương án vận động mức đóng góp do Ban Quản lý dự án huyện Vĩnh Cửu xây dựng, dự kiến trong quý II-2020 sẽ khởi công xây dựng.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều