Báo Đồng Nai điện tử
En

Vùng đặc sản củ sắn

10:03, 12/03/2020

Với hơn 1,3 ngàn ha, H.Cẩm Mỹ là địa phương có diện tích cây củ sắn (còn được gọi là củ đậu) lớn nhất tỉnh. Từ chỗ trồng tự phát, củ sắn đã trở thành sản phẩm mang lại thu nhập đáng kể cho bà con nông dân.

Với hơn 1,3 ngàn ha, H.Cẩm Mỹ là địa phương có diện tích cây củ sắn (còn được gọi là củ đậu) lớn nhất tỉnh. Từ chỗ trồng tự phát, củ sắn đã trở thành sản phẩm mang lại thu nhập đáng kể cho bà con nông dân.

Nông dân xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ cắt, tỉa ngọn cây củ sắn
Nông dân xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ cắt, tỉa ngọn cây củ sắn

Cùng với sầu riêng sạch, củ sắn đang trở thành đặc sản của địa phương. Củ sắn được trồng nhiều tại các xã Xuân Tây, Xuân Đông, Sông Ray...

* Cây trồng cho thu nhập cao

Ông Trần Văn Hoằng, ấp 5, xã Xuân Tây, có thâm niên trồng củ sắn hơn 10 năm. Với ông, củ sắn cho thu nhập tốt hơn các loại hoa màu khác. Bởi củ sắn là mặt hàng tiêu thụ trong nước, do đó ít bị tác động giá cả hơn so với các mặt hàng nông sản xuất khẩu trong điều kiện có dịch bệnh, dội hàng.

“Tôi có gần 1ha đất, mỗi năm tôi trồng 2 vụ bắp để bán thân cây và 1 vụ củ sắn, thu nhập khá ổn” - ông Hoằng nói. Theo ông Hoằng, 1ha củ sắn đạt năng suất trung bình 80-100 tấn củ. Với giá bán 2,5 ngàn đồng/kg nông dân hòa vốn, trường hợp bán được giá 5 ngàn đồng/kg, người nông dân thu lời 300-400 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng lúa, hoa màu.

Theo ông Trần Há, ấp 5, xã Xuân Tây, để năng suất củ sắn đạt trên 100 tấn/ha thì khâu làm đất cực kỳ quan trọng, đất phải được lên luống cao khoảng 30cm, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp là rơm rạ, thân cây đậu phộng, thân cây bắp để làm luống tạo độ tơi xốp cho đất. Bên cạnh đó, quá trình cây sinh trưởng phải được cung cấp đủ nước, cắt ngọn thường xuyên. Cũng theo ông Há, chi phí đầu tư cho 1ha củ sắn vào khoảng 80-100 triệu đồng. Thời gian từ xuống giống đến thu hoạch là 3,5-4 tháng.

Đưa chúng tôi đi thăm vùng trồng củ sắn trên địa bàn, ông Trần Anh, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Tây cho biết, những năm trước đây bà con nông dân trồng lúa, nhưng do thiếu nước sản xuất nên các loại cây nông nghiệp khác như: đậu, bắp, rau được trồng thay thế. “Khoảng năm 2010, cây củ sắn bắt đầu được trồng thử nghiệm trên cánh đồng lúa. Thời gian đầu bà con tự trồng, tự chăm sóc, năng suất không bằng hiện tại nhưng cho hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác nên xã có chủ trương mở rộng diện tích cây củ sắn” - ông Anh chia sẻ.

Từ vài ha trồng thử nghiệm, đến nay, xã Xuân Tây trở thành địa phương có diện tích cây củ sắn lớn nhất huyện, gần 200ha, hộ trồng nhiều 3-4ha, hộ ít vài sào. Việc chuyển đổi cây củ sắn đã giải quyết được nhu cầu việc làm tại chỗ của nhân dân, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Đình Hải, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Tây cho biết, vài năm trở lại đây, diện tích cây củ sắn trên địa bàn xã tăng nhanh, trung bình mỗi năm tăng 20-30ha. Củ sắn là cây ngắn ngày, dễ trồng, cho thu nhập khá nên người nông dân thường trồng luân phiên 2 vụ củ sắn xen 1 vụ cây trồng khác/năm.

* Tính đường dài cho đặc sản

Từ hiệu quả kinh tế cây củ sắn mang lại, UBND H.Cẩm Mỹ đang có kế hoạch xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lớn cũng như tìm đầu ra ổn định cho loại cây trồng này tại các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh. Cùng với cây bắp, hoa màu, củ sắn được xác định là một trong những loại cây trồng chính trong công thức luân canh ở nhiều xã.

Nông dân xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ thu hoạch củ sắn
Nông dân xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ thu hoạch củ sắn

Theo Trạm Bảo vệ thực vật H.Cẩm Mỹ, ưu điểm của cây củ sắn là dễ trồng, ít sâu bệnh, ít phải chăm sóc và có thể trồng được nhiều vụ trong năm. Củ sắn hiện được trồng nhiều ở nơi bà con chủ động được nguồn nước tưới từ giếng khoan. Ngoài ra, cây củ sắn cần lượng phân bón ít, chủ yếu bón phân chuồng, đến giai đoạn cây làm củ bón thêm đạm để tăng chất dinh dưỡng trong đất, giúp cây phát triển mạnh, cho củ to.

Ông Trần Anh cho rằng, để ổn định diện tích, ổn định giá cả, Hội Nông dân huyện khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích trồng mới, luân phiên cây trồng và phân chia thời gian xuống giống hợp lý để cải thiện năng suất và hạn chế tình trạng thu hoạch đồng loạt, dễ dẫn đến dội hàng, ùn ứ trong một thời gian ngắn.

Cũng theo ông Anh, hiện tại, củ sắn đến kỳ thu hoạch là thương lái ở nhiều nơi về tận ruộng thu mua. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để người trồng củ sắn an tâm sản xuất. Tuy nhiên, để củ sắn trở thành mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, bà con nông dân phải kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm. Các tổ hợp tác thay vì để thương lái vào tận vườn, thu mua lẻ của từng hộ dân, mỗi ngày mua một giá thì nên đặt vấn đề bao tiêu số lượng thu hoạch mỗi ngày, bao tiêu giá cho cả vụ với thương lái. Đưa ra kế hoạch thời gian xuống giống cho từng khu vực, hướng dẫn bà con sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu sinh học theo khuyến cáo; xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm củ sắn tại H.Cẩm Mỹ. Như vậy, người trồng sẽ hào hứng hơn trong việc liên kết sản xuất loại đặc sản này.

Bài, ảnh: Hoàng Lộc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích