Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất

10:07, 15/07/2020

Cẩm Mỹ là một huyện thuần nông. Vài năm trở lại đây, các mô hình liên kết trong sản xuất được địa phương ưu tiên phát triển nhằm thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Cẩm Mỹ là một huyện thuần nông. Vài năm trở lại đây, các mô hình liên kết trong sản xuất được địa phương ưu tiên phát triển nhằm thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

Nông dân H.Cẩm Mỹ chăm sóc cà phê. Ảnh: Hoàng Lộc
Nông dân H.Cẩm Mỹ chăm sóc cà phê. Ảnh: Hoàng Lộc

* Đa dạng các mô hình

Theo đánh giá của UBND H.Cẩm Mỹ, những năm gần đây, kinh tế nông nghiệp của địa phương có bước phát triển mạnh mẽ. Các chuỗi liên kết cây, con chủ lực dần hình thành và không ngừng tăng cả về số lượng và diện tích.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương được ưu tiên mở rộng. Huyện đã hình thành các vùng chuyên canh, cánh đồng lớn, chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như: cánh đồng lớn cây cà phê 4C tại các xã Xuân Quế và Xuân Tây; cánh đồng lớn cây bắp làm thức ăn chăn nuôi tại xã Xuân Đông; cánh đồng lớn sầu riêng tại xã Nhân Nghĩa; cánh đồng lớn cây tiêu tại các xã: Lâm San, Sông Ray, Xuân Đông.

Tính đến cuối tháng 6-2020, trên địa bàn H.Cẩm Mỹ có 25 HTX, 173 tổ hợp tác hoạt động trên các lĩnh vực cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp; dịch vụ vệ sinh môi trường; dịch vụ nước sạch nông thôn; thu mua rau an toàn, thu mua nông sản; chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài 4 dự án liên kết lớn trên cây cà phê, cây tiêu, sầu riêng và cây bắp, nhiều chuỗi liên kết mới đang hình thành và không ngừng phát triển như: chuỗi trồng và cung ứng sản phẩm dâu - tằm - tơ, chuỗi cung ứng rau sạch cho các HTX, chuỗi trồng lúa sạch…

Về lĩnh vực chăn nuôi, H.Cẩm Mỹ trở thành địa phương dẫn đầu về chăn nuôi trang trại và thứ hai về tổng đàn heo toàn tỉnh. Đến nay, đã có 155 dự án trang trại chăn nuôi và 4 cơ sở giết mổ tập trung được phê duyệt, đa phần các trang trại chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn sinh học.

Có thể thấy, các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản tại H.Cẩm Mỹ hiện khá đa dạng từ chăn nuôi đến trồng trọt, trong đó có những chuỗi liên kết đã xuất khẩu được nông sản đến các thị trường “khó tính”. Điển hình là HTX Hồ tiêu Lâm San đã tiên phong phát triển tiêu hữu cơ và trở thành HTX đầu tiên ở Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu vào các nước châu Âu; HTX Đông Tây phát triển vùng trồng cây bắp, sơ chế và xuất khẩu sang Hàn Quốc làm thức ăn cho gia súc.

Chỉ ra lợi ích cho nông dân khi tham gia chuỗi liên kết, Giám đốc HTX Hồ tiêu Lâm San Nguyễn Ngọc Luân cho rằng, nếu không có liên kết sản xuất sẽ không có chuyện nông dân ở huyện nghèo Cẩm Mỹ xuất khẩu hạt tiêu sang Đức, Hà Lan và nhiều quốc gia châu Âu khác. Chính liên kết sản xuất tập trung, tuân thủ quy trình sản xuất sạch và tiếp cận thị trường có kế hoạch đã giúp cho hạt tiêu của Đồng Nai “chen chân” được vào các thị trường lớn. Cũng theo ông Luân, để tham gia vào các sân chơi lớn, những hộ sản xuất riêng lẻ phải liên kết, đảm bảo số lượng, chất lượng sản phẩm. Chính vì điều này, thời gian qua, mặc cho giá tiêu trong nước lên xuống thất thường nhưng hồ tiêu của HTX luôn sẵn sàng “xuất ngoại” với giá ổn định.

Ông Bùi Trung Vinh Phước, Giám đốc HTX Đông Tây cũng cho rằng, nhờ quy hoạch phát triển cánh đồng lớn cây bắp của địa phương, HTX đã liên kết với nông dân phát triển vùng nguyên liệu sạch, đầu tư máy móc sơ chế cây bắp thành thức ăn chăn nuôi gia súc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

* Bền vững trong liên kết

Đánh giá về các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Nguyễn Văn Thắng cho rằng, các mô hình liên kết từ tổ hợp tác, HTX, đến các dự án nông nghiệp lớn hơn ngày càng tăng về số lượng và hoạt động hiệu quả hơn. Thông qua các hình thức xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, mô hình đã giúp các thành viên nâng cao nguồn thu, giải quyết việc làm cho một bộ phận nông dân, từng bước đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tính đến nay, giá trị sản phẩm trên 1ha diện tích trồng trọt đạt 170 triệu đồng/năm, tăng 1,54 lần so với năm 2015.

Để các mô hình, chuỗi liên kết không bị manh mún, đứt gãy, lãnh đạo huyện cho rằng, thay vì xây dựng các chuỗi giá trị thông thường, các doanh nghiệp, HTX đang chú trọng xây dựng chuỗi giá trị theo hướng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các khâu, từ sản xuất ban đầu đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc. Huyện cũng đang tổ chức đánh giá lại tính hiệu quả của từng mô hình liên kết, các dự án quy mô nhỏ, không hiệu quả hoặc không còn phù hợp huyện xin đưa ra khỏi quy hoạch.

Việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là cần thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại mang lại giá trị tăng cao. Trong quy hoạch phát triển 5 năm tới, H.Cẩm Mỹ xác định, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển HTX, kinh tế hợp tác. Cùng với đó là hỗ trợ, tạo điều kiện để hình thành các vùng trọng điểm cây trồng, vật nuôi, cánh đồng lớn theo hướng chuyên canh, chuyên môn hóa cao gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, công nghiệp sạch; tổ chức lại các HTX, tổ hợp tác để làm đầu mối kết nối với các doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều