Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển nông nghiệp chất lượng cao

11:08, 19/08/2020

Từ một huyện vùng xa có xuất phát điểm thấp với những rào cản về tập quán sản xuất không đồng nhất, dẫn đến sản xuất hàng hóa lớn, phát triển công nghiệp, dịch vụ cũng như năng lực cạnh tranh của các mặt hàng hóa nông sản còn nhiều hạn chế, đến nay, H.Tân Phú đã trở thành huyện có những bước đột phá, hướng tới phát triển nông nghiệp, dịch vụ chất lượng cao.

Từ một huyện vùng xa có xuất phát điểm thấp với những rào cản về tập quán sản xuất không đồng nhất, dẫn đến sản xuất hàng hóa lớn, phát triển công nghiệp, dịch vụ cũng như năng lực cạnh tranh của các mặt hàng hóa nông sản còn nhiều hạn chế, đến nay, H.Tân Phú đã trở thành huyện có những bước đột phá, hướng tới phát triển nông nghiệp, dịch vụ chất lượng cao.

Mô hình trồng dừa xiêm lùn là một trong những sản phẩm có chất lượng và cho thu nhập ổn định trên địa bàn H.Tân Phú. Ảnh: N.Liên
Mô hình trồng dừa xiêm lùn là một trong những sản phẩm có chất lượng và cho thu nhập ổn định trên địa bàn H.Tân Phú. Ảnh: N.Liên

Hiện tại, H.Tân Phú đã có những vùng chuyên canh có giá trị kinh tế cao, tạo được thị trường tiêu thụ. Nông dân có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa nông dân, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước đã tạo điều kiện để nông dân được chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng, tạo được nhiều sản phẩm ghi dấu ấn trên thị trường.

* Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng

Những năm gần đây, nông nghiệp H.Tân Phú đã có sự chuyển biến rõ nét. Cơ cấu cây trồng có sự chuyển đổi gắn với xu hướng tiêu thụ trên thị trường. Những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, bưởi, mít, dừa xiêm lùn… có sự tăng nhanh về diện tích, được trồng chủ yếu tại các xã Tà Lài, Phú Lộc, Phú Thịnh, Núi Tượng, Trà Cổ, Phú An…

Nhiều loại cây trồng truyền thống trước đó như tiêu, cà phê, điều dần được giảm diện tích và chuyển đổi giống có năng suất cao hơn. Đặc biệt, H.Tân Phú cũng là một trong những vùng có diện tích trồng lúa lớn của tỉnh với những cánh đồng mẫu lớn được tập trung tại một số xã như: Phú Điền, Phú Thanh, Phú Bình, Đắc Lua…

Một số mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn H.Tân Phú gồm: Mô hình cây có múi VietGAP đối với cây bưởi, diện tích đạt chứng nhận 46ha, sản lượng 920 tấn/năm tại các xã Phú Lộc, Tà Lài. Mô hình sầu riêng VietGAP có diện tích 73ha, sản lượng trên 1,2 ngàn tấn/năm tại xã Phú An. Mô hình dừa xiêm lùn VietGAP có diện tích đạt chuẩn 15ha, sản lượng trên 1,2 triệu trái/năm, tại xã Phú Thịnh. Mô hình tôm càng xanh VietGAP có diện tích 29ha, sản lượng 150 tấn/năm tại xã Trà Cổ…

Ông Nguyễn Hải Đăng, nông dân trồng bưởi tại xã Tà Lài cho biết, vườn bưởi 1,3ha của gia đình ông được công nhận đạt chuẩn VietGAP từ 3 năm nay, có chất lượng sản phẩm ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao. Sản phẩm bưởi của ông Đăng cũng như hơn 130ha bưởi trên địa bàn xã đang được trồng theo hướng sản xuất sạch, được các cửa hàng tiện ích, siêu thị, thương lái đánh giá cao về chất lượng. Theo ông Đăng, để có được thành quả như hôm nay là nhờ sự hỗ trợ, tư vấn về lựa chọn giống năng suất cao cũng như hướng dẫn cách chăm sóc theo hướng sản xuất sạch, đạt chuẩn VietGAP từ các cơ quan chuyên môn nên các sản phẩm không còn lo về đầu ra như trước đây.

Hay như vài năm trở lại đây, H.Tân Phú xuất hiện một vùng chuyên canh loại cây mới là giống dừa xiêm lùn. Với diện tích khoảng 100ha trên địa bàn huyện, trong đó khoảng 15ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm dừa xiêm lùn của Tân Phú được đón nhận và có đánh giá tốt từ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Ông Lê Thành Vũ (xã Phú Thịnh), người tiên phong trồng dừa xiêm lùn cho biết, hiện sản phẩm dừa xiêm lùn khá “hút hàng” trên thị trường, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Bắc Giang... “Qua thăm dò ý kiến khách hàng, nhiều người đánh giá cao về chất lượng sản phẩm dừa xiêm lùn của chúng tôi. Hiện nay có khá nhiều bà con trên địa bàn huyện cũng như một số địa phương lân cận đặt mua cây giống do tôi cung cấp. Ngoài hơn 100ha trên địa bàn huyện, một số nhà vườn của H.Định Quán, các tỉnh khác cũng đã hình thành những vườn dừa năng suất cao. Tôi hy vọng sẽ có nhiều nông dân có cơ hội phát triển kinh tế gia đình từ mô hình trồng dừa xiêm lùn vì đây là loại cây khá dễ trồng, phù hợp với mọi loại đất” - ông Vũ chia sẻ.

* Tăng chất lượng cho nông sản

Ghi nhận từ Phòng NN-PTNT H.Tân Phú, hiện nay, các mô hình ứng dụng công nghệ cao (tưới tự động, trồng rau sạch trong nhà lưới, trồng rau thủy canh...), quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP được huyện quan tâm, đôn đốc bà con thực hiện. Bên cạnh đó, công tác cải tạo giống cây trồng, vật nuôi luôn được cập nhật đến người dân. Đến nay, phần lớn các loại cây trồng chủ lực của huyện đã thực hiện việc thay thế giống cũ năng suất, chất lượng thấp sang sản xuất giống mới có năng suất, chất lượng và giá trị cao như: bưởi da xanh, sầu riêng hạt lép (95%); cà phê TR4, TR9...; điều ghép cao sản; các giống lúa mới, bắp lai...

Chia sẻ về hướng phát triển nông nghiệp của H.Tân Phú trong thời gian tới, Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Ký cho biết, thời gian tới, H.Tân Phú tiếp tục phát triển vùng chuyên canh, tập trung cây trồng, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Đây là mục tiêu quan trọng góp phần định hình rõ nét và tạo hướng đi tích cực cho nông nghiệp của huyện phát triển ổn định, bền vững.

Để thực hiện có hiệu quả những mục tiêu trên, ông Ký cho rằng, huyện sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng chất lượng nông sản, bảo đảm an toàn trong quy trình sản xuất, áp dụng tối đa các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình canh tác, sản xuất sản phẩm, nhằm tạo thương hiệu cho các nông sản chủ lực của huyện. Bên cạnh đó, huyện sẽ tập trung xây dựng, hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích