Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều ưu đãi cho dự án nông nghiệp công nghệ cao

10:06, 09/06/2021

Với quyết tâm trở thành một trong những huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước và là nơi sản xuất, phân phối và chế biến nông sản hàng đầu của tỉnh, H.Xuân Lộc đang thực hiện nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi cho nhà đầu tư triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản…

Với quyết tâm trở thành một trong những huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước và là nơi sản xuất, phân phối và chế biến nông sản hàng đầu của tỉnh, H.Xuân Lộc đang thực hiện nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi cho nhà đầu tư triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản…

Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Viên Hồng Tiến (phải) tham quan mô hình sản xuất xoài tiêu chuẩn GAP của nông dân. Ảnh: H.Lộc
Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Viên Hồng Tiến (phải) tham quan mô hình sản xuất xoài tiêu chuẩn GAP của nông dân. Ảnh: H.Lộc

Tất cả đều nhằm mục đích nâng cao giá trị gia tăng trong tiêu thụ nông sản cho người dân, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

* Nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư

Những năm gần đây, nông nghiệp của H.Xuân Lộc không ngừng phát triển và trở thành lĩnh vực thế mạnh thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện. Huyện đã hình thành và phát triển vùng chăn nuôi heo tập trung quy mô lớn nhất tỉnh. Vùng chuyên canh cây trồng quy mô từ vài trăm đến hơn 1 ngàn ha như: sầu riêng (xã Xuân Định), thanh long (xã Xuân Hưng), chôm chôm (xã Bảo Hòa), bắp (xã Xuân Phú, xã Lang Minh)... Phần lớn các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đều có sự tham gia của nhà đầu tư, đối tác trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Viên Hồng Tiến chia sẻ, để kêu gọi các dự án nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến, huyện thực hiện nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi với nhà đầu tư, đối tác liên kết.

Với chủ trương ưu tiên phát triển các dự án liên kết nông nghiệp, dự án nông nghiệp công nghệ cao, H.Xuân Lộc có 9 sản phẩm nông nghiệp chủ lực được chứng nhận tiêu chuẩn GAP, 46 cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, 10 chuỗi liên kết sản xuất trên các loại cây trồng và hơn 200 trại chăn nuôi tập trung. Đến nay, 8/14 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao và 1 xã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2021, huyện đặt mục tiêu có ít nhất 2 xã được tỉnh công nhận nông thôn mới nâng cao và 2-3 xã được tỉnh công nhận nông thôn mới kiểu mẫu.

Cụ thể, về quy hoạch, H.Xuân Lộc quy hoạch 4 tiểu vùng sản xuất tập trung để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mang tính đặc trưng, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương và có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt là quy hoạch các vùng phát triển khu công - nông nghiệp công nghệ cao tại các xã: Xuân Tâm - Xuân Hưng - Xuân Hòa, Xuân Thành - Xuân Trường, Xuân Bắc, Xuân Phú. Từ đó mời gọi được nhiều “ông lớn” tham gia như: Tập đoàn VinGroup dự kiến đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao 200ha tại xã Xuân Trường và TT.Gia Ray, Công ty Việt Úc đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao gần 500ha tại xã Xuân Tâm…

Theo Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Viên Hồng Tiến, ngoài các vùng, tiểu vùng nông nghiệp công nghệ cao hiện hữu, H.Xuân Lộc đang rà soát quỹ đất công và thu hồi các dự án hết hạn đưa vào quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo quỹ đất sạch, lớn cho doanh nghiệp. Đó là, thu hồi hơn 154ha của Xí nghiệp Cọ Dầu tại xã Xuân Hòa; khu đất hơn 105ha tại xã Xuân Thành; khu đất dự án Dofico hơn 1,7 ngàn ha tại 4 xã Xuân Tâm, Xuân Hưng, Xuân Thành và Xuân Bắc; khu đất 200ha tại xã Xuân Trường và TT.Gia Ray.

Bên cạnh đó, H.Xuân Lộc tập trung hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng các chính sách ưu tiên, ưu đãi của pháp luật và của tỉnh, nhất là về thủ tục đất đai, thuế để doanh nghiệp triển khai dự án được thuận lợi.

Huyện ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông, thủy lợi, đường điện ở những nơi có quy hoạch dự án nông nghiệp công nghệ cao. Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức sản xuất và làm chứng nhận tiêu chuẩn: GAP, Organic, HACCP, ISO, OCOP; xây dựng chỉ dẫn địa lý và mã số vùng để thuận lợi hơn khi xuất khẩu. Xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh đối với vật nuôi.

* Nơi sản xuất, phân phối và chế biến nông sản hàng đầu của tỉnh

Để thực hiện mục tiêu trở thành nơi sản xuất, phân phối và chế biến nông sản hàng đầu của tỉnh, từ năm 2019, H.Xuân Lộc đã triển khai Đề án xây dựng H.Xuân Lộc đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. Sự hình thành vùng chuyên canh, xen canh cây trồng quy mô lớn, khu chăn nuôi tập trung ngoài việc tạo ra lượng hàng hóa nhiều, chất lượng đồng đều còn là yếu tố thu hút các đầu mối, doanh nghiệp thu mua và chế biến nông sản đến địa phương.

Chủ tịch UBND xã Xuân Định Nguyễn Thanh Hương cho biết, thực hiện chủ trương sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững của huyện, xã đã quy hoạch vùng chuyên canh 300ha và hướng dẫn nông dân chuyển sang chăm sóc theo quy trình VietGAP. Nhờ vậy, 3 năm nay, sầu riêng của Xuân Định luôn có đầu ra ổn định, giá cao. Mới đây, một doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy chế biến sầu riêng trên địa bàn xã.

Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn Nguyễn Thế Bảo cho biết, quá trình thực hiện dự án cánh đồng lớn, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ xoài, HTX nhận được nhiều hỗ trợ từ địa phương và ngành chức năng. Đó là việc thực hiện các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, mã vùng trồng, hỗ trợ kinh phí làm hệ thống nước tưới, vay vốn, tập huấn kỹ thuật. Nhờ đó, mỗi năm HTX xuất khẩu sang Ukraine, Trung Quốc được khoảng 1 ngàn tấn xoài và bán cho các nhà máy chế biến trong nước gần 1 ngàn tấn. Vấn đề hiện nay của HTX là đầu ra phần lớn qua trung gian, giá cả theo thị trường nên lợi nhuận chưa nhiều.

Lãnh đạo H.Xuân Lộc cho rằng, phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững vừa là mục tiêu, vừa là động lực để H.Xuân Lộc trở thành kiểu mẫu. Các mô hình sản xuất nông nghiệp đáp ứng tiêu chí về sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, các loại hình kinh tế hợp tác, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến sẽ được tạo điều kiện tối đa. Việc phát triển hàng hóa nông nghiệp bền vững không chỉ nhằm đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho người nông dân và doanh nghiệp mà còn giải quyết được bài toán đầu ra, tăng giá trị hàng nông sản.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
iphone 15 pro max iphone 15 truy cập vnpthcm để biết thêm