H.Định Quán đang triển khai một số mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn hữu cơ trên địa bàn huyện. Đây là những mô hình được hình thành từ chương trình hợp tác đồng hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ giữa UBND tỉnh và doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025.
H.Định Quán đang triển khai một số mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn hữu cơ trên địa bàn huyện. Đây là những mô hình được hình thành từ chương trình hợp tác đồng hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ giữa UBND tỉnh và doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025.
Mô hình nuôi heo hữu cơ liên kết với doanh nghiệp của hộ ông Đỗ Thế Lực. Ảnh: Ngọc Liên |
Để được áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, người nông dân phải đáp ứng một số điều kiện về chuồng trại cũng như quy trình chăm sóc do chuyên gia của doanh nghiệp hướng dẫn.
* Cùng nông dân sản xuất
Mô hình chăn nuôi heo hữu cơ là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp đang được Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm, đơn vị ký kết hợp tác đồng hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ với UBND tỉnh) triển khai, hướng dẫn một số hộ dân trên địa bàn huyện. Để bắt đầu cho mối liên kết sản xuất, các chuyên gia của Tập đoàn Quế Lâm đã cùng nông dân tham quan, học tập tại những mô hình sản xuất hiệu quả từ nơi khác do Quế Lâm liên kết thực hiện, nhằm trang bị những kiến thức cơ bản và chuyên sâu cho nông dân trước khi áp dụng vào thực tế.
Ông Đỗ Thế Lực (ngụ ấp Hòa Thành, xã Ngọc Định), hộ đầu tiên thực hiện mô hình chăn nuôi hữu cơ theo quy trình liên kết với Tập đoàn Quế Lâm cho biết, để nhập được heo giống về nhà, ông Lực phải tham gia một lớp học thực tế 15 ngày tại một trang trại nuôi heo hữu cơ tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong thời gian học tập, ông Lực biết các quy trình chuẩn bị nguồn thức ăn, theo dõi vật nuôi, nhận diện những đặc điểm xuất hiện trên vật nuôi để có hướng xử lý, cách xử lý chuồng trại… Sau thời gian ngắn áp dụng thực tế, ông Lực nhận thấy nuôi heo theo hướng hữu cơ ít tốn kém thời gian hơn. Do được xử lý thức ăn theo kỹ thuật riêng nên chuồng trại khô thoáng, không mùi.
Ông Lực cho biết: “Từ khi nuôi heo hữu cơ, tôi còn nhiều thời gian để đi làm công việc khác. Tuy quy trình chăn nuôi đòi hỏi phải có sự kỹ lưỡng, chi phí đầu tư chuồng trại, con giống cao hơn chăn nuôi truyền thống nhưng toàn bộ quá trình nuôi và chi phí cám cho heo rẻ hơn. Hơn nữa, khi kết hợp và tuân thủ các nguyên tắc của công ty, người chăn nuôi được bảo đảm về đầu ra nên tôi thấy đây là sự liên kết có lợi cho nông dân. Tôi hy vọng mô hình thành công và được nhân rộng trong thời gian tới”.
Ông Huỳnh Ngọc Tây, một hộ chăn nuôi liên kết khác tại ấp Hòa Thành cho biết, để bảo đảm nguồn nguyên liệu trong chăn nuôi, ông đang trực tiếp trồng một số loại thảo dược để làm thức ăn cho heo như: hoàng ngọc, xuyên tâm liên, đuôi chuột, chuối hột… Với kinh nghiệm đã từng chăn nuôi, cùng với diện tích đất có trên 9ha, ông Tây kỳ vọng có thể mở khu sản xuất hữu cơ trong tương lai.
* Nâng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp
Ông Nguyễn Anh Tân, cán bộ kỹ thuật Tập đoàn Quế Lâm, người trực tiếp giám sát mô hình chăn nuôi hữu cơ tại H.Định Quán cho biết, theo chương trình ký kết, mô hình nuôi heo hữu cơ tại Định Quán đang được triển khai. Đây là mô hình nuôi heo hữu cơ theo quy trình nuôi heo nái để lấy heo con, heo thịt được tập đoàn bao tiêu con giống ban đầu và tiêu thụ sản phẩm. Với mô hình này, người chăn nuôi không cần dùng nước, thuốc kháng sinh để chăn nuôi heo mà chỉ sử dụng các loại thức ăn hữu cơ. Trước đó, người nông dân đã được tập huấn, khu chuồng trại phải làm theo tiêu chuẩn.
Kỹ sư của Tập đoàn Quế Lâm hướng dẫn người dân sử dụng men trộn thức ăn cho heo. Ảnh: Ngọc Liên |
Theo ông Tân, chi phí đầu vào của mô hình chăn nuôi hữu cơ rẻ hơn chăn nuôi truyền thống vì tận dụng được 30% lượng rau xanh tại chỗ cho heo. Tất cả thức ăn được ủ, bổ sung men trước khi cho ăn nên bảo đảm về chất lượng con heo thịt. Cơ bản thời gian đầu nông dân đang phối hợp rất tốt, ông Tân mong muốn bà con phải duy trì để tạo sự phát triển bền vững cho ngành Nông nghiệp địa phương.
Ông Vũ Mạnh Dương, Trưởng phòng NN-PTNT cho biết, theo chủ trương của tỉnh, H.Định Quán đang tiếp tục vận động, khuyến khích và nhân rộng việc liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản hữu cơ và hướng hữu cơ nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao giá trị cho nông sản. Thời gian qua, huyện đã triển khai một số mô hình sản xuất hữu cơ hiệu quả như mô hình liên kết sản xuất cây lúa, cây chuối và hiện tại là mô hình chăn nuôi heo hữu cơ.
Để sản phẩm nông nghiệp ngày càng được nâng cao chất lượng sản phẩm, có đầu ra ổn định, Định Quán đang phấn đấu ngày càng nhiều hộ dân tham gia sản xuất hữu cơ, hướng hữu cơ và cán bộ quản lý thực hiện thỏa thuận hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm được tuyên truyền, tập huấn các quy định hiện hành về nông nghiệp hữu cơ, quy trình sản xuất hữu cơ. “Khi sản phẩm đạt chất lượng, đầu ra được doanh nghiệp bao tiêu từ đầu thì đây sẽ là động lực để người dân đủ niềm tin đầu tư, áp dụng sản xuất hữu cơ trên mọi lĩnh vực” - ông Dương cho biết thêm.
Ngọc Liên