Đồng Nai không có biển, cũng không có mùa nước nổi nhưng được trời phú cho vùng nước lợ rộng lớn. Nơi đây có rất nhiều loài thủy sản đặc trưng như: cá nâu, cá đối, tôm, cua, bạch tuộc, chem chép… Thủy sản nước lợ ngon và lành, vừa có vị ngọt ngào của sông vừa có vị mặn mà của biển nên được nhiều người ưa chuộng.
Đồng Nai không có biển, cũng không có mùa nước nổi nhưng được trời phú cho vùng nước lợ rộng lớn. Nơi đây có rất nhiều loài thủy sản đặc trưng như: cá nâu, cá đối, tôm, cua, bạch tuộc, chem chép… Thủy sản nước lợ ngon và lành, vừa có vị ngọt ngào của sông vừa có vị mặn mà của biển nên được nhiều người ưa chuộng.
Ven rừng ngập mặn H.Nhơn Trạch là nơi có nhiều đặc sản nước lợ. Ảnh: B.Mai |
Từ món ăn dân dã của người địa phương, đặc sản nước lợ trở thành một phần không thể thiếu trong bản đồ ẩm thực, du lịch Đồng Nai.
* “Trứ danh” món ngon nước lợ
Về vùng sông nước Nhơn Trạch, du khách không chỉ được tận hưởng cảnh đẹp thiên nhiên, khí hậu trong lành và mát mẻ như các miệt vườn xứ miền Tây Nam bộ mà còn có cơ hội thưởng thức nhiều món ăn tươi ngon.
Cá nâu là món ngon nức tiếng ở vùng này. Về hình dáng, cá nâu có dạng tròn dẹt, phần bụng lớn, phần đầu đuôi nhỏ, trên mình có nhiều đốm nâu nên người ta gọi là cá nâu. Có nhiều cách chế biến cá nâu nhưng đơn giản và ngon nhất là nướng chấm muối ớt. Cá đem bóc mang, bỏ ruột, rửa sạch, khía vài đường rồi chà một ít muối ớt lên mình đem nướng. Thịt cá khi chín có màu trắng phau, thơm phức, vị ngọt tự nhiên chứ không tanh như cá biển khác, kể cả khi nguội. Cá nâu vừa nướng xong mà đem chấm với muối ớt thì ôi thôi, cứ gọi là ngon quên sầu.
Ông Lê Văn Tuấn, người dân xã Phước An cho rằng, cá nâu trước là món ăn của người nghèo. Ai muốn ăn ra sông một lúc là có. Sau này, vì nhiều người muốn thưởng thức, mà cá thì ngày càng ít nên trở thành đặc sản. Bây giờ cá nâu sông là hàng hiếm, lên đến vài trăm ngàn đồng mỗi ký, muốn ăn phải đi chợ cá vào giấc khuya hoặc vào quán ăn, vựa hải sản mua lại.
Cá bống sao là một đặc sản khác. Dáng cá thon dài, trên lưng có nhiều hình ngôi sao màu xanh đẹp mắt. Khác hẳn cách chế biến cá bống thường, người ta thường lột sạch cả lớp da của cá bống sao, không cần móc ruột, đem kho tiêu. Kho cá bống sao phải 2 lửa mới ngon, ở lửa thứ 2 thì cho thêm ít tóp mỡ, tiêu xay, vài lát gừng xắt. Thịt cá khi chín có màu hồng nhạt, chắc và rất thơm. Ai ăn được mớ cá bống sao đầu mùa thì coi như “trúng mánh” vì con nào con nấy một bụng trứng tròn trùng trục, ăn bùi và béo ngậy.
Cá đối nước lợ |
Ngoài cá, vùng đất trời phú này còn có nhiều cá đặc trưng khác như: thòi lòi, đối... Rồi thì bạch tuộc với những cái tua dài, loại này đem nhúng mẻ, cuốn bánh tráng với rau rừng thì nhai miếng nào sần sật trong miệng miếng đó. Tôm chì thịt chắc thơm, có thể hấp, nướng hoặc ngâm chua để chấm thịt luộc, bánh tráng hoặc chan bún tươi thì ăn bao nhiêu cũng thòm thèm.
Nếu đã ngán cá, ngán tôm, ngán bạch tuộc thì thử qua đặc sản chem chép. Chem chép rừng ngập mặn thì không nơi nào sánh bằng. Kinh nghiệm của người địa phương là vào mùa quả điều chín, chem chép rất béo, ruột căng mọng, thịt ngọt mà không tanh mùi bùn. Chem chép hấp với rau răm, sả hay nấu canh chua với quả điều, nấu cháo, nướng mỡ hành… món nào cũng hấp dẫn.
Gần đây, vùng này có thêm đặc sản hàu sữa. Hàu ở đây nuôi theo cách tự nhiên, cho bám vào các giá thể và ăn phù du trong nước nên không hề có cát, vỏ sạch.
* Biến đặc sản thành hàng hóa
Ngày nay, thủy sản nước lợ là món đặc sản của nhiều nhà hàng, quán ăn ở vùng Nhơn Trạch mà ít nơi có. Không chỉ vậy, người ta còn sơ chế thành mặt hàng gửi đi TP.HCM, Hà Nội, thậm chí sang tận trời Tây.
Đặc sản tôm chì khô |
Chị Ngân, chủ bè ẩm thực Lộc Ngân ở xã Phước An chia sẻ, để có những món ăn đặc trưng phục vụ khách du lịch, chị phải đặt mối là những người làm nghề đánh bắt ở sông, rừng ngập mặn. Cá, tôm, cua, bạch tuộc mua về thả vào lưới dưới sông, chừng nào có khách ăn mới bắt lên chế biến cho tươi ngon. Thời điểm rộ mùa, chị Ngân phơi khô một số đặc sản như cá nâu, tôm đóng gói bán cho du khách mua về làm quà.
Ông Hồ Minh Giang, Giám đốc HTX Dịch vụ - thương mại - chế biến thủy sản Phước An chia sẻ, người Nhơn Trạch không ai là không biết tôm chì ngâm chua. Thấy được tiềm năng này, ông và một số người đã thành lập HTX chế biến tôm chua bán. Sản phẩm đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ công nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) để phát triển hàng hóa.
“Tôm chua Phước An khác hẳn với tôm chua Huế hay miền Tây, khác từ nguyên liệu cho đến cách chế biến. Tôm làm chua không thể dùng tôm bạc, tôm nuôi mà phải là những con tôm chì nước lợ. Tôm còn sống đem ngắt đầu, rút chỉ, rửa sạch với nước muối, rượu trắng. Mỗi người có cách chế biến khác nhau nhưng đều phải ngâm với nước mắm đường, có tỏi, có ớt và để từ một tháng trở nên mới cho ra vị tôm chua. Mở hủ tôm chua ra thơm nức mũi, vỏ mềm nhưng thịt dai và chắc” - chị Phương Trang, thợ làm tôm chua lâu năm của HTX chia sẻ.
Ngoài chế biến tôm chua, HTX của ông Giang còn làm tôm chì khô bán. Mỗi ký tôm khô có giá gần 2 triệu đồng nhưng luôn trong tình trạng “cháy” hàng vì nguyên liệu phụ thuộc hoàn toàn vào con nước.
Đặc sản mắm tôm chua |
Ông Giang cho rằng, tôm chì khô là đặc sản của đặc sản. Tôm chắc nụi, màu đỏ au, ngâm nước bao nhiêu cũng không ra màu, ăn vào thì rất ngon và ngọt, mùi thơm đặc trưng. Loại này nấu canh, xào, rim, kho quẹt hoặc nhấm nháp cốc bia thì hết sẩy.
Thủy sản phong phú, cách chế biến đa dạng đã tạo nên một bức tranh văn hóa ẩm thực đa màu sắc cho vùng đất hạ du sông Đồng Nai. Phát huy giá trị lợi thế của vùng đất có một không hai của tỉnh, nhiều người đã biến đặc sản, món ngon lâu đời thành hàng hóa bán rộng rãi trong và ngoài nước.
Ông Lương Hữu Ích, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch cho rằng, sự đa dạng trong văn hóa ẩm thực cùng cảnh đẹp rừng ngập mặn, sông nước là lợi thế lớn cho ngành “công nghiệp không khói” của huyện. Hiện nay, một số đơn vị tư nhân đã đầu tư khai thác du lịch sinh thái như: Bò Cạp Vàng, Bằng Lăng Tím, Hương Đồng, Tre Việt, nhưng mức độ phát triển còn khiêm tốn. Tương lai du lịch sẽ trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế các xã ven sông, tăng nguồn thu cho địa phương. Huyện sẽ ưu tiên khai thác du lịch sinh thái rừng nhằm phát huy hết giá trị văn hóa, lịch sử, ẩm thực.
Vùng nước lợ Nhơn Trạch là nơi giao thoa của nhiều con sông với biển Cần Giờ. Nơi đây có nhiều loài thủy sinh có giá trị về kinh tế, dinh dưỡng, ẩm thực, phổ biến là 3 nhóm: nhuyễn thể (bạch tuộc, mực, hàu, sò huyết), giáp xác (tôm, cua) và các loại cá. Thủy sản nước lợ có quanh năm nhưng mỗi loại có thời điểm phong phú theo mùa. Nét đặc trưng của thiên nhiên và khả năng sáng tạo của người địa phương đã tạo ra nhiều món ăn ngon, lành và có giá trị về văn hóa. Đặc sản nước lợ là một phần không thể thiếu trong bản đồ ẩm thực, du lịch Đồng Nai. |
Ban Mai