Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng những vùng chuyên canh sản xuất sạch

08:02, 17/02/2023

Nhằm hình thành những vùng chuyên canh sản xuất đạt chuẩn an toàn, phát triển bền vững, thời gian qua, H.Thống Nhất triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm không ngừng nhân rộng mô hình sản xuất theo chuẩn GAP, hữu cơ.

Nhằm hình thành những vùng chuyên canh sản xuất đạt chuẩn an toàn, phát triển bền vững, thời gian qua, H.Thống Nhất triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm không ngừng nhân rộng mô hình sản xuất theo chuẩn GAP, hữu cơ.

Vùng trồng tiêu tại xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất). Ảnh: B.Nguyên
Vùng trồng tiêu tại xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất). Ảnh: B.Nguyên

HTX, nông dân ngày càng quan tâm xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn để sản xuất nông nghiệp ngày càng bền vững.

* Nhân rộng mô hình sản xuất sạch

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để chuyển đổi, phát triển sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ để đạt nhiều mục tiêu lớn như: đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng và cải thiện môi trường tự nhiên; sản phẩm có đầu ra bền vững hơn... Theo đó, cả nông dân và chính quyền H.Thống Nhất cùng vào cuộc triển khai thực hiện.

Thời gian qua, địa phương đã triển khai hàng loạt chương trình, dự án như: xây dựng mô hình Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển sản xuất hồ tiêu bền vững đạt chuẩn GlobalGAP Gia Kiệm; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình Tiên tiến sản xuất chôm chôm đạt tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Quang Trung, Bàu Hàm 2; dự án Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật sản xuất rau cần nước đạt chuẩn VietGAP tại xã Gia Kiệm; mô hình VietGAP bưởi tại HTX Nông nghiệp Hưng Lộc..

Ông Nguyễn Công Khánh, Phó giám đốc HTX Nông nghiệp Phương Nam (xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất) chia sẻ, đặc điểm của cây rau cần nước là phải sống trong môi trường nước sạch, nước càng sạch thì rau càng đẹp và ngon. Các thành viên trong HTX tích cực tham gia phát triển cánh đồng rau cần nước được cấp chứng nhận VietGAP. Trước đây, rau do HTX sản xuất chủ yếu bán cho thương lái. Nhờ sản phẩm có chứng nhận sản xuất an toàn, HTX có thêm kênh tiêu thụ ổn định là chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất). Theo ông Khánh, HTX rất quan tâm xây dựng thương hiệu rau cần nước Gia Kiệm bằng chất lượng để có cơ hội mở rộng kênh tiêu thụ cho sản phẩm này như: siêu thị, các doanh nghiệp chế biến rau, thậm chí có thể xuất khẩu. HTX đang tìm hiểu để tham gia các sàn thương mại điện tử để quảng bá và tìm thêm kênh tiêu thụ cho sản phẩm.

Địa phương đang có nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích HTX, nông dân chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ. Trong đó có nhiều mô hình đã đạt được hiệu quả cao. Cụ thể, mô hình canh tác bưởi theo hướng hữu cơ của hộ ông Nguyễn Văn Tuấn tại xã Hưng Lộc với 0,9ha, đã được Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong phát triển sản phẩm bưởi theo tiêu chuẩn hữu cơ. Nông hộ này đã sản xuất được sản lượng bưởi ổn định, chất lượng đạt tiêu chuẩn và đặc biệt là đã ký được hợp đồng tiêu thụ có giá tốt với một doanh nghiệp tại TP.HCM.

HTX Nông trại Dốc Mơ Farm (xã Gia Tân 3) với quy mô 14ha kết hợp du lịch sinh thái đã được Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tặng bằng khen có thành tích xuất sắc phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái - hữu cơ Đồng Nai năm 2022.

* Xây dựng chuỗi liên kết bền vững

Khó khăn lớn nhất của cả HTX, nông dân trên địa bàn huyện vẫn là đầu ra của nông sản còn kém bền vững. Nhiều nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn nhưng vẫn phải bán với giá hàng thường. Theo đó, nông dân, chính quyền H.Thống Nhất tập trung thực hiện hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, chế biến gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản bằng uy tín, chất lượng.

Ông Nguyễn Thanh Phước, Tổ trưởng Tổ hợp tác Mít Lộc Thịnh (xã Hưng Lộc) chia sẻ, tổ hợp tác thực hiện mô hình liên kết trồng mít với diện tích sản xuất hơn 45ha nhằm tạo ra nguồn sản phẩm lớn đáp ứng yêu cầu của thị trường, cung cấp vào các siêu thị hoặc để có nguồn sản phẩm cung cấp cho các công ty thu mua. Sản phẩm cây trồng của HTX đã được cấp chứng nhận VietGAP, tổ hợp tác đang tiếp tục chuyển đổi sang mô hình trồng mít theo hướng hữu cơ như: ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng và tận dụng các nguồn phế, phụ phẩm hiện có tại địa phương làm phân bón cho cây, giảm dần các loại phân bón hóa học. Sử dụng các loại thuốc sinh học, các chế phẩm sinh học hoặc dùng các phương pháp thủ công để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.

Ông Phước băn khoăn: “Khi áp dụng biện pháp sản xuất hữu cơ, thời gian đầu cây trồng cho năng suất, sản lượng thấp hơn so với cách làm truyền thống. Khó khăn nhất của các tổ viên là giá cả nông sản hữu cơ không cao hơn nhiều so với sản phẩm thường, đầu ra chưa ổn định”.

Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất Nguyễn Đình Cương cho biết, đã rà soát quy hoạch phát triển vùng sản xuất tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ. Dự kiến giai đoạn 2021-2030, huyện quy hoạch 23 vùng sản xuất tập trung, diện tích gần 3 ngàn ha; 5 vùng sản suất nông nghiệp công nghệ cao, diện tích 15ha; 9 vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, diện tích gần 71ha. Trên cơ sở quy hoạch các vùng sản xuất tập trung đạt chuẩn an toàn, địa phương rất quan tâm hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác làm chứng nhận sản phẩm GAP, hữu cơ, đạt chứng nhận OCOP… kết nối để các HTX, nông dân đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, tham gia nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá để mở rộng thêm kênh tiêu thụ.

Theo báo cáo của UBND H.Thống Nhất, tính đến nay, tổng diện tích dự kiến vận động người dân tham gia trồng trọt theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện đạt gần 219ha, gồm các sản phẩm chủ lực của địa phương như: mít, bưởi, chôm chôm, sầu riêng, rau ăn lá…

Bình Nguyên

Tin xem nhiều