Huyện Thống Nhất là địa phương phát triển chăn nuôi sớm và lớn nhất tỉnh nên thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư, hợp tác. Nhờ đó, nhiều gia đình vươn lên khá giả, đóng góp vào kết quả xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Huyện Thống Nhất là địa phương phát triển chăn nuôi sớm và lớn nhất tỉnh nên thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư, hợp tác. Nhờ đó, nhiều gia đình vươn lên khá giả, đóng góp vào kết quả xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Ông Trần Mạnh Quang, đại diện Công ty TNHH CJ Vina Agri chia sẻ tại buổi đối thoại với người chăn nuôi H.Thống Nhất. Ảnh: H.Lộc |
Dù vậy, hoạt động này cũng để lại không ít hệ lụy cho xã hội. Mới đây, UBND huyện đã đối thoại với người chăn nuôi nhằm từng bước khắc phục các tồn tại.
* Chỉ 20% trang trại có giấy phép môi trường
Tính đến cuối tháng 6-2023, H.Thống Nhất có hơn 1,2 ngàn cơ sở chăn nuôi, trong đó hơn 400 trang trại. Việc phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại đã phần nào giảm được rủi ro về dịch bệnh và môi trường, tạo điều kiện hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi - giết mổ - phân phối. Tuy nhiên, do phát triển chăn nuôi sớm và chưa tuân thủ nghiêm các quy định về: xây dựng, môi trường, an toàn dịch bệnh nên phát sinh nhiều hệ lụy.
Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất Nguyễn Đình Cương cho biết, khoảng 5 năm trước, H.Thống Nhất có cả ngàn trang trại chăn nuôi nhưng hiện tại còn khoảng 1/3. Trong số đó, có 81 trang trại được cấp giấy phép môi trường, 3 trang trại được duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, còn lại hơn 330 trang trại chưa có giấy phép.
Huyện Thống Nhất hiện có 1,2 ngàn cơ sở chăn nuôi; trong đó, có 84 trang trại có giấy phép/báo cáo đánh giá tác động môi trường, hơn 330 trang trại và hơn 600 cơ sở chăn nuôi nhỏ không có giấy phép. |
“Nhiều cơ sở chăn nuôi trước đây có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, sau đó mở rộng nhưng không đăng ký giấy phép. Mật độ chăn nuôi vượt tiêu chuẩn kết hợp với hệ thống xử lý chất thải quá tải, không được cải tạo thường xuyên đã ảnh hưởng nhiều đến môi trường” - ông Cương chia sẻ.
Đáng chú ý, trong số trang trại chưa được cấp giấy phép môi trường có nhiều cơ sở đang nuôi gia công cho các “ông lớn” trong ngành.
Trang trại của bà Trịnh Thị Thủy (ở xã Lộ 25) là một ví dụ. Trang trại này hợp tác chăn nuôi gia công từ năm 2021 nhưng chưa làm giấy phép môi trường. Không những vậy, trang trại còn có hành vi xả nước thải ra suối gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân xung quanh. Vào cuối tháng 6-2023, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 160 triệu đồng và đình chỉ chăn nuôi có thời hạn để khắc phục các tồn tại.
Ông Trần Mạnh Quang, đại diện Công ty TNHH CJ Vina Agri (trụ sở ở tỉnh Long An) cho biết, DN đang đầu tư và hợp tác chăn nuôi gia công với 76 trang trại trên địa bàn H.Thống Nhất, quy mô hơn 1 ngàn con/trại. DN muốn đồng hành với người chăn nuôi đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường nhưng chi phí khá cao và cũng lo ngại sự hợp tác không bền vững. Trường hợp chủ cơ sở chăn nuôi đầu tư hệ thống xử lý chất thải, được cơ quan nhà nước xác nhận đủ điều kiện và đồng ý ký hợp đồng chăn nuôi gia công từ 5-10 năm, DN sẽ xem xét hỗ trợ một phần chi phí.
* Từng bước khắc phục môi trường
Vấn đề của ngành chăn nuôi H.Thống Nhất hiện nay là vượt mật độ và không có giấy phép. Điều này không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường, đời sống của người dân xung quanh mà còn tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh vật nuôi.
Để từng bước khắc phục các tồn tại trên, tháng 2-2023, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thành lập các đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Qua kiểm tra, huyện ban hành 16 quyết định xử phạt hành chính số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Chăm sóc đàn heo tại một trại chăn nuôi trên địa bàn H.Thống Nhất |
Vào cuối tháng 6-2023, Chủ tịch UBND H.Thống Nhất Mai Văn Hiền có buổi đối thoại với người chăn nuôi tại 3 xã: Lộ 25, Bàu Hàm 2, Hưng Lộc. Theo ông Hiền, chăn nuôi có vai trò quan trọng với người dân và phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chính quyền tạo điều kiện cho người dân, DN hợp tác phát triển chăn nuôi nhưng phải tuân thủ nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, đúng quy hoạch vùng được phép chăn nuôi.
Thời gian tới, lãnh đạo huyện sẽ tiếp tục đối thoại, lắng nghe tâm tư và vướng mắc của người chăn nuôi tại các xã còn lại. Từ đó, yêu cầu Phòng TN-MT, Phòng NN-PTNT tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ cơ sở chăn nuôi tuân thủ pháp luật về môi trường. Kết nối với các trung tâm, DN cung ứng giải pháp, công nghệ xử lý chất thải.
“Huyện sẽ từng bước khắc phục các tồn tại của ngành chăn nuôi. Kiên quyết không để tồn tại cơ sở “3 không”: không giấy phép môi trường, không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo mật độ” - ông Hiền cho biết.
Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn môi trường Tân Huy Hoàng (TP.Biên Hòa) Lê Gia Khánh cho rằng, giấy phép/báo cáo đánh giá tác động môi trường là quy định bắt buộc đối với các cơ sở chăn nuôi. Không những vậy, quá trình chăn nuôi phải thường xuyên quan trắc chất lượng nước thải, không khí sau xử lý để đảm bảo không vi phạm. Định kỳ báo kết quả thu gom, xử lý chất thải cho cơ quan chức năng.
Có ý kiến cho rằng, do chi phí đầu tư hạ tầng xử lý chất thải theo tiêu chuẩn môi trường tốn kém nên nhiều cơ sở chưa làm. Mà hạ tầng chưa đạt thì chưa đủ điều kiện cấp giấy phép. Người dân đề xuất, 2-3 trang trại gần nhau có thể đầu tư chung một hệ thống xử lý nước thải. DN thuê chăn nuôi gia công phải cộng đồng trách nhiệm với chủ trại trong đầu tư chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải. Như vậy người chăn nuôi sẽ hạn chế vi phạm pháp luật, hạn chế rủi ro, còn DN có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, chất lượng.
Hoàng Lộc