Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất chính sách thu hút, hỗ trợ đối với giáo viên

08:08, 04/08/2023

Vừa qua, UBND H.Vĩnh Cửu đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc cung cấp số liệu, đề xuất chính sách thu hút, hỗ trợ đối với giáo viên trên địa bàn huyện.

Vừa qua, UBND H.Vĩnh Cửu đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc cung cấp số liệu, đề xuất chính sách thu hút, hỗ trợ đối với giáo viên trên địa bàn huyện.

Giờ học ngoài trời của học sinh Trường THCS Mã Đà. Ảnh: T.Nhân
Giờ học ngoài trời của học sinh Trường THCS Mã Đà. Ảnh: T.Nhân

Đề xuất nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy tại các cấp học trên địa bàn huyện, nhất là giáo viên tại các điểm trường của 2 xã: Phú Lý (thiếu 11 giáo viên) và Mã Đà (thiếu 10 giáo viên).

* Gian nan chuyện dạy và học

Theo báo cáo của Phòng GD-DT H.Vĩnh Cửu, năm học 2023-2024, Vĩnh Cửu còn thiếu 94 biên chế ngành sư phạm, trong đó 82 biên chế là giáo viên và 12 biên chế là nhân viên. Các bộ môn còn thiếu nhiều, khó tuyển dụng giáo viên như: môn Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, Thể dục cho khối tiểu học; các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Lịch sử, Địa lý, Tin học đối với khối THCS. Bên cạnh đó, nhân viên thư viện, thiết bị, văn thư, y tế, kế toán… cũng đang rất khó tìm.

Để khắc phục khó khăn, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và học tập, nhiều giáo viên cũng như học sinh bậc THCS đã phải lặn lội đường xa hàng chục km để đến trường trong suốt những năm qua.

Cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Hiệu trưởng Trường THCS Mã Đà cho biết, trường có điểm chính tại trung tâm xã và 4 điểm lẻ tại các ấp 1-2, ấp 3 và 2 điểm tại ấp 4. Nhà trường hiện có 31 giáo viên, trong đó có 24 giáo viên tiểu học và 7 giáo viên bộ môn. Theo kế hoạch được giao, nhà trường phải có 43 giáo viên. Như vậy vẫn còn thiếu 12 giáo viên. Do thiếu giáo viên nên các giáo viên của nhà trường hiện tại phải đi dạy 2 ca và vượt đường xa đi dạy tại các điểm lẻ. Với khoảng cách các điểm trường trên dưới 30km, mỗi tháng giáo viên phải tự túc chi phí xăng xe trong điều kiện thu nhập của  giáo viên cũng giống như giáo viên nơi khác, không hề có thêm phụ cấp.

Theo cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền, năm học 2023-2024, trường có 30 lớp  cấp tiểu học với gần 700 học sinh, Trong đó, tại điểm chính có 10 lớp và 20 lớp tại 4 điểm lẻ. Đối với học sinh THCS, dù ở xa hay gần đều phải tập trung học tại 1 điểm chính ngay trung tâm xã, quãng đường từ nhà đến trường trên 20km. Do là đường rừng, xa nhà khó đi nên các em không thể đi xe đạp mà phụ huynh phải thuê ô tô chở học sinh đến trường với chi phí khoảng 650 ngàn đồng/tháng/học sinh.

Tương tự, cô Trần Thị Đông, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Lý (xã Phú Lý) cũng chia sẻ, vài năm trở lại đây, khi Phú Lý đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu, các giáo viên đều bị giảm mức phụ cấp ưu đãi từ 50% xuống còn 35%/người/tháng. Thu nhập bị giảm, nhiều giáo viên xa nhà đã rời khỏi trường. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhà trường có 10 giáo viên nghỉ dạy, trong đó có giáo viên chủ động xin nghỉ và có giáo viên đến tuổi về hưu. Do thiếu giáo viên nên nhà trường buộc phải dồn lớp từ 35 em/lớp theo chuẩn lên thành 45 em/lớp khiến cho việc học bị ảnh hưởng.

* Cần có chính sách thu hút giáo viên

Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu NGUYỄN THỊ DUNG đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền về những chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm của Chính phủ; kế hoạch của UBND tỉnh Đồng Nai về việc tuyên truyền vận động học sinh trên địa bàn huyện định hướng lựa chọn nghề giáo viên, tham gia dự tuyển ngành sư phạm, phục vụ cho địa phương. Đồng thời, các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường vận động con em địa phương tham gia dự tuyển ngành sư phạm để phục vụ cho địa phương.

Trước những khó khăn về thiếu giáo viên như hiện nay, H.Vĩnh Cửu đã tập trung tìm kiếm giải pháp, chủ động đề xuất UBND tỉnh những chính sách ưu đãi, thu hút giáo viên về địa phương. Theo đó, UBND huyện đã đề xuất các chính sách thu hút tập trung vào 3 nội dung, cụ thể: đề xuất chính sách thu hút giáo viên theo khu vực đối với các trường học trên địa bàn xã Mã Đà và xã Phú Lý do điều kiện đi lại còn khó khăn; chính sách thu hút đối với giáo viên các bộ môn còn thiếu nhiều, khó tuyển dụng ở cả 2 cấp tiểu học và THCS, như các môn: Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, Thể dục, Lịch sử, Địa lý… Đề xuất cuối cùng là chính sách thu hút các đối tượng là giáo viên mới ra trường, giáo viên mầm non, nhân viên thư viện, thiết bị, văn thư, y tế, kế toán… Mức đề xuất hỗ trợ thu hút giáo viên là phụ cấp thêm từ 75-100% mức lương hiện hưởng hoặc thêm 1 lần mức lương cơ sở mỗi tháng tùy theo đối tượng thu hút.

Chia sẻ về tình hình tuyển dụng viên chức giáo viên trên địa bàn huyện thời gian qua, ông Huỳnh Văn Gắt, Trưởng phòng GD-ĐT H.Vĩnh Cửu cho biết, vừa qua có 29 trường trên địa bàn huyện tổ chức tuyển dụng viên chức giáo viên ở các cấp học mầm non, tiểu học và THCS với chỉ tiêu tuyển dụng là 120 chỉ tiêu. Tuy nhiên, toàn huyện chỉ có 49 thí sinh đăng ký tuyển dụng và số thí sinh trúng tuyển đạt 35 chỉ tiêu. Trong đó, có 9 trường không có thí sinh đăng ký dự tuyển, trong đó xã Phú Lý không có thí sinh dự tuyển ở cả 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS. Ông Gắt cho biết, Phòng Giáo dục đã tổng hợp số liệu và báo cáo thực trạng này lên UBND huyện, trên cơ sở đó, huyện đề xuất cơ quan cấp trên để có hướng xử lý kịp thời tình trạng thiếu giáo viên.

Để thu hút học sinh trên địa bàn huyện theo học ngành sư phạm trong đợt thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vừa qua, Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Dung đã chỉ đạo Phòng
GD-ĐT huyện tổng hợp, biên soạn tài liệu tuyên truyền về những chế độ, chính sách đối với sinh viên sư phạm. Đồng thời thông báo nhu cầu tuyển dụng giáo viên trên địa bàn huyện đến các cơ quan, đơn vị liên quan để đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chế độ, chính sách đối với sinh viên sư phạm; vận động các em đăng ký theo học và trở về phục vụ địa phương sau khi ra trường.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích