Đồng Nai có diện tích chôm chôm gần 12 ngàn hécta, tập trung ở TX. Long Khánh, Thống Nhất và Xuân Lộc. Theo trung tâm khuyến nông tỉnh, chôm chôm dễ trồng song để có năng suất, chất lượng cao, nông dân cần chú ý khâu chọn đất trồng, giống và chăm sóc.
Đồng Nai có diện tích chôm chôm gần 12 ngàn hécta, tập trung ở TX. Long Khánh, Thống Nhất và Xuân Lộc. Theo trung tâm khuyến nông tỉnh, chôm chôm dễ trồng song để có năng suất, chất lượng cao, nông dân cần chú ý khâu chọn đất trồng, giống và chăm sóc.
* Giống và kỹ thuật nhân giống
Hiện nay có 3 loại chôm chôm được nông dân trong tỉnh chọn trồng là Java, nhãn và Dona. Chôm chôm Java có đặc tính gai ngắn trái to, màu vỏ đỏ, ngọt, nhiều nước và tróc. Còn chôm chôm nhãn trái tròn nhỏ, hai bên hông có rãnh dài từ đỉnh đến đáy. Vỏ trái dày, cứng, gai ngắn, có màu xanh vàng hay đỏ khi chín. Thịt trái dày, nhiều nước, rất ngọt và thơm mùi nhãn, dễ tróc. Chôm chôm Dona được đưa về trồng ở nước ta từ năm 1996. Loại chôm chôm này gần giống chôm chôm Java, cơm dày, năng suất cao.
Chăm sóc tốt cây chôm chôm sẽ cho năng suất cao.
Hiện nay phương pháp trồng bằng hột ít được các nhà vườn áp dụng vì cho trái chua, và có thể có 1/2-2/3 cây đực không cho trái. Vì vậy, cây con trồng từ hột chỉ dùng làm gốc ghép và trồng một ít trong vườn để cung cấp hoa đực cho cây thụ phấn tốt.
Hạt chôm chôm dùng để ươm cây con làm gốc ghép không giữ lâu quá 2 tuần. Gieo hạt nằm ngang, chừa một phần trên mặt đất. Khi hạt nảy mầm 9- 20 ngày gieo cây con lên luống, cây con 6-12 tháng tuổi đường kính 1-1,5cm đem ghép. Tiến hành ghép trong mùa nắng. Dùng dao sắc rạch 2 vạch song song trên gốc dài 3cm và rộng 0,5cm cách mặt đất chùng 15cm. Sau đó, rạch đường ngang phía dưới tạo vết rạch hình chữ U, tách nhẹ miệng gốc ghép lên, đặt mắt ghép vào đậy lại buộc dây xung quanh tránh nước rơi vào. Thao tác càng nhanh càng tốt, sau 2 tuần gỡ dây buộc ra, cắt da đậy miếng gốc ghép, cắt ngọn, khoảng 4-5 tháng sau đem trồng.
* Thiết kế vườn trồng
Đất trồng chôm chôm phải đảm bảo yêu cầu thoát nước tốt trong mùa mưa. Tùy theo địa hình đất cao hay thấp để đào mương thoát nước cho phù hợp. Trong đó, mương chính đào rộng và sâu 0,5-0,7m, mương phụ chỉ cần rộng và sâu 0,3-0,4m. Các mương đào phải chống xói mòn nhằm đảm bảo độ phì nhiêu cho đất. Vườn phải luôn được thông thoáng, hạn chế sâu bệnh gây hại.
Thời vụ và cách trồng
Chôm chôm được trồng vào đầu mùa mưa là tốt nhất, vì cây con cần nhiều nước ở giai đoạn đầu. Khi trồng đào hố 60x60x60cm, bón lót 10-20kg phân chuồng ủ hoai, 0,3kg super lân và 3kg vôi bột/hố.
Khoảng cách trồng theo hình vuông, thường là 8x8m hay 6x6m. Đặt cây con vào hố đào, phủ đất vừa qua mặt bầu và cắm cọc giữ cho cây cố định. Cây con thường bị cháy lá nên năm đầu nên che mát và chắn gió.
* Bón phân
Loại phân bón cho cây chôm chôm, phần nhiều là phân hữu cơ hoai mục, vôi bột, ure, lân và kali. Năm thứ nhất, mỗi hécta bón 1 tấn phân hữu cơ; 500kg vôi bột; 38kg ure; 125kg lân; 44kg kali. Năm thứ hai, mỗi hécta bón 1 tấn phân hữu cơ; 500kg vôi bột; 75kg ure; 250kg lân; 75kg kali. Năm thứ ba, mỗi hécta bón 1 tấn phân hữu cơ; 500kg vôi bột; 125kg ure; 350kg lân; 175kg kali.
Đến giai đoạn kinh doanh, một năm mỗi hécta bón 1 tấn phân hữu cơ; 500kg vôi bột; 521kg ure; 1.411kg lân; 200kg kali. Thời kỳ cây kiến thiết cơ bản từ năm thứ nhất đến năm thứ ba, vôi bón vào đầu mùa mưa, 20 ngày sau bón phân hữu cơ hoặc phân chuồng, còn phân lân được chia đều 3-4 đợt bón vào gốc. Phân ure, kali bón qua hệ thống tưới tiết kiệm, chia làm 12-14 lần bón trong năm.
* Tưới nước
Giai đoạn cây con và khi cây ra hoa, trái phải cung cấp đủ nước tưới. Thiếu nước cây chôm chôm trái nhỏ, năng suất thấp. Vào thời điểm nắng nóng phải tưới 2-3 ngày/lần, không để cây bị hạn. Hiện nay, một số nông dân lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm giảm nhiều tiền điện, dầu, công và nguồn nước tưới trong khi năng suất, chất lượng của cây chôm chôm tăng cao.
Chú ý những năm đầu của thời kỳ kiến thiết trồng xen các cây họ đậu, như: đậu xanh, đậu nành, đậu phộng hoặc các loại cỏ mọc thấp vừa để lấy ngắn nuôi dài vừa làm thảm phủ đất giữ ẩm cho cây.
Nguyệt Hạ