Hiện nay, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh như Trảng Bom, Định Quán, nông dân đã mở rộng diện tích cây thanh long. Đây là loại cây dễ trồng, chịu hạn tốt, song để có năng suất cao, nông dân cần tuân thủ một số phương pháp kỹ thuật sau:
Hiện nay, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh như Trảng Bom, Định Quán, nông dân đã mở rộng diện tích cây thanh long. Đây là loại cây dễ trồng, chịu hạn tốt, song để có năng suất cao, nông dân cần tuân thủ một số phương pháp kỹ thuật sau:
* Chọn giống
Thanh long có dạng hình trái tròn và trái dài với 2 màu là ruột đỏ và ruột trắng. Thanh long ruột đỏ có giá bán cao gấp 5-6 lần ruột trắng nên hiện nay một số hộ ở Trảng Bom đang phát triển nhân rộng diện tích thanh long ruột đỏ.
Thanh long có thể trồng bằng hạt hay hom cành. Tuy nhiên đa số nhân giống từ hom cành thuận lợi hơn, còn hạt phần lớn dùng để lai tạo.
Thanh long thời kỳ ra hoa.
Các bước chuẩn bị trồng thanh long bằng cách chọn các cành khoảng 1 năm tuổi trở lên, dài 0,7-1m. Giống hom tốt thường ở các đoạn thân đã thu hoạch và cho trái sinh trưởng tốt. Do đó, thân hom phải mập, có màu xanh đậm, không sâu bệnh, các mắt mang chùm gai phải tốt, khả năng nảy nụ cao. Cành không quá già, không quá non. Nếu chọn hom non dễ bị úng thối hoặc chậm cho trái.
Vết cắt trên hom giống được nhúng vào thuốc sát khuẩn, sau đó dựng cành vào nơi khô ráo, thoáng mát. Khoảng 10-15 ngày sau cây giống ra rễ dài 3-5cm là có thể đem trồng.
* Thời vụ trồng
Nếu chủ động được nước tưới, có thể trồng thanh long quanh năm, nhưng không nên trồng lúc mưa dầm vì cây chậm phát triển hoặc chết do nghẹt rễ. Thời điểm trồng thanh long thích hợp nhất là cuối mùa mưa, vì đây là thời điểm tỉa cành thanh long sau khi thu hoạch xong nên lượng hom giống rất dồi dào.
* Chuẩn bị đất trồng
Vườn trồng thanh long phải lên liếp và đảm bảo không bị ngập úng trong mùa mưa và đủ nước tưới trong mùa khô.
Thông thường liếp trồng thanh long rộng 4-5m, đắp mô cao, trộn đất trên mô với phân chuồng ủ hoai và phân lân.
* Cách trồng
Thanh long là loại cây leo nên phải làm trụ cho cây bám vào. Có thể dùng các loại trụ bằng xi-măng dài khoảng 2,3-2,5m. Chôn trụ sâu khoảng 0,6-0,7m, trên đầu trụ dùng cây gỗ tốt hoặc cây tràm, cột xi-măng dài 0,5-0,6m đóng chữ thập làm dàn đỡ để nhánh rũ xuống và giúp tán thanh long phân bố đều và rộng. Ngoài ra có thể dùng cây me tây, điệp, vông để làm trụ, song me tây làm trụ thích hợp hơn vì ít bệnh và rất bền.
Trồng thanh long thích hợp nhất là 3mx3m, tương ứng 100 trụ/hécta.
* Chăm sóc
Thanh long được trồng với khoảng cách thưa nên khi cây còn nhỏ có thể trồng xen rau màu để tăng thu nhập.
Thanh long chăm sóc tốt có thể cho năng suất trên 30 tấn/hécta/năm. Trong ảnh: Thu hoạch thanh long.
Tuy thanh long chịu hạn tốt nhưng để cho vườn cây đạt năng suất cao thì phải cung cấp đủ nước trong mùa khô. Nếu thiếu nước, cây phát triển chậm. Trong giai đoạn ra hoa mà thiếu nước sẽ giảm số lượng đậu trái hoặc trái nhỏ.
Để cây phát triển tốt cho năng suất cao, phải tiến hành tỉa cành sau khi thu hoạch trái. Khi trái có đường kính 5-6cm tỉa bỏ bớt những trái méo mó, sâu bệnh thì trái mới lớn đều.
Bón phân, năm thứ nhất lượng phân bón cho 1 trụ 10kg phân chuồng và 0,5kg phân lân bón lót trước khi trồng. Sau khi trồng được 1-6 tháng và khi cây ra hoa, bón phân ure mỗi lần gần 0,2kg/trụ. Năm thứ 2 trở đi, bón 15kg phân chuồng ủ hoai, 0,5kg lân, 0,5kg ure, 1 kg NPK, 0,5kg kali/trụ/năm. Lượng phân chia làm 3 đợt để bón vào thời điểm thu hoạch xong.
* Thu hoạch
Thanh long thường cho thu trái từ tháng 5 đến tháng 10, mỗi tháng cho thu hoạch 2 đợt. Từ năm thứ 3 trở đi, năng suất trung bình 30 tấn/hécta/năm. Khi trái chuyển sang màu đỏ, sau 3-5 ngày có thể hái được.
Nguyệt Hạ