Từ chỗ sinh ít con, nhiều phụ huynh đã chăm sóc quá mức, dẫn đến trẻ bị béo phì. Trẻ béo phì đang là nỗi lo của nhiều gia đình.
Từ chỗ sinh ít con, nhiều phụ huynh đã chăm sóc quá mức, dẫn đến trẻ bị béo phì. Trẻ béo phì đang là nỗi lo của nhiều gia đình.
Tại Đồng Nai, theo kết quả khảo sát từ đề tài khoa học “Nghiên cứu những ảnh hưởng bất lợi của học sinh thừa cân và béo phì từ 6-15 tuổi tại các trường tiểu học và THCS tại Biên Hòa” của Ths.Bs.Hà Văn Thiệu và nhóm cộng sự (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai), tỷ lệ trẻ ở độ tuổi tiểu học và THCS bị béo phì chiếm 10%.
* Ngày càng tăng số trẻ béo phì
Bác sĩ Thiệu đánh giá, 10% trẻ béo phì ở lứa tuổi này là con số đáng báo động. Nhưng lo ngại hơn là hầu hết số trẻ trong nhóm này béo phì ở độ 3 - độ rất cao về các nguy cơ bệnh tật.
Ảnh minh họa
Theo nghiên cứu của bác sĩ Thiệu và nhóm cộng sự, có nhiều nguyên nhân gây béo phì ở trẻ. Ngoài những yếu tố di truyền, dậy thì sớm, stress thì trẻ được hưởng thụ một cuộc sống quá no đủ, quá tiện nghi là những nguyên nhân chính dẫn trẻ đến với bệnh béo phì.
Thêm vào đó là tình trạng trẻ phải ngồi học nhiều, không có thời gian vui chơi, vận động ngoài trời. Nếu có giải trí thì thường trẻ cũng chỉ ngồi một chỗ chơi game, xem tivi… Những yếu tố ấy đã khiến ngày càng có nhiều trẻ thừa cân, béo phì.
* Đồng hành với nhiều bệnh
Bác sĩ Thiệu cho hay, bệnh béo phì làm gia tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong sớm ở trẻ em với các chứng xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, sỏi mật, thống phong, ung thư, viêm khớp háng, khớp gối, rối loạn thông khí ở phổi, rối loạn nội tiết tố… 80% trẻ béo phì sẽ đồng hành suốt đời với các bệnh tật mà chúng đang mang trong người.
Ngoài nguy cơ cao mắc các bệnh tật mãn tính, “vấn nạn” tâm lý tự ti, mặc cảm về thân hình “quá khổ” của trẻ béo phì khiến chất lượng cuộc sống của trẻ giảm sút. Thậm chí, nhiều trẻ béo phì mắc chứng tự kỷ, cô đơn vì bị bạn bè ở trường cô lập và bỏ rơi trong các hoạt động, gây tổn thương đến tâm lý.
* Phòng chống béo phì
Trong một buổi nói chuyện chuyên đề mới đây tại Đồng Nai về vấn đề ngăn ngừa bệnh béo phì và suy dinh dưỡng ở trẻ em, PGS.TS.Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện Dinh dưỡng cho biết: “Béo phì cũng là một bệnh và chữa bệnh béo phì là một cuộc chiến gian nan. Thực hiện một chế độ ăn uống, vận động, vui chơi giải trí hợp lý và kiên trì mới có thể cải thiện được tình trạng béo phì”.
Theo PGS.TS.Lâm, quan trọng nhất với trẻ béo phì là chế độ ăn uống đủ chất và cân đối 4 nhóm thực phẩm; hạn chế cho trẻ béo phì ăn các thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, tinh bột và đường. Ở chế độ vận động và thể thao, cha mẹ nên dành thời gian cùng tập luyện với con một số môn thể thao ngoài trời, hạn chế tình trạng cho trẻ ngồi chơi game, xem tivi quá lâu một chỗ.
Phương Liễu