Ba vi lượng cần thiết cho sự phát triển của cơ thể là i-ốt, chất sắt và vitamin A, trong đó i-ốt chiếm vị trí quan trọng. Nếu thiếu i-ốt, quá trình chuyển hóa vật chất của cơ thể và sự phát triển của não sẽ không thể diễn ra suôn sẻ.
Ba vi lượng cần thiết cho sự phát triển của cơ thể là i-ốt, chất sắt và vitamin A, trong đó i-ốt chiếm vị trí quan trọng. Nếu thiếu i-ốt, quá trình chuyển hóa vật chất của cơ thể và sự phát triển của não sẽ không thể diễn ra suôn sẻ.
* Nhiều nguy cơ bệnh tật nếu thiếu i-ốt
Theo bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, mỗi ngày cơ thể mỗi người cần khoảng 250-750 microgram i-ốt. Sự hấp thu và đào thải i-ốt của cơ thể diễn ra rất đơn giản. Nếu lượng i-ốt trong cơ thể dư thừa, sẽ được tự động đào thải ra ngoài theo nước tiểu. Nhưng thiếu hụt i-ốt lại gây ra những nguy cơ lớn về rối loạn nội tiết và bệnh tật.
Phụ nữ mang thai và trẻ em là những đối tượng nhạy cảm và nguy cơ cao nếu thiếu i-ốt. Ở phụ nữ mang thai, thiếu i-ốt thể nhẹ sẽ dễ sẩy thai, thai chết lưu hoặc sinh non; thiếu i-ốt thể nặng trong giai đoạn mang thai, trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và nhiều dị tật bẩm sinh khác. Ở trẻ em, thiếu iốt sẽ gây bệnh chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn... Ngoài ra, thiếu iốt còn gây ra bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể, gây mệt mỏi và giảm khả năng lao động.
Tuy nhiên, tất cả các rối loạn do thiếu i-ốt kể cả bệnh đần độn hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách bổ sung một lượng i-ốt rất nhỏ vào bữa ăn qua việc sử dụng muối i-ốt thay cho muối thường trong chế biến thức ăn hàng ngày. Ngoài ra, cũng có thể bổ sung i-ốt từ các loại hải sản vì những thực phẩm trên rất giàu i-ốt.
* Sử dụng và bảo quản muối i-ốt
Thông qua truyền thông về vai trò của i-ốt trong việc phòng tránh bệnh tật, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng muối i-ốt trên địa bàn của ngành y tế, 93,6% người dân trên địa bàn tỉnh đã sử dụng muối i-ốt trong chế biến thức ăn hàng ngày.
Cách sử dụng và bảo quản muối i-ốt cũng đơn giản giống như bảo quản muối thường. Hiện nay, muối i-ốt đã được sản xuất chuyên nghiệp hơn nên mùi vị của i-ốt không làm thay đổi mùi vị của thức ăn nên có thể dùng để nêm, ướp thực phẩm và có thể nêm trong thức ăn đang nấu trên bếp như bình thường. Lượng i-ốt được trộn vào muối đã có quy định nên an toàn cho tất cả các đối tượng sử dụng. Tuy nhiên, những người bị bệnh tim mạch và thận nên giảm lượng muối sử dụng mỗi ngày để tránh nguy cơ bị xơ vữa động mạch, tăng huyết áp. Những người bị bệnh cường tuyến giáp không nên dùng muối i-ốt vì i-ốt sẽ khiến họ lồi mắt, run tay nhiều hơn.
Muối i-ốt dễ bị giảm chất lượng trong quá trình sử dụng và bảo quản. Vì thế, nên để muối i-ốt trong lọ có nắp đậy kín. Do i-ốt là chất dễ bay hơi nên không rang muối i-ốt, không để muối i-ốt gần bếp lửa nóng hay nơi có ánh nắng chiếu vào. Nên mua lượng muối i-ốt dùng vừa đủ trong 3 tháng, không mua một lúc quá nhiều và dùng quá lâu. Nếu mua nhiều, nên phân chia ra thành những túi nhỏ. Sau mỗi đợt dùng hết, rửa sạch lọ, ống đựng, phơi khô và sử dụng đợt muối i-ốt khác.
Phi Trường