Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh nhiệt miệng

09:01, 31/01/2012

Nhiệt miệng là bệnh thường gặp, nhất là dịp Tết, thời tiết trở lạnh, ăn nhiều thức ăn nóng như bánh chưng, dưa kiệu, uống rượu, ăn nhiều thịt, mỡ, ít ăn rau quả. “Nóng trong người” sẽ sinh ra nhiệt miệng. Tuy nhiên, bệnh nhiệt miệng còn sinh ra bởi những tổn thương ở vùng lân cận hoặc do phản ứng của hóa chất…

Nhiệt miệng là bệnh thường gặp, nhất là dịp Tết, thời tiết trở lạnh, ăn nhiều thức ăn nóng như bánh chưng, dưa kiệu, uống rượu, ăn nhiều thịt, mỡ, ít ăn rau quả. “Nóng trong người” sẽ sinh ra nhiệt miệng. Tuy nhiên, bệnh nhiệt miệng còn sinh ra bởi những tổn thương ở vùng lân cận hoặc do phản ứng của hóa chất…

* Biểu hiện

Theo bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, Phó khoa Tai mũi họng (BVĐK Đồng Nai) bệnh có nhiều thể khác nhau, nhưng triệu chứng bắt đầu thường là sự xuất hiện một mụn nước nhỏ rất dễ vỡ, để lại một vết lở nông hình tròn hoặc vết loang nhỏ. Những nốt nhiệt này hay mọc ở ngoài môi, bên trong môi, trong khoang miệng, mặt trong má, lợi, đầu lưỡi... Bệnh thường không gây sốt, không gây sưng hạch và thường tự khỏi. Biểu hiện tại chỗ thường là các triệu chứng viêm nhiễm, sưng nóng đỏ, đau, lở loét rất khó chịu.

Theo dân gian, nhiệt miệng là do nóng trong người hay do ăn phải những đồ ăn “nóng”. Còn quan điểm của y học hiện đại thì chứng lở miệng (tổn thương ở niêm mạc miệng). Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh nhiệt miệng, có thể do răng sâu, viêm chân răng, viêm quanh chóp răng, viêm tủy răng; do những sang chấn từ bên ngoài, do nhiễm vi khuẩn, vi-rút, do sự phản ứng của khoang miệng với thành phần hóa học nào đó (ví dụ thành phần hóa học có trong kem đánh răng không phù hợp...), hay chế độ ăn thiếu acid folic ở phụ nữ mang thai. Hiện nay người ta còn nhận thấy những người bị stress nặng và kéo dài bệnh lở miệng cũng xảy ra thường xuyên hơn.

* Điều trị và phòng bệnh

Muốn phòng bệnh nhiệt miệng, làm giảm độ tái phát của bệnh, cần uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ quả tươi, hạn chế tối đa làm việc quá căng thẳng. Với thể tái phát nhiều lần liên tiếp, đau nhiều... thì cần đi khám bệnh. Thông thường những loại viêm loét nhẹ chỉ cần uống kháng sinh, vệ sinh răng miệng, giảm đau, chống dị ứng, tăng cường sức đề kháng, bổ sung vitamin nhóm B là khỏi trong vòng 10 ngày.

Nếu những vết viêm loét lớn, nhiễm trùng nặng gây áp-xe vùng miệng sâu, viêm tấy lan tỏa hay gặp ở những vùng dưới lưỡi, dưới hàm, kèm theo toàn thân suy nhược, nhiễm khuẩn nặng thì cần phải được điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Thuận Thắng

 

 

Tin xem nhiều