Dịp Tết, trong khi người miền Bắc thường chọn chưng trong nhà những cành đào thắm tươi, những chậu quất trĩu quả thì người miền Nam lại thích những cây mai vàng rực rỡ. Mai nở sớm hay muộn thì niềm vui sẽ không trọn vẹn. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu về cách chọn một chậu mai như ý trong dịp Xuân về...
Dịp Tết, trong khi người miền Bắc thường chọn chưng trong nhà những cành đào thắm tươi, những chậu quất trĩu quả thì người miền Nam lại thích những cây mai vàng rực rỡ. Mai nở sớm hay muộn thì niềm vui sẽ không trọn vẹn. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu về cách chọn một chậu mai như ý trong dịp Xuân về...
MAI CÓ DÁNG CÀNH ĐẸP
Mai đẹp không chỉ ở hoa mà còn độc đáo ở dáng cây. Do đó, nên chọn những cây có nhánh đẹp cân đối, vỏ đen tự nhiên, không đốm vảy nấm mốc; không nên chọn cây quá nhiều nhánh, hoặc cây có các nhánh to nhỏ chênh nhau quá nhiều. Những cành mai có dáng đẹp, với hình dáng một “lão mai” gốc to, da sần sùi, mọc rong rêu càng tốt, nhánh khẳng khiu và có thể có những hình thể như: Chân quỳ, Hạc bay, Phụng Hoàng… Ngoài những yếu tố kể trên, người biết thưởng thức cây mai còn chú trọng đến sự phân chia các nhánh trên một gốc mai. Ví dụ cây nhánh to, nhánh nhỏ phải có sự sắp xếp, uốn nắn hợp lý. Nhìn chung, có các điểm cần chú ý khi lựa chọn một cây mai: các cành phân chia thứ lớp, bông rải đều, nhánh to khỏe, nhánh uyển chuyển, nụ mập, lá non vừa nhú.
NHIỀU NỤ TO, TRÒN
Một cây mai đẹp thì hoa càng nhiều trông càng cuốn hút. Nhưng hãy lưu ý, hoa có nở đẹp và lâu bền hay không còn tùy vào khả năng nuôi dưỡng của cành, cây, nhất là trong điều kiện chưng trong bình. Vì thế, hãy chọn cành hoặc cây mai có nụ vừa phải và phân bố đẹp trên cả cành. Các nụ hoa phải đủ “bụ bẫm” để nở trong ba ngày Tết. Màu sắc và độ to của hoa rất đa dạng, tùy vào sở thích mỗi người mà chọn lựa cho phù hợp, bởi đó không phải là tiêu chí chọn hoa mai đẹp. Song, nếu cây có cánh hoa mịn, đều nhau, không có cánh hoa bị tật, là mai đẹp. Mặt khác, một cây mai đẹp không thể để trụi lá hoặc lá xanh um, tốt nhất nên chọn cành mai nhiều hoa và nụ, điểm những chiếc lá non xanh mềm hoặc đỏ tía.
CHỌN CÂY MAI CHẮC GỐC
Một cây mai khoẻ là cây có gốc chắc, cần thiết lấy tay lắc nhẹ thấy cây và đất ở gốc không lung lay là được. Khi quyết định chọn cây mai đẹp, điều cần thiết là phải lựa cây có nụ không bị héo, rũ cuống, vì khi bị héo chứng tỏ cây đang kiệt sức do thiếu nước, đứt rễ hoặc bị bệnh. Nếu trên cành còn sót lại một vài chiếc lá héo úa hoặc có thêm vài chiếc lá đã già xanh, hãy ngắt bỏ, điều này sẽ giúp giảm sự thoát hơi nước của cành mai. Khi mua và đem mai về nhà, nên bọc giấy kín toàn bộ, sau đó đem ngâm trong bể nước khoảng 3 - 4 giờ hoặc qua đêm để mai phục hồi sức.
CHÚ Ý THỜI ĐIỂM MAI NỞ
Khi đã có được cây mai ưng ý, điều cần thiết phải thường xuyên chú ý đến sự phát triển của nụ mai. Đúng ngày đưa ông Táo (23 tháng Chạp), nếu thấy hoa cái bung vỏ lụa là chắc chắn hoa nở đúng tết, ngược lại nhiều khả năng nở muộn nên cần xiết nước (ngưng tưới), đem phơi ngoài nắng (nếu trồng chậu). Sau vài ngày thì tưới thật đẫm trở lại bằng nước ấm (45-50 độ C) đồng thời phun phân bón lá đầu trâu 901 để kích thích mai nở đúng tết. Nếu hoa cái đã bung vỏ lụa trước khi ông Táo về trời thì mai sẽ nở trước tết nên cần hòa 10-20 gam phân urea/10 lít nước để tưới. Đồng thời cần tưới bằng nước lạnh (có thể cho một ít nước đá vào) và dùng lưới bạt che nắng để hãm mai nhằm giúp hãm cho hoa nở chậm lại.
CHƯNG MAI TRONG NGÀY TẾT
Chậu mai phải để nơi thoáng mát và đủ sáng, không nên để gần quạt hay chỗ có gió lùa vì sẽ làm mai mất nước nhiều, dẫn đến rụng hoa. Không nên để mai chỗ quá tối vì sẽ không đủ lượng quang hợp, khiến chồi vươn dài, lá ra nhanh, hoa rụng sớm. Nên tránh để mai gần bóng đèn có công suất lớn vì sẽ thừa sáng, nhiệt độ cao cũng làm mai nở nhanh, chóng tàn. Nếu là cành mai cắm trong bình cần phải thui gốc ngay sau khi cắt để giữ nhựa và hạn chế vi khuẩn gây thối cành.
Đỗ Duy