Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử trí khi bị ngộ độc rượu

09:01, 10/01/2012

Hàng năm cứ vào dịp lễ, tết thì những ca ngộ độc rượu lại gia tăng. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu đã ở trong tình trạng hôn mê, với các biến chứng khó thở, suy hô hấp, hạ đường huyết…

Hàng năm cứ vào dịp lễ, tết thì những ca ngộ độc rượu lại gia tăng. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu đã ở trong tình trạng hôn mê, với các biến chứng khó thở, suy hô hấp, hạ đường huyết…

* Nguyên nhân gây ngộ độc

Bác sĩ Đinh Cao Minh, Trưởng khoa tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết: Ngộ độc rượu khi nồng độ ethanol máu ≥ 80-100 mg/dl, đây là một bệnh lý nghiêm trọng và đôi khi gây chết người, do hậu quả của việc uống nhanh chóng, số lượng nhiều hoặc nhiều loại rượu khác nhau trong một ngày.

Uống quá nhiều, quá nhanh có thể ảnh hưởng đến hô hấp, nhịp tim và có khả năng dẫn đến hôn mê, tử vong. Người lớn uống phải rượu bia giả, kém chất lượng hoặc do uống rượu khi bụng đói càng dễ bị ngộ độc hơn. Ở trẻ em đa số là do uống nhầm (do các loại rượu để chung với nước uống). Khoảng 80% rượu được hấp thụ tại ruột non, trong trường hợp uống nhiều và nhanh, nhất là lúc đói thì rượu có thể hấp thu trực tiếp từ miệng, dạ dày và có thể tới não trong ít hơn một phút, từ đó nhanh chóng dẫn đến tình trạng ngộ độc.

* Các yếu tố nguy cơ của ngộ độc rượu

Theo bác sĩ Minh, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc rượu, bao gồm:

- Tuổi: những năm gần đây ngày càng nhiều thanh thiếu niên, sinh viên đại học, nhân viên tiếp thị bia rượu… nhập viện.

- Giới tính: trẻ em trai và đàn ông nhiều khả năng có ngộ độc rượu hơn trẻ em gái và phụ nữ.

- Trọng lượng: người nhẹ cân hấp thụ rượu nhanh hơn, dễ bị ngộ độc rượu hơn người nặng cân.

- Sức khỏe: người mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường, huyết áp… dễ bị các tác hại từ rượu.

- Trạng thái dạ dày: có thức ăn trong dạ dày làm rượu hấp thu vào máu chậm hơn nhưng không ngăn cản rượu xâm nhập vào máu.

- Sử dụng kết hợp rượu, ma túy và các thuốc khác làm tăng rất nhiều nguy cơ của quá liều rượu gây tử vong.

- Đa số ngộ độc rượu xảy ra trong trường hợp bệnh nhân uống nhiều rượu, uống nhanh và uống nhiều loại bia rượu khác nhau cùng lúc.

- Các vụ ngộ độc xảy ra nhiều vào dịp cuối năm, lễ, tết.

* Dấu hiệu nhận biết ngộ độc rượu

Triệu chứng dễ nhận thấy nhất ở người ngộ độc rượu là ngủ say li bì, không biết gì hoặc người uống có những thay đổi lệnh lạc trong nhân cách, hành vi, lời nói, cử chỉ, thậm chí bị hoang tưởng ảo giác, có những hành động nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Ngoài ra, còn có biểu hiện ói mửa, động kinh, thở chậm, không thường xuyên hít thở, da xanh, thân nhiệt thấp, bất tỉnh.

Bác sĩ Minh khuyến cáo, những điều không nên làm sau khi uống rượu: Dùng cà phê đen; tắm vòi sen lạnh vì những cú sốc của cảm lạnh có thể gây ra mất ý thức; đi bộ...

* Xử lý tại nhà trước khi nhập viện

Người nhà cần tìm cách để người ngộ độc rượu nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má; cho uống một cốc sữa nóng, trà đặc; cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa), tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái.

Đặc biệt, tránh để người thân uống rượu say rồi đi ngủ, vì một số trường hợp người uống bị hôn mê trong khi ngủ, nếu hôm sau mới phát hiện và đưa đi viện thì không thể cứu được.

Do vậy, người nhà cần chú ý chăm sóc cho người thân bị say rượu, tuyệt đối không nên để họ ngủ li bì suốt ngày hoặc suốt đêm. Sau vài tiếng, người nhà nên gọi họ dậy, cho uống sữa hoặc ăn cháo. Nếu thấy người thân có biểu hiện co giật, thở không đều, ngã chảy máu tai, mắt, loạn nhịp tim phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay để tránh xảy ra những tình huống đáng tiếc.

* Phòng ngừa ngộ độc rượu

Bác sĩ Minh cho rằng người dân nên tiêu thụ đồ uống có cồn vừa phải, nhất là đối với những người mắc các bệnh mạn tính (tim mạch, tiểu đường, huyết áp...). Chỉ nên mua và sử dụng các loại rượu đóng chai có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng; không nên uống quá 30ml/ngày đối với rượu mạnh và 700ml/ngày đối với bia; không nên uống nhanh, uống cùng lúc nhiều loại rượu chứa độ cồn cao như rượu tự nấu 300 - 400, rượu Whisky, Brandy, Rhum nguyên chất, Vokda lúa mới… Chỉ nên uống rượu một lần trong ngày đối với phụ nữ và không quá hai lần uống trong ngày cho nam giới.

Nếu trong gia đình có trẻ nhỏ thì cần chú ý việc lưu trữ, nên cất giữ các đồ uống có chứa độ cồn cao trong tủ có khóa cẩn thận hoặc để trên kệ cao ngoài tầm với của trẻ.

Hoài An (ghi)

 

 

Tin xem nhiều