Báo Đồng Nai điện tử
En

Những điều cần biết về bệnh sốt xuất huyết

09:06, 19/06/2012

Năm nay mùa mưa tại Đồng Nai đến sớm, tạo điều kiện cho muỗi phát triển, nếu không có biện pháp dự phòng tốt, bệnh sốt xuất huyết (SXH) có thể gia tăng.

Năm nay mùa mưa tại Đồng Nai đến sớm, tạo điều kiện cho muỗi phát triển, nếu không có biện pháp dự phòng tốt, bệnh sốt xuất huyết (SXH) có thể gia tăng.

Tại Đồng Nai tồn tại cả 4 tuýp huyết thanh DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4, đây là một trong những khó khăn trong công tác điều trị bệnh bởi SXHchưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh.

* Bệnh SXH là gì?

SXH Dengue là bệnh dịch lưu hành địa phương ở Việt Nam. Đây là bệnh nhiễm virus Dengue cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi hút máu người bệnh, truyền virus sang người lành qua vết đốt. Ở Việt Nam, có hai loài muỗi truyền bệnh SXH Dengue là muỗi Aedes aegypti và mỗi Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là muỗi Aedes aegypti.

* Đặc điểm của muỗi truyền bệnh SXH

Nhìn bằng mắt thường thấy muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng. Muỗi đẻ trứng, sinh sản ở các ao tù, vũng nước đọng hoặc các dụng cụ chứa nước ở trong và xung quanh nhà, như: bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây...; các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước, như: lọ hoa, bát kê chạn, lốp xe, vỏ dừa...

Chăm sóc trẻ bị số xuất huyết nặng tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.
Chăm sóc trẻ bị số xuất huyết nặng tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Virus gây bệnh: Virus Dengue thuộc nhóm Flavivirus, họ Flaviviridae với 4 tuýp huyết thanh DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.

Thời kỳ ủ bệnh và lây truyền: Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 5-7 ngày. Bệnh nhân là nguồn lây bệnh trong thời kỳ có sốt, nhất là 5 ngày đầu của sốt là giai đoạn trong máu người bệnh có nhiều virus. Muỗi hút máu người bệnh, sau 8-12 ngày có thể truyền bệnh, khả năng truyền bệnh là suốt đời của con muỗi đó.

Tính cảm nhiễm và sức đề kháng: Mọi người chưa có miễn dịch đặc hiệu đều có thể bị mắc bệnh từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn. Sau khi khỏi bệnh sẽ được miễn dịch suốt đời nhưng chỉ với tuýp virus Dengue gây bệnh chứ không được miễn dịch bảo vệ chéo với các tuýp virus khác. Nếu bị mắc bệnh lần thứ hai với tuýp virus Dengue khác, có thể bệnh nhân sẽ bị bệnh nặng hơn và dễ xuất hiện sốc Dengue, nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, có thể diễn biến nặng do xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng, kèm theo tình trạng sốc nặng, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng, người bệnh có thể tử vong.

* Dấu hiệu nhận biết bệnh SXH tại nhà

Thể bệnh nhẹ: (Thường là thể sốt dengue, chủ yếu gặp ở người lớn, khu vực thành thị, những nơi mật độ dân số cao, ít khi dẫn đến tử vong)

- Sốt cao đột ngột 39 - 400C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt.

- Đau đầu dữ dội ở vùng trán, nhức hai hố mắt.

- Có thể có nổi mẩn, phát ban.

Thể bệnh nặng: (Thường là thể SXH Dengue, chủ yếu bị ở trẻ em với tỷ lệ tử vong khá cao (30-40%). Bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

- Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu, đi ngoài phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).

- Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng:

- Dùng thuốc hạ nhiệt: Chỉ được dùng Paracetamol đơn chất, liều 10-15mg/kg cân nặng/lần, cách nhau 4-6 giờ. Tuyệt đối không được dùng các loại thuốc hạ sốt khác. Kết hợp các biện pháp hạ nhiệt, như: Dùng khăn nhúng nước ấm, vắt khô và đắp vào trán, nách, bẹn người bệnh, không dùng nước đá hoặc đá lạnh để trườm.

- Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước: Oresol, nước trái cây (cam, chanh, dừa…), nước đun sôi để nguội hoặc nước cháo loãng với muối. Cho ăn nhẹ nước cháo, súp, sữa…

- Phải theo dõi sát người bệnh, đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế khi:

- Sốt cao liên tục, vật vã, lừ đừ, li bì, nôn ra máu, đi ngoài ra máu, đi tiểu ít…

- Phòng chống bệnh SXH Dengue: Đến nay, bệnh SXH Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccin phòng bệnh, vì vậy việc diệt bọ gậy (loăng quăng) với sự tham gia tích cực của từng hộ gia đình và cả cộng đồng là biện pháp hiệu quả trong phòng chống SXH Dengue.

* Hướng dẫn, thực hành tiêu diệt muỗi         

Loại bỏ nơi sinh sản và phát triển của muỗi: Không cho muỗi đẻ trứng, không cho bọ gậy Aedes có thể phát triển ở các dụng cụ chứa nước trong nhà và xung quanh nhà. Với dụng cụ chứa nước sinh hoạt, như: chum, vại, bể nước mưa, cây cảnh… cần dùng các biện pháp ngăn ngừa muỗi sinh đẻ, như: đậy nắp thật kín, thả cá …

- Các dụng cụ có thể đọng nước, như: lốp xe hỏng, vật dụng gia đình có thể đọng nước phải thu dọn và phá hủy.

- Các hốc chứa nước tự nhiên như hốc cây, kẽ lá, gốc tre nứa: Phải loại bỏ, lấp kín, chọc thủng hoặc làm biến đổi, không để nước đọng.

- Lật úp các dụng cụ gia đình như xô, chậu, bát, máng nước gia cầm.

- Khơi thông các vũng lầy, không để nước đọng.

- Đồ dùng trong gia đình phải sắp xếp gọn gàng, không để muỗi có nơi trú đậu.

Phòng muỗi đốt: Ngủ màn, xua, diệt muỗi bằng hương muỗi, bình xịt thuốc cá nhân, vợt điện, hun khói bằng đốt vỏ cau, dừa hoặc lá cây, tẩm hóa chất diệt muỗi ở cửa ra vào, cửa sổ.

Khi phát hiện người bị SXH tại địa phương: Cần báo cáo cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp khống chế và dập dịch SXH kịp thời.

Bs Lê Phương Lan

(Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Nai)

 

 

 

 

Tin xem nhiều