Báo Đồng Nai điện tử
En

Sinh mổ có an toàn?

08:07, 10/07/2012

Để việc sinh con diễn ra nhanh chóng và chủ động, nhiều sản phụ muốn được sinh mổ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, không phải sinh mổ là an toàn tuyệt đối!

 

Để việc sinh con diễn ra nhanh chóng và chủ động, nhiều sản phụ muốn được sinh mổ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, không phải sinh mổ là an toàn tuyệt đối!

* Chỉ nên mổ khi cần can thiệp

Sinh đẻ là hiện tượng sinh lý bình thường. Với sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa, phần lớn các ca sinh nở đều diễn ra một cách tự nhiên. Tuy nhiên, chỉ khi nào có những trở ngại trong thời gian chuyển dạ thì bác sĩ mới dùng đến phương pháp can thiệp này để bảo đảm an toàn cho mẹ và con.

Chăm sóc sản phụ sau khi sinh mổ. Ảnh: P. Liễu
Chăm sóc sản phụ sau khi sinh mổ. Ảnh: P. Liễu

Theo bác sĩ Hạnh, mổ lấy thai là một kỹ thuật phổ biến, được áp dụng trong các trường hợp, như: mẹ có khung chậu hẹp, lệch, dị dạng đường sinh dục, có những cơn co tử cung bất thường, sinh khó do cổ tử cung có vết mổ cũ còn tổn thương, chuyển dạ kéo dài dọa vỡ tử cung, thai nhi quá to, ngôi thai bất thường, thai suy, mạng sống thai nhi trong tử cung bị đe dọa, thiểu ối, thai quá ngày, nhau tiền đạo, nhau bong non…

Hiện nay, số sản phụ yêu cầu được sinh mổ có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, khi trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa liên tiếp hàng chục ca sản phụ và thai nhi tử vong, khiến cho số sản phụ yêu cầu được  sinh mổ tăng lên từ 20-30%. Thậm chí, nhiều sản phụ được bác sĩ thăm khám và cho biết việc sinh nở sẽ diễn ra bình thường nhưng vẫn cứ khăng khăng muốn được sinh mổ cho… chắc ăn. Vậy, sinh mổ có thực sự an toàn hơn sinh thường?

* Những tai biến và hệ lụy của sinh mổ

Bác sĩ Hạnh cho biết, do chưa hiểu hết những tai biến và hệ lụy của sinh mổ, nên nhiều người lầm tưởng mổ lấy thai là an toàn tuyệt đối. Thực tế, tỷ lệ tử vong của mẹ và trẻ sơ sinh ở các trường hợp mổ lấy thai cao hơn so với các trường hợp sinh bình thường do gặp phải các tai biến trong quá trình gây tê, gây mê, nhiễm trùng, tổn thương đường tiết niệu, thuyên tắc mạch...

Ngoài ra, sẹo mổ trên tử cung có thể bị nứt trong những thai kỳ sau, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong cả mẹ lẫn con nếu thời gian giữa hai lần mang thai quá gần nhau (do vết mổ chưa kịp lành hoàn toàn). Hệ lụy của mổ lấy thai còn có thể đưa đến bệnh gây bất lợi cho sức khỏe và mang thai lần sau, như: lạc nội mạc tử cung, dính ruột, tắc ruột, không thể tiếp tục có thai…

Vì sức khỏe của bà mẹ và thai nhi, để cuộc vượt cạn được “mẹ tròn con vuông”, cần có sự hợp tác giữa sản phụ và gia đình sản phụ với thầy thuốc, đồng thời nên thực hiện theo các chỉ định của bác sĩ, không nên lạm dụng mổ lấy thai, bởi đấy không phải là một phẫu thuật tuyệt đối an toàn.

Phương Liễu

 

 

 

Tin xem nhiều