Theo bác sĩ Hà Văn Thiệu, Phó khoa nội (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai), lồng ruột là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh không chỉ gây đau đớn, khó khăn trong tiêu hóa ở trẻ mà còn dẫn đến nguyên nhân hoại tử ruột. Song, bệnh lồng ruột ở trẻ cho đến bây giờ vẫn chưa xác định được nguyên nhân.
Theo bác sĩ Hà Văn Thiệu, Phó khoa nội (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai), lồng ruột là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh không chỉ gây đau đớn, khó khăn trong tiêu hóa ở trẻ mà còn dẫn đến nguyên nhân hoại tử ruột. Song, bệnh lồng ruột ở trẻ cho đến bây giờ vẫn chưa xác định được nguyên nhân.
Can thiệp tháo lồng ruột cho một bệnh nhân tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. |
* Bệnh lồng ruột là gì?
Theo các bác sĩ chuyên khoa nội, lồng ruột xảy ra do kích thước ruột non và ruột già của trẻ quá chênh lệch nhau, dẫn đến tình trạng một đoạn ruột non chui vào ống ruột già kế cận, gây nên sự thắt nghẹt mạch máu nuôi ruột, làm tổn thương đoạn ruột bên dưới. Nếu không điều trị kịp thời, khối lồng sẽ bị hoại tử đưa đến thủng ruột, xì dịch và phân vào trong ổ bụng, dẫn đến biến chứng nhiễm trùng nặng và có thể tử vong. 82% số ca bệnh lồng ruột xảy ra ở trẻ dưới một tuổi do đây là thời kỳ trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm nên ruột phải co bóp nhiều. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thiệu, phần lớn những trẻ bị bệnh lồng ruột là trẻ hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm nhiễm đường ruột, những trẻ thường xuyên bị tăng nhu động ruột.
* Triệu chứng và cách điều trị
Theo bác sĩ Thiệu, trẻ đang khỏe mạnh đột ngột khóc thét từng cơn, ưỡn người hoặc co hai chân về phía trước do đau bụng dữ dội, trẻ nôn vọt lúc đầu ra sữa, thức ăn, giai đoạn muộn có thể ói ra dịch mật, đi tiêu ra phân nhầy máu, trẻ bỏ bú, da tím tái. Tuy nhiên, một số quan niệm trong dân gian cho rằng, lồng ruột còn là do bé quá hiếu động, chạy nhảy quá nhiều hoặc bố mẹ tung hứng, đùa giỡn, chọc cười trẻ sau ăn no; bế bé thẳng đứng sau khi ăn… dẫn đến lồng ruột.
Bệnh lồng ruột điều trị khá đơn giản là bơm hơi qua ngã hậu môn để tháo lồng. Đa phần các trường hợp đều tự tháo dưới áp lực bơm hơi. Thời gian để trẻ đau càng dài, hai đoạn ruột lồng càng chui sâu vào nhau, làm cho đoạn ruột bị lồng sưng nề, các mạch máu nuôi ruột bị nghẽn, khiến ruột bị tắc, gây nhiễm trùng huyết, hoại tử ruột, thủng ruột... Cứ 10 trẻ mắc lồng ruột thì 8 trẻ bị hoại tử ruột sau 72 giờ.
* Cách phòng tránh bệnh lồng ruột
Để tránh bệnh lồng ruột ở trẻ, bác sĩ Thiệu khuyên cha mẹ nên giữ vệ sinh ăn uống cho trẻ, tránh để trẻ bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Khi trẻ mới ăn dặm, chỉ nên cho trẻ ăn lỏng, ăn theo chế độ tăng dần từ lượng đến độ sánh đặc. Không cho trẻ ăn thức ăn khó tiêu như chế độ ăn quá nhiều đạm.
Phương Liễu (ghi)