Hai năm nay, ông Võ Văn Cường (ngụ ở tổ 6, KP 1, phường Bửu Long, TP Biên Hòa) đã thực hiện việc tiết kiệm điện (TKĐ) trong gia đình một cách hiệu quả, giảm được chi tiêu. Cách làm của ông Cường khá đơn giản: thay đổi các thiết bị điện tiêu tốn ít điện năng và sử dụng hợp lý, đúng cách.
Hai năm nay, ông Võ Văn Cường (ngụ ở tổ 6, KP 1, phường Bửu Long, TP Biên Hòa) đã thực hiện việc tiết kiệm điện (TKĐ) trong gia đình một cách hiệu quả, giảm được chi tiêu. Cách làm của ông Cường khá đơn giản: thay đổi các thiết bị điện tiêu tốn ít điện năng và sử dụng hợp lý, đúng cách.
Ông Võ Văn Cường kiểm tra bóng đèn compact trong nhà. |
Trong vai trò là Phó chủ tịch Hội nông dân phường Bửu Long, ông Cường là người tích cực trong phong trào vận động, hưởng ứng các chủ trương, chính sách của tỉnh. Trong đó, việc TKĐ được ông Cường quan tâm hàng đầu.
* Thay thiết bị điện
Năm 2010, ông Cường được Ủy ban MTTQ phường cử đi dự hội thảo về TKĐ do Điện lực Đồng Nai tổ chức. Qua hội nghị này, ông hiểu thêm được cách sử dụng các thiết bị điện hiệu quả và tính năng TKĐ của bóng đèn compact. Ngay lập tức, ông Cường tiến hành thay đổi bóng đèn huỳnh quang trong nhà bằng bóng đèn compact, đồng thời chỉ bật tivi, quạt… khi có nhu cầu và tắt ngay khi không sử dụng. Cách sử dụng thiết bị sinh hoạt khá phù hợp này đã giảm được điện năng mà gia đình ông sử dụng trước đó. Thực tế, khi mới sử dụng đèn compact, mọi người trong nhà ông đều cảm thấy tối hơn đèn huỳnh quang nên ban đầu ai cũng khó chịu. Thế nhưng, ông Cường vẫn cương quyết dùng loại đèn này và phân tích lợi ích của việc TKĐ. Quả nhiên sau đó, mọi thành viên trong nhà đều chấp nhận. Tháng đầu tiên thực hiện TKĐ, gia đình ông Cường vui mừng vì đã giảm được hơn 100 ngàn đồng tiền điện. Đến nay, bình quân mỗi tháng gia đình ông chỉ đóng khoảng 250 ngàn đồng tiền điện. Ông Cường tâm sự: “Thời buổi kinh tế khó khăn, thu nhập có giới hạn, trong khi nhiều mặt hàng giá cả tăng vọt. Do đó, gia đình tôi buộc phải cân nhắc khi chi tiêu, nhất là tiết kiệm những khoản cố định, như: điện, nước, gas… Ngoài việc đổi bóng đèn, tôi bảo con cố gắng thực hiện các việc khác, như: ủi quần áo 1 lần/tuần, 3 ngày giặt đồ 1 lần cho đỡ tốn điện và nước. Từ những việc tưởng chừng như nhỏ nhặt, nhưng tôi cho rằng khá hiệu quả vì đạt được mục đích tiết kiệm trong chi tiêu”.
* Tuyên truyền viên tiết kiệm điện
Từ cách làm đơn giản mà hiệu quả của mình, ông Cường bỗng trở thành một tuyên truyền viên tình nguyện trong việc vận động gia đình các con, hàng xóm và cơ quan trong việc hưởng ứng phong trào TKĐ. Ông chỉ nêu điển hình đơn giản từ gia đình ông và dẫn chứng, nếu ai cũng nâng cao ý thức TKĐ và tích cực hưởng ứng thì sẽ tiết kiệm cho xã hội khoản điện năng khá lớn. Không dừng lại ở đó, tại các cuộc họp ở phường, ông Cường thường mang những tờ rơi tuyên truyền về TKĐ phát cho mọi người tham khảo. Ngoài ra, ông vận động anh em trong cơ quan phải TKĐ bằng cách nhớ tắt điện khi ra khỏi phòng, chỉ bật đèn khi thiếu ánh sáng để làm việc. Tận dụng ánh sáng ngoài trời bằng cách mở các cửa sổ. Ông Cường chia sẻ: “Hiện nay gia đình các con tôi đều sử dụng bóng đèn compact chiếu sáng, hàng tháng cũng tiết kiệm được một số tiền chi tiêu cho gia đình”.
Hai năm trước, toàn bộ bóng đèn trong nhà ông Cường đều sử dụng loại huỳnh quang dài 1,2m. Ngoài ra, các thiết bị sử dụng điện, như: máy giặt, tủ lạnh, ti vi, quạt… vẫn dùng đều đặn. Dạo ấy, mỗi tháng gia đình ông Cường phải trả trên 400 ngàn đồng tiền điện. Đây là con số không nhỏ chút nào so với thu nhập chưa được 2 triệu đồng/tháng của vị Phó chủ tịch Hội nông dân phường. |
Từ những đóng góp tích cực của mình, ông Cường đã tạo được phong trào hưởng ứng TKĐ trong gia đình và xã hội. Theo ông, muốn TKĐ hiệu quả, mỗi người nên tạo cho mình một thói quen trong việc sử dụng điện hàng ngày. Theo ông Cường, dù bất cứ ở đâu, trong gia đình hay ngoài xã hội, mỗi người cần phải xác định mục đích chung của TKĐ trước hết là tiết kiệm cho chính bản thân mình, tránh sự lãng phí và góp phần ổn định nguồn điện cung cấp cho người tiêu dùng.
Thiện Nhân