Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỹ thuật lọc máu liên tục

08:09, 04/09/2012

Những năm trước đây, bệnh nhân bị suy thận, suy gan, rối loạn đông máu; bệnh nhân bị viêm tụy cấp hoại tử, hay những bệnh nhân suy gan cấp nặng, sốc nhiễm độc do ngộ độc thuốc, hóa chất, rượu hoặc ma túy dẫn tới suy đa phủ tạng nặng... thường có nguy cơ tử vong cao.

Những năm trước đây, bệnh nhân bị suy thận, suy gan, rối loạn đông máu; bệnh nhân bị viêm tụy cấp hoại tử, hay những bệnh nhân suy gan cấp nặng, sốc nhiễm độc do ngộ độc thuốc, hóa chất, rượu hoặc ma túy dẫn tới suy đa phủ tạng nặng... thường có nguy cơ tử vong cao.

Ngày nay, với sự tiến bộ của y học, phương pháp “lọc máu liên tục” đã giúp người bệnh có cơ hội được sống. Tại Đồng Nai, một số bệnh viện đã triển khai thực hiện kỹ thuật này, như: đa khoa Đồng Nai, đa khoa Thống Nhất và nhi đồng Đồng Nai.

* Lọc máu liên tục là gì?

Trong lần về chuyển giao kỹ thuật “lọc máu liên tục” tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, TS.BS Đỗ Quốc Huy (Bệnh viện nhân dân 115) giải thích: “Lọc máu liên tục” là máu của bệnh nhân được lấy ra từ tĩnh mạch lớn (thường qua tĩnh mạch cảnh trong, tĩnh mạch dưới đòn, hoặc tĩnh mạch bẹn) qua một ống thông tĩnh mạch cỡ lớn. Thông qua ống thông này, máu được dẫn vào một hệ thống gọi là tuần hoàn ngoài cơ thể bao gồm dây dẫn và quả lọc, để lọc bỏ các phân tử “độc chất” bằng màng bán thấm, sau đó máu được trả lại cho bệnh nhân qua một ống thông khác.

Một bệnh nhân được lọc máu liên tục tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Một bệnh nhân được lọc máu liên tục tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

TS.BS. Đỗ Quốc Huy cho biết thêm, trước đây phương pháp “thẩm tách máu ngắt quãng truyền thống” hay còn gọi là chạy thận nhân tạo trong hồi sức cấp cứu thường gây nên rối loạn huyết động cho những bệnh nhân đang bị bệnh nặng trong khoa hồi sức cấp cứu và chống độc. Biện pháp truyền thống này không giúp lọc bỏ khỏi máu một cách hiệu quả một số “chất độc” gắn với protein, cũng như rất khó áp dụng đối với các bệnh nhân có huyết áp thấp hoặc huyết áp không ổn định, suy tim, suy gan…

Còn “lọc máu liên tục” là một trong các phương pháp điều trị thay thế thận được ứng dụng trong nhiều trường hợp. Nó có ưu điểm hơn hẳn so với lọc máu ngắt quãng bởi nó được tiến hành liên tục 24 giờ, 30 hoặc 36 giờ trong ngày, các chất cần đào thải cũng như lượng nước thừa của cơ thể được đào thải từ từ và liên tục trong cả ngày, chính vì vậy nó ít ảnh hưởng đến những bệnh nhân ở khoa hồi sức là những bệnh nhân có huyết động không ổn định. Hơn nữa phương pháp này có khả năng kiểm soát mức giảm urê, creatinin tốt hơn so với lọc máu ngắt quãng”.

* Chỉ định và chống chỉ định

Bác sĩ Nguyễn Đức Thỉnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) cho biết, phương pháp lọc máu liên tục được chỉ định trong một số trường hợp sau: suy thận cấp, suy gan cấp, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, rối loạn thăng bằng kiềm - toan, rối loạn điện giải nặng, tăng thân nhiệt ác tính, một số trường hợp ngộ độc thuốc, bệnh nhân thừa dịch nhiều.

Kỹ thuật này không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thỉnh, với trường hợp bệnh nhân  xuất huyết não, cần cân nhắc việc sử dụng phương pháp “lọc máu liên tục”.

* Những điều người bệnh cần biết

Đây là một kỹ thuật mới, phương pháp hiện đại, giá thiết bị cao nên chi phí mỗi lần “lọc máu liên tục” khá đắt (từ 10-20 triệu đồng/lần lọc). Tuy nhiên, với những người tham gia bảo hiểm y tế, chi phí này được cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán theo mức quy định. 

Ngoài ra, do kỹ thuật này - dù hiện đại, nhiều ưu điểm nhưng vẫn có những nguy cơ gây tai biến, rủi ro, như: tụ máu do chọc nhầm vào động mạch đùi, nhiễm khuẩn, tràn khí, tràn máu màng phổi, loạn nhịp tim, có thể gây tắc mạch và chít hẹp tĩnh mạch dưới đòn nếu lưu ống thông lâu. Khó cầm máu nếu chọc nhầm động mạch… Vì thế, trước khi thực hiện, bác sĩ cần giải thích cho người bệnh và thân nhân bệnh nhân biết về tình trạng bệnh, kỹ thuật áp dụng trên bệnh nhân, những ưu điểm cũng như tai biến, rủi ro trên có thể xảy ra trong quá trình thực hiện.

Phương Liễu (ghi)

 

Tin xem nhiều