Báo Đồng Nai điện tử
En

Tác dụng của đi bộ ở người bệnh mạn tính

08:09, 04/09/2012

Theo TS. BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, với những người mắc các bệnh mạn tính, như: tiểu đường, huyết áp cao, béo phì, đau nhức xương khớp… thì đi bộ là một trong những phương thức điều trị bệnh tốt nhất cùng với sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, tùy theo  từng loại bệnh, lứa tuổi, tình trạng bệnh mà có thời gian và khối vận động khác nhau.

Theo TS. BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, với những người mắc các bệnh mạn tính, như: tiểu đường, huyết áp cao, béo phì, đau nhức xương khớp… thì đi bộ là một trong những phương thức điều trị bệnh tốt nhất cùng với sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, tùy theo  từng loại bệnh, lứa tuổi, tình trạng bệnh mà có thời gian và khối vận động khác nhau.

Với người béo phì, hoạt động thể lực là rất cần thiết. Hoạt động bắt đầu chậm như đi bộ, xen kẽ với chạy chậm. Trước khi đi bộ, nên khởi động cho dẻo các khớp xương. Khi đã đi bộ quen, nên canh khoảng 1.200m/10 phút, nghỉ một chút rồi rồi tiếp tục đi bộ 1.300m/10 phút. Có thể bắt đầu đi bộ chậm trong 10 phút, 3 lần/tuần, sau đó tăng lên đến 30-45 phút, ít nhất 5 ngày trong tuần. Nếu kết hợp việc ăn uống hợp lý cùng chế độ vận động này, trong 6 tháng có thể giảm được 10% cân nặng cơ thể ban đầu.

Ở người bệnh cao huyết áp thì đi bộ không chỉ làm giảm huyết áp mà còn có tác dụng chống mất ngủ. Bước đi nhịp nhàng giúp điều hòa thần kinh. Người ở độ tuổi trung niên huyết áp cao nên bắt đầu đi bộ với tốc độ 50-60 bước/phút, sau tăng dần lên 70-80 bước/phút. Mỗi ngày đi khoảng 1,5-2 km. Khi huyết áp ổn định dưới 140/90mmHg, có thể chạy bước nhỏ, chạy chậm, nhẹ nhàng từng đoạn ngắn 200-300m.

Với người bệnh tiểu đường tuýp 2 thì đi bộ là một biện pháp tốt và thích hợp, giúp cải thiện chuyển hóa đường và mỡ làm cơ thể tiêu thụ đường dễ dàng, do đó làm giảm được lượng đường trong máu, qua đó có thể giảm bớt liều insulin và một số thuốc hạ đường huyết khác. Đi bộ cũng giúp cải thiện hoạt động của các cơ quan, nâng cao thể lực và sức đề kháng. Tuy nhiên, không tập khi đang đói hay đang mắc một bệnh cấp tính  nào đó hay lượng đường máu quá cao.

Còn những người bị các chứng đau xương khớp mạn tính, theo TS.BS. Phan Huy Anh Vũ, đi bộ giúp cơ xương, khớp dẻo dai. Nếu đã bị bệnh này, nên đi chậm, đi nhẹ với thời gian ngắn. Có thể mới đi thì thấy đau, quen dần sẽ thấy các khớp xương vận động hơn, tình trạng đau sẽ giảm sau 1-2 tuần tập.

Phi Trường (ghi)

 

Tin xem nhiều