Báo Đồng Nai điện tử
En

Những bất lợi cho sức khỏe khi thừa cân, béo phì

10:10, 02/10/2012

Hiện nay, với một chế độ ăn uống giàu đạm, chế độ làm việc, học hành ít vận động, ít chơi thể thao… khiến số người lớn và trẻ em thừa cân, béo phì gia tăng. Nghiên cứu của bác sĩ Hà Văn Thiệu, Phó khoa nội (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai) cho thấy, có rất nhiều bất lợi về sức khỏe ở những người thừa cân, béo phì.

 

Hiện nay, với một chế độ ăn uống giàu đạm, chế độ làm việc, học hành ít vận động, ít chơi thể thao… khiến số người lớn và trẻ em thừa cân, béo phì gia tăng. Nghiên cứu của bác sĩ Hà Văn Thiệu, Phó khoa nội (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai) cho thấy, có rất nhiều bất lợi về sức khỏe ở những người thừa cân, béo phì.

* Béo phì với trẻ em

Theo nghiên cứu của bác sĩ Thiệu, những trẻ bụ bẫm, thậm chí thừa cân vẫn có thể bị suy dinh dưỡng. Bệnh còi xương, suy dinh dưỡng ở trẻ béo phì là một bệnh có liên quan đến rối loạn chuyển hóa canxi, phôt-pho do cơ thể thiếu vitamin D và thường gặp ở trẻ đang thời kỳ lớn nhanh. Trẻ suy dinh dưỡng có 3 thể: thể béo, thể gầy gò và thể hỗn hợp, trong đó thể béo ít khi được gia đình phát hiện. Trẻ suy dinh dưỡng thể béo trông có vẻ mập mạp, thậm chí tăng cân nhanh do chế độ ăn thiên lệch về một số loại thực phẩm giàu đạm, giàu chất béo mà thiếu những thực phẩm tạo các chất, vi chất và khoáng chất khác, dẫn đến còi xương và suy dinh dưỡng. Những trẻ suy dinh dưỡng thể béo, thường xảy ra thêm các bệnh rối loạn sắc tố da, dẫn đến dễ bị da khô, da có vảy, dễ bị hăm đỏ và lở loét khi bị  các tổn thương da. Nếu suy dinh dưỡng thể béo kéo dài, các bộ phận mắt, xương, gan, tim, ruột, tụy, não, răng, tóc... đều có thể bị ảnh hưởng. Vì thế, một chế độ ăn cân đối với đủ 4 nhóm thực phẩm là bột, đạm, béo, rau quả tươi… kết hợp với vận động sẽ tránh được tình trạng béo phì và suy dinh dưỡng thể béo.

Đừng để trẻ thừa cân, béo phì. (Ảnh mang tính minh họa)
Đừng để trẻ thừa cân, béo phì. (Ảnh mang tính minh họa)

Ngoài ra, chứng béo phì ở trẻ cũng có tác hại rất lớn đến phát triển trí tuệ. Những trẻ béo phì độ càng cao thì học càng kém. Những trẻ béo phì khi trưởng thành sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, như: bệnh mạch vành cao gấp đôi so với người bình thường; xơ vữa mạch máu gấp 7 lần; tai biến mạch máu não cao gấp 13 lần so với người bình thường. 

* Béo phì với người trưởng thành

- Giảm khả năng sinh sản: Phụ nữ thừa cân và béo phì không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây mất tự tin và bất tiện trong sinh hoạt mà còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh tật, như: tiểu đường, ung thư vú, rối loạn kinh nguyệt... Đặc biệt, béo phì là một trong những chứng bệnh có liên quan nhiều đến tình trạng vô sinh ở nữ giới. Bởi, mô mỡ làm rối loạn buồng trứng, hàng tháng trứng không lớn và không chín rụng được, chất lượng trứng kém, rối loạn kinh nguyệt. Mỡ quá nhiều sẽ lấp kín buồng trứng và gây vô kinh, gia tăng các biến cố sản khoa, dễ dẫn đến sẩy thai ở những phụ nữ mang thai. Béo phì cũng dễ gây hội chứng đa u nang, khó thụ tinh, dễ sẩy thai và béo bụng…

Còn nam giới thừa cân, béo phì cũng giảm khả năng sinh sản. Với nam giới có số BMI (chỉ số đánh giá thể trọng) càng cao (BMI cao hơn 25) thì số lượng và chất lượng tinh trùng càng giảm, đặc biệt tỷ lệ tinh trùng dị dạng nhiều hơn người ở thể bình thường. Khả năng có con của đàn ông béo phì cũng giảm 10% so với những đàn ông có vóc dáng gầy.

- Bệnh tim và tăng huyết áp: Mỡ bọc lấy tim, làm cho tim khó co bóp. Mỡ cũng làm hẹp mạch vành, cản trở máu đến nuôi tim, gây nhồi máu cơ tim. Béo phì cũng gây ra chứng tăng huyết áp và huyết áp không ổn định.

- Rối loạn lipid máu: Béo phì làm tăng nồng độ triglycerid và LDL-cholesterol, làm giảm nồng độ HDL-cholesterol trong máu. Người béo bụng dễ bị rối loạn lipid máu.

- Ung thư: Nam giới béo phì dễ bị ung thư đại trực tràng, còn nữ giới dễ bị ung thư mật, vú, tử cung, buồng trứng.

- Tăng viêm xương khớp: Các khớp chịu đựng sức nặng quá mức sẽ dễ đau. Lượng axit uric ở người béo tăng, dễ gây bệnh gút do axit uric huyết thanh tăng theo.

- Tiểu đường: Béo phì toàn thân và béo bụng là yếu tố nguy cơ cho tiểu đường type 2. Phụ nữ béo phì có nguy cơ tiểu đường cao gấp 2,5 lần so với người bình thường.

- Đột quỵ: Người có BMI lớn hơn 30 dễ bị tử vong do bệnh mạch máu não. Nếu có thêm các yếu tố nguy cơ khác (tiểu đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu) thì đột quỵ có thể xảy ra ngay cả với người có BMI thấp hơn (khoảng 25).

- Giảm chức năng hô hấp: Mỡ tích ở cơ hoành, làm cơ hoành kém uyển chuyển, sự thông khí giảm, gây khó thở, khiến não thiếu ôxy; tạo hội chứng ngủ cách quãng suốt ngày đêm hoặc lúc ngủ lúc tỉnh. Ngừng thở khi ngủ cũng là vấn đề hay gặp ở người béo phì nặng, nhất là khi béo bụng và có cổ quá bự.

- Bệnh đường tiêu hóa: Người béo phì dễ bị bệnh túi mật, có bất thường về gan, gan nhiễm mỡ, ruột nhiễm mỡ, nhu động ruột giảm (gây đầy hơi, táo bón); hệ mạch ở ruột bị cản trở, gây trĩ.

Uyên Uyên (ghi)

 

 

 

Tin xem nhiều