Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa sản 1 (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) cho biết, có nhiều người nghĩ khi mang thai những tháng cuối, phù chân là hiện tượng bình thường, nhưng thực ra đó cũng là bệnh lý. Phù chân là dấu hiệu của tiền sản giật. Nếu không được điều trị sớm, mẹ và thai nhi có thể gặp nguy hiểm.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa sản 1 (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) cho biết, có nhiều người nghĩ khi mang thai những tháng cuối, phù chân là hiện tượng bình thường, nhưng thực ra đó cũng là bệnh lý. Phù chân là dấu hiệu của tiền sản giật. Nếu không được điều trị sớm, mẹ và thai nhi có thể gặp nguy hiểm.
Thăm khám định kỳ cho bà bầu. |
* Dấu hiệu
Theo bác sĩ Hoan, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng phù chân ở phụ nữ mang thai. Nếu thai phụ sẵn có tiền sử bệnh tim, bệnh thận thì đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng phù chân; ăn uống không đủ dinh dưỡng cũng có thể gây ra tình trạng này. Ngoài ra, phụ nữ mang thai bị phù chân còn có nguyên nhân phù do tiền sản giật và phù do chèn ép tử cung do tăng trọng lượng cơ thể; cân nặng này chèn ép các tĩnh mạch ở chân, gây ra hiện tượng phù chân. Mặt khác, cũng có thể do tư thế làm việc phải ngồi lâu hoặc đứng quá lâu, đi lại nhiều. Với những trường hợp này, nếu thay đổi tư thế mà hiện tượng phù chân không giảm thì phải nghĩ đến do tiền sản giật. Một nguyên nhân khác nữa là do nội tiết tố trong cơ thể bà bầu thay đổi, làm thay đổi lượng máu, máu ít dồn về chân, khiến nên chân nặng nề hơn.
* Nên đi khám
Bác sĩ Hoan khuyến cáo, khi thai phụ có cảm giác người nặng nề, mí mắt nặng, chân nặng, da bóng, mất hết các nếp nhăn ở cổ tay, cổ chân, mặt tròn trịa thì nên đến bác sĩ sản khoa để xác định nguyên nhân.
Ngoài ra, thai phụ cũng nên lưu ý quá trình tăng cân. Ở 3 tháng cuối chỉ nên tăng không quá 2 kg/tháng, nếu tăng nhiều, đó là dấu hiệu phù do tiền sản giật. Đa số hiện tượng phù chân do tiền sản giật phát sinh ở 3 tháng cuối của thai kỳ, vì vậy nếu thai phụ không có tiền sử các bệnh về tim, thận, khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng lại xuất hiện phù, nhất là trong ba tháng cuối thì cần xác định có thể do tiền sản giật và nên đi khám ngay.
Bác sĩ Hoan cũng giải thích thêm: tiền sản giật là một cấp cứu sản khoa, biến chứng rất nhiều, rất nhanh và rất nặng cho cả mẹ và con. Đối với mẹ thì có thể gây tử vong, đối với thai nhi thì chậm phát triển trong tử cung và nguy cơ chết lưu. Vì vậy, chẩn đoán sớm để phát hiện là rất quan trọng. Nếu như được phát hiện sớm ở giai đoạn nhẹ thì sẽ giảm bớt được rất nhiều nguy cơ, phù sẽ mất đi, tình trạng thai nghén sẽ dần trở lại bình thường.
* Ngăn ngừa hiện tượng phù chân
Để giảm bớt hiện tượng phù chân, khi nằm thai phụ nên nằm nghiêng sang trái để tử cung không chèn vào động mạch chủ và các tĩnh mạch ở khung chậu; không nên đứng hoặc ngồi lâu, cứ 15 phút nên thay đổi tư thế, khi ngồi có thể duỗi và gác chân lên ghế.
Về chế độ dinh dưỡng, nên ăn nhạt, tránh các thức ăn nhiều muối, thức ăn cay. Uống nhiều nước sẽ giúp cơ thể thải hết độc tố ra ngoài, tránh được phù nề, cần tránh uống rượu, cà phê. Thai phụ cũng nên tập thể dục nhẹ nhàng, trước khi đi ngủ ngâm chân trong nước nóng, tự xoa bóp hoặc nhờ người khác xoa bóp chân cũng có thể làm giảm phù chân.
Phương Liễu (ghi)