Đến Phòng khám ngoại trú dành cho bệnh nhân HIV/AIDS (OPC), chúng tôi không chỉ cảm động trước sự tận tâm của y, bác sĩ mà còn cảm phục những người vợ, người chồng thủy chung bị lây nhiễm HIV/AIDS từ chính người vợ hay chồng mình.
Đến Phòng khám ngoại trú dành cho bệnh nhân HIV/AIDS (OPC), chúng tôi không chỉ cảm động trước sự tận tâm của y, bác sĩ mà còn cảm phục những người vợ, người chồng thủy chung bị lây nhiễm HIV/AIDS từ chính người vợ hay chồng mình.
* Đồng hành với HIV/AIDS
Trong số những bệnh nhân đang chờ khám tại Phòng OPC của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, chúng tôi gặp chị N.Th. (TP. Biên Hòa) bị lây nhiễm HIV từ chồng là tài xế xe khách đường dài. Chị cho biết: “Những ngày đầu tiên đến với Phòng khám OPC, kết quả xét nghiệm hệ miễn dịch quá thấp, kèm theo các bệnh tiêu chảy, hạch toàn thân…, tôi dường như phải lết từng bước”. Đến nay, qua 10 tháng điều trị, chị N.Th. đáp ứng thuốc rất nhanh, thể trạng ngày càng tốt. Nghiệt ngã thay khi sức khỏe chị đang dần khá lên thì chồng chị trở nặng. Giờ đây, chị vừa tự lo cho bản thân vừa tận tình chăm sóc chồng.
Cán bộ y tế tư vấn về công tác phòng, chống lây nhiễm HIV cho người thân của người bệnh. Ảnh: B. Hường |
Lau vội những giọt nước mắt lăn dài trên má, chị S.H. (huyện Long Thành) kể: “Mãi đến khi mang thai tháng thứ 3, qua một lần xét nghiệm, tôi mới hay tin mình bị nhiễm HIV từ chồng vốn có tiền sử nghiện chích ma túy. Suốt mấy tuần vật vã khóc lóc rạc người nhưng nghĩ đến đứa con bé bỏng đang lớn dần và sự ăn năn của chồng cùng với sự động viên, hỗ trợ của các cán bộ y tế, tôi đã dần nguôi ngoai, ráng sống để sinh con”.
Trường hợp của anh M.Đ. (huyện Thống Nhất) thì ngược lại. Khi vợ anh sinh con đầu lòng, anh được bác sĩ thông báo tin sét đánh; chị bị nhiễm HIV. Anh đã tự vấn bản thân, bí mật đi làm xét nghiệm HIV. May mắn, anh không bị lây nhiễm HIV từ vợ. Khi biết chính xác, mình không phải thủ phạm, anh cũng không hề “truy vấn” vợ. Cầm trên tay kết quả HIV âm tính của mình, anh đứng tần ngần xin được bác sĩ tư vấn cặn kẽ để anh có thể giúp vợ nuôi hy vọng. Giờ đây, đều đặn đến ngày tái khám, anh vẫn chở vợ đến Phòng OPC để thăm khám và nhận thuốc.
* Tấm lòng người thầy thuốc
Không chỉ tận tình điều trị, các cán bộ phòng khám còn nhiệt tình tư vấn cho bệnh nhân. Vì vậy, không khó hiểu khi điện thoại cá nhân của bác sĩ Đinh Văn Sức, Trưởng phòng khám OPC của bệnh viện, tư vấn viên Hồ Thể Loan, điều dưỡng Đặng Ngọc Thanh không bao giờ khóa. Người bệnh có thể gọi điện tư vấn bất cứ giờ nào, các anh chị vẫn nhiệt tình trả lời. Không ít lần, giữa đêm khuya, các cán bộ phòng OPC đã phải bật dậy để “gỡ rối” cho một người nhiễm HIV lỡ làm rách bao cao su trong lúc quan hệ với vợ, đến những tư vấn về tác dụng phụ của thuốc, cách phòng tránh để lây nhiễm HIV cho người thân…
Nâng đỡ thể trạng và tinh thần cho người bệnh nên các phòng khám OPC trên địa bàn đã trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều bệnh nhân HIV/AIDS. Anh V.M. (huyện Xuân Lộc) chia sẻ: “Những ngày đen tối nhất đã qua đi, tôi như sống lại khi nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các y, bác sĩ phòng khám OPC”. Còn ông T.Th. (TX. Long Khánh), cha của em H.T.A. đang điều trị tại OPC chia sẻ: “Nhờ có các bác sĩ và điều dưỡng ở phòng khám tận tình điều trị mà đến nay con tôi đã khỏe mạnh. Cháu đi học đều đặn và còn hăng hái tham gia các hoạt động thể thao của lớp”.
Bích Hường
(Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai)