Có nhiều hình thức làm giả hồ sơ để được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó việc làm giả, sử dụng giấy chứng nhận nghỉ việc để hưởng BHXH là phổ biến nhất…
Có nhiều hình thức làm giả hồ sơ để được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó việc làm giả, sử dụng giấy chứng nhận nghỉ việc để hưởng BHXH là phổ biến nhất…
Bà Lê Ngọc Mai, Phó giám đốc BHXH tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh thời gian qua xảy ra khá nhiều trường hợp làm giả hồ sơ BHXH. Trong đó, phần lớn là do người lao động (NLĐ) nhận thức chưa đầy đủ nên “vô tư” vi phạm. Bên cạnh đó, cũng có người hiểu rất rõ những quy định cụ thể về vấn đề này, nhưng vẫn cố tình sử dụng chứng từ không minh bạch để đối phó với đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) nhằm hợp thức hóa để hưởng chính sách BHXH. Theo bà Mai, dù bất kể nguyên nhân nào thì các hành vi làm giả hồ sơ BHXH đều vi phạm pháp luật nên sẽ bị xử lý theo luật định.
* “Biến hóa” chứng từ…
Qua kiểm tra, xác minh, đối chiếu hồ sơ bệnh án tại các cơ sở y tế cấp giấy C65-HD, BHXH tỉnh đã phát hiện ra nhiều chứng từ được làm giả để hưởng các chế độ BHXH. Trong đó, nhiều giấy đóng dấu của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh nhưng không rõ ràng, chữ ký của y, bác sĩ không giống nhau. Nhận định vấn đề này, ông Phạm Long Sơn, Trưởng phòng chế độ BHXH tỉnh cho biết: “Đối tượng làm giả hồ sơ dùng nhiều “chiêu”, như: làm giả dấu mộc của cơ sở y tế, hoặc scan mộc đỏ rồi photo màu... Thậm chí, có những chứng từ thật được các cơ sở y tế cấp đúng quy định nhưng bị tẩy xóa và thay đổi nội dung để được hưởng các chế độ BHXH”.
Người lao động đến làm hồ sơ hưởng chế độ tại Bảo hiểm xã hội. |
Theo số liệu thống kê năm 2010, qua công tác thẩm định hồ sơ và quyết toán các chế độ ốm đau, thai sản, BHXH Đồng Nai đã phát hiện và xuất toán 304 chứng từ của 29 đơn vị; trong năm 2011 là 164 chứng từ của 34 đơn vị bị làm giả. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh bị phát hiện có giấy C65-HD không đúng quy định, như: Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Trảng Bom, BVĐK Thống Nhất, phòng khám đa khoa (PKĐK) Long Bình, Bệnh viện 7B, BVĐK TP.Biên Hòa, PKĐK Liên Chi, Trạm y tế phường Trảng Dài, PKĐK Hoàng Anh Đức, Bệnh viện y dược cổ truyền, Trung tâm y tế Biên Hòa… Đặc biệt, trong năm 2011, Sở Y tế đã xử lý kỷ luật một trường hợp sai phạm tại Trạm y tế xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất.
* Ngăn chặn bằng cách nào?
Để có cơ sở xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lập hồ sơ để hưởng chế độ BHXH, ngay từ khi phát hiện trường hợp làm hồ sơ giả đầu tiên vào năm 2007, BHXH tỉnh đã có văn bản gửi Công an tỉnh báo cáo tình hình để điều tra làm rõ. Đồng thời, BHXH tỉnh thông báo với các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT yêu cầu chấn chỉnh lại công tác cấp giấy C65-HD; xác minh làm rõ những trường hợp cấp giấy không đúng quy định; hướng dẫn đơn vị SDLĐ cách nhận biết giấy giả; đề nghị Sở Y tế có hình thức kỷ luật đối với trường hợp y, bác sĩ vi phạm trong công tác quản lý và cấp giấy chứng nhận nghỉ việc cho NLĐ hưởng BHXH…
Tuy nhiên, theo nhận định của bà Mai thì hiện nay, công tác quản lý và cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH của các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn lỏng lẻo, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, thông tư liên tịch của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam về việc hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh cấp giấy C65-HD ban hành đã lâu, còn có quy định chưa đáp ứng được yêu cầu, cần phải được sửa đổi và bổ sung cho phù hợp. “Để ngăn chặn tình trạng làm giả hồ sơ thì ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho NLĐ thì BHXH Việt Nam cần có những quy định cụ thể về vấn đề này, như: yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh đăng ký chữ ký đối với y, bác sĩ được phép cấp giấy để cung cấp cho các đơn vị SDLĐ. Bên cạnh đó, loại giấy này phải được quản lý bằng các mã số khác nhau để thuận lợi cho công tác kiểm tra, quyết toán. Trong thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ phối hợp với cơ quan chức năng, xử lý theo quy định tất cả các trường hợp vi phạm pháp luật về chính sách BHXH”- bà Mai nhấn mạnh.
Kim Liễu