Những năm gần đây, vấn đề bình đẳng giới (BĐG) đã được quan tâm, nhất là khi Luật BĐG và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành. Tuy nhiên, hiệu quả của việc tuyên truyền, giáo dục BĐG còn nhiều hạn chế và bất cập, đặc biệt là chưa huy động được nhiều nam giới vào cuộc.
Những năm gần đây, vấn đề bình đẳng giới (BĐG) đã được quan tâm, nhất là khi Luật BĐG và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành. Tuy nhiên, hiệu quả của việc tuyên truyền, giáo dục BĐG còn nhiều hạn chế và bất cập, đặc biệt là chưa huy động được nhiều nam giới vào cuộc.
Nam giới cũng cần được chăm sóc sức khỏe sinh sản ngay khi còn trẻ, còn khỏe. Ảnh: P.Liễu |
Thứ nhất, về đối tượng tuyên truyền: Thực tế qua mỗi lần xuống cơ sở nói chuyện chuyên đề hay tư vấn cộng đồng về các vấn đề của gia đình, tôi thấy phần đông là chị em tham dự. Vấn đề gia đình là vấn đề của cả người chồng lẫn người vợ, nhưng chỉ có phụ nữ tham gia chia sẻ với nhau, trong khi đối tượng chính cần chia sẻ phải là nam giới. Do đó, nam giới không thể đứng ngoài cuộc và việc truyền thông BĐG không nên để nam giới đứng ngoài cuộc, mà cả hai giới cần thay đổi nhận thức mới có thể thay đổi được hành vi. Tôi cho rằng, nâng cao nhận thức cho người phụ nữ hiểu về quyền của mình là quan trọng, nhưng “đối tác” của họ - người đàn ông, không thay đổi thì không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Hơn nữa, có thể nói người chồng, người cha giữ vai trò chủ động trong mối quan hệ với vợ, với con ở mọi mặt của cuộc sống gia đình, bởi thế tác động vào nam giới là phần căn bản nhất.
Thứ hai, về hình thức tuyên truyền: Chúng ta không nên chỉ dừng lại ở cách “phổ biến” luật, ra tờ rơi, áp-phích, qua báo, đài… vì sự bất BĐG diễn ra phổ biến nhất, trầm trọng nhất ở đối tượng văn hóa thấp và thu nhập thấp. Thế nhưng đối tượng này lại ít đọc báo, xem đài, cũng ít khi quan tâm đến các buổi nói chuyện chuyên đề để tiếp cận thông tin. Bởi thế, theo tôi, chính quyền cơ sở cần trực tiếp mời dân, nội dung cụ thể đã có các ban chuyên trách nhưng sự có mặt của những người lãnh đạo UBND trong suốt thời gian sinh hoạt chuyên đề rất quan trọng. Thực tế cho thấy, nơi nào chủ tịch, phó chủ tịch UBND, công an quan tâm đến công tác gia đình, thực sự vào cuộc thì phong trào nơi đó mạnh, tình trạng bạo lực gia đình mới giảm. Ở một số địa phương có sáng kiến lập các câu lạc bộ (CLB) dành riêng cho các ông chồng, như: “CLB những người chồng đảm đang”, “CLB những người chồng yêu vợ”… Sự thay đổi trong nhận thức, hành vi của các ông chồng trong các CLB sẽ có tác dụng lan tỏa ra cộng đồng. Đặc biệt, việc giáo dục thế hệ trẻ về BĐG, về phòng chống bạo lực gia đình cần được quan tâm nhiều hơn, có những hình thức phong phú, hấp dẫn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi của các em hơn nữa. Tác động vào giới trẻ, đặc biệt là nam giới là tác động vào tương lai đất nước. Nên chăng ở trường học cũng phát động các phong trào dành riêng cho học sinh nam biết trân trọng và bảo vệ bạn nữ.
Đặng Thị Lan Hương
(Chuyên gia tư vấn tâm lý)