Em Chìu Thị Năm (dân tộc Dao, xã Thanh Sơn, H.Định Quán) rời xa gia đình để học nội trú tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai khi mới 11 tuổi. Năm cho hay, sau khi tốt nghiệp, em sẽ vừa làm thêm, vừa học nâng cao tại một trường đào tạo âm nhạc để hoàn thiện khả năng của bản thân.
Hai chị em Lâm Thị Kim Hồng và Lâm Thị Bảo Thương (dân tộc Nùng, ngụ xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ) trong một lần tham gia biểu diễn âm nhạc. Ảnh: Lê Châu |
Ước mong của Năm cũng là ý nguyện của hầu hết học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS) đã và đang theo học tại trường.
* Phấn đấu theo nghệ thuật
Trường trung cấp VHNT Đồng Nai đang đào tạo 253 học sinh với các chuyên ngành: Âm nhạc phương Tây, Âm nhạc truyền thống, Múa, Thanh nhạc. Trong số này, có 70 học sinh người DTTS.
Theo Hiệu trưởng Trường trung cấp VHNT Đồng Nai Phùng Ngọc Long, từ ngôi trường đào tạo này, nhiều tài năng âm nhạc trong đồng bào DTTS đã được phát hiện, tạo điều kiện rèn luyện và theo đuổi đam mê.
Anh Điểu Thành Đạt (ngụ xã Túc Trưng, H.Định Quán) theo học chuyên ngành đàn bầu hệ 4 năm của Trường trung cấp VHNT Đồng Nai từ năm 15 tuổi. Sau quá trình rèn luyện tại TP.Biên Hòa, anh tiếp tục theo học chuyên ngành này tại Nhạc viện TP.HCM. Hiện anh bước vào năm cuối tại môi trường đào tạo này.
Anh Thành Đạt nói: “Phát triển nghệ thuật của cá nhân, mong muốn cống hiến nhiều hơn cho âm nhạc truyền thống là điều thôi thúc tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, trở ngại trong việc học để phấn đấu theo đuổi nghệ thuật. Dù chưa biết sau này sẽ ra sao nhưng hoàn thành tốt việc học, dành thời gian tham gia biểu diễn trong các hoạt động âm nhạc luôn được tôi cố gắng thực hiện hết mình”.
2 chị em Lâm Thị Kim Hồng và Lâm Thị Bảo Thương (dân tộc Nùng, ngụ xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ) theo học Trường trung cấp VHNT Đồng Nai từ khi mới 13 tuổi. Kim Hồng và Bảo Thương cho hay, từ vùng quê, 2 chị em đến một nơi có nhịp sống khác biệt hoàn toàn. Trải qua cuộc sống xa nhà khi còn nhỏ nên thời gian đầu cả hai không tránh khỏi những nỗi buồn. Nhưng yêu thích môn đàn nguyệt và nhạc cụ truyền thống, có thầy cô, bạn học quan tâm nên cả hai sớm làm quen việc học, sinh hoạt.
Phải chịu nhiều thiệt thòi, nhưng bù lại Kim Hồng cùng Bảo Thương lại có sự chăm chỉ và sớm bộc lộ năng khiếu, niềm đam mê với âm nhạc truyền thống nên tiến bộ nhanh chóng. Để rồi sau đó, 2 chị em cùng vào học Nhạc viện TP.HCM. Đây là những trường hợp hiếm hoi trong đồng bào DTTS khi cả 2 chị em cùng theo học ở 2 ngôi trường đào tạo về nghệ thuật trong gần 10 năm.
* Động lực cho lớp trẻ
Nỗ lực và thành công bước đầu trong con đường học tập, theo đuổi nghệ thuật âm nhạc của anh Điểu Thành Đạt và chị em Lâm Thị Kim Hồng, Lâm Thị Bảo Thương là động lực cho trẻ em đồng bào DTTS.
Năm học 2023-2024, Trường trung cấp VHNT Đồng Nai tuyển sinh được 95 học sinh. Trong số này, có 14 học sinh là con em đồng bào DTTS. |
Em Điểu Thị Lệ Nguyên (dân tộc Chơro, ngụ xã Túc Trưng, H.Định Quán) hiện là học sinh năm thứ 3 Trường trung cấp VHNT Đồng Nai. Cách đây 3 năm, khi 13 tuổi, em được tuyển vào trường.
Lệ Nguyên cho hay, trong quá trình học tập, ngoài sự hướng dẫn của giáo viên, em được các anh chị đi trước kèm cặp thêm. Sự vượt khó của các anh chị đi trước là tấm gương cho học sinh DTTS theo đuổi nghệ thuật như em.
Hiện học sinh Trường trung cấp VHNT Đồng Nai vừa học văn hóa vào chiều tối, vừa học nghệ thuật vào ban ngày theo giờ hành chính. Để giảm áp lực, nhất là những trẻ mới vào trường đang ở độ tuổi 12-13, nhà trường phân bổ thời khóa biểu hợp lý. Bên cạnh đó, tại khu ký túc xá dành cho học sinh nội trú, giáo viên dành thời gian để quan tâm, sâu sát đến học sinh. Trong từng buổi sinh hoạt, giáo viên giúp các em hiểu nhau hơn để cùng hỗ trợ nhau trong ăn ở, học tập tại môi trường chung. Từ đó, góp phần giúp các em yên tâm ở lại trường học tập.
Chị Kim Hồng cho hay, dù đang học năm cuối với thời gian học, biểu diễn khá bận rộn song chị vẫn dành thời gian về trường cũ hoặc trao đổi qua điện thoại, mạng xã hội cùng đàn em đang theo học ở TP.Biên Hòa. Qua đó, động viên các em và ngược lại, cũng được các em tiếp thêm động lực để cố gắng học tập, với mong muốn tất cả cùng có sự phát triển hơn nữa trên con đường chinh phục nghệ thuật.
Sông Thao
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin